Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2018)

          Quân giải phóng Bình Thuận bẻ gãy chiến thuật “xe nồi đồng” của Mỹ - Ngụy

         Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Mỹ hất cẳng Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam thực hiện dựng nên ngụy quyền tay sai Ngô Đình Diệm, làm công cụ đắc lực cho mưu đồ đen tối xâm lược của Mỹ. Mỹ nuôi tham vọng to lớn hòng áp đặt chủ nghĩa thực dân “Kiểu mới” lên đầu dân tộc Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Âm mưu đen tối đó nằm trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của Mỹ, do Mỹ cầm đầu.

         Ở Bình Thuận, cuối năm 1954 đầu 1955, bọn ngụy quyền đã gây ra nhiều vụ bắt cóc, tàn sát trả thù những người kháng chiến chống Pháp và đồng bào yêu nước ở thị xã Phan Thiết, và các huyện Hòa Đa, Hàm Thuận... Chúng đã thực hiện “giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Phong trào nhân dân xuống đường đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ diễn ra trên toàn tỉnh rất sôi nổi. Đồng bào ở tỉnh ta đã lớn tiếng phẩn nộ bọn Mỹ - Ngụy không chịu thi hành hiệp thương để tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Những toa tàu bọc thép Wickham bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam trong đầu những năm
 1960, với nhiệm vụ chính là giúp quân đội ngụy Sài Gòn kiểm soát và tuần tra các tuyến
đường sắt trọng yếu kéo dài từ Sài Gòn ra miền Trung Việt Nam. Nguồn ảnh: Flickr.

          Bước vào giai đoạn 1961-1965, Mỹ - Diệm âm mưu thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà xương sống là kế hoạch “bình định” và “tìm diệt”. Chúng dùng lực lượng to lớn để càn quét, triệt hạ, đốt phá hàng ngàn nóc nhà để lùa dân vào các ấp tập trung mà Mỹ gọi là “ấp đời mới Tân sinh”. Dùng bộ máy công an, mật vụ quân đội thông qua những tên cố vấn quân sự Mỹ, gia tăng cường độ và biện pháp quân sự để chống lại nhân dân và cách mạng trong toàn tỉnh ta một cách ráo riết, liên tục gây thêm nhiều tội ác. Mỹ - Ngụy liên tiếp mở các chiến dịch càn quét đánh phá để hỗ trợ cho kế hoạch gom dân, lập ấp chiến lược ở khắp nơi trong tỉnh. Chúng đã mở các chiến dịch “Phượng Hoàng vồ mồi”, “Nước giọt mái hiên”, “Sơn Dương I”, “Sơn Dương II”...; nhiều nhà cửa, xóm làng, ruộng vườn, lúa gạo, hoa màu, của cải, trâu bò, kho tàng... bị địch cướp và phá sạch.

            Với âm mưu chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ - Ngụy không khuất phục được nhân dân, phong trào đấu tranh của quần chúng và cách mạng trong tỉnh vẫn vươn tới mạnh mẽ. Nhiều sinh lực của Mỹ - Ngụy bị quân dân tỉnh ta tiêu diệt, đánh bại thảm hại. Bộ đội tỉnh ta đã đánh thắng nhiều trận giao thông trên đường sắt giữa các ga Mương Mán - Sông Phan, diệt nhiều toán địch đi tuần tiểu bảo vệ đường sắt, chặn nhiều chuyến xe lửa vận tải quân sự có lính hộ tống, thu nhiều vũ khí đạn dược, lương thực, như gạo, bột, đậu, thuốc men... góp phần giải quyết lương thực cho bộ đội.

            Để bảo vệ hiệu quả cho đường sắt mà không bị tổn hại lực lượng hộ tống trên mỗi đoàn tàu vận chuyển hàng ngày, địch đã nghiên cứu đối phó các trận phục kích đánh xe lửa của ta bằng việc tuần tra cơ giới bằng “xe nồi đồng”. Xe “nồi đồng” còn gọi là “bù lu Mã Lai”, là một loại xe bọc thép có tên là “Vickham[1]” (Armoured Wickham Trolley) do đế quốc Anh sản xuất, từng được sử dụng ở chiến trường Mã Lai, nay được đế quốc Mỹ đưa vào chiến trường miền Nam Việt Nam viện trợ quân sự cho Ngô Đình Diệm. Chúng cải tiến thay bánh hơi bằng bánh sắt, do đó chạy trên đường ray rất nhanh và êm, tiến lùi dễ dàng. Mỗi xe do 6 tên lính phụ trách, trang bị 01 đại liên Prốt-nin, 01 trung liên Bar[2] và đủ súng ngắn, tiểu liên, súng trường. Với một hỏa lực mạnh và sức cơ động nhanh, không phát tiếng động như xe lửa, cứ mỗi tốp 3 chiếc, cự ly 100m/chiếc, chúng thực sự là những công sự lưu động vững chắc, chạy tuần tra trước mỗi đoàn tàu lửa, tốp “xe nồi đồng” này quả là lực lượng hộ tống rất có hiệu lực. Địch rất tin tưởng chiến thuật này và tin rằng bộ đội ta không thể nào tấn công được các đoàn tàu lửa được nữa.

            Về phía chúng ta, mỗi lần hành quân qua lại đường sắt vào ban ngày cũng khó hơn vì “xe nồi đồng” thường xuất hiện rất nhanh, bất ngờ, cảnh giới báo không kịp. Chưa nghe tin tức đã có chiến trường nào đánh “xe nồi đồng”, bản thân chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm đánh loại xe này, nhưng qua nghiên cứu bước đầu thấy “xe nồi đồng” cũng có nhược điểm của nó là chạy trên đường sắt dễ bị mìn, khi đường ray bị cắt thì xe không còn cơ động được nữa, sẽ làm mồi cho đối phương tiêu diệt. Nếu đánh được cả tốp “xe nồi đồng” thì vừa là bẻ gãy một thủ đoạn chiến thuật lợi hại của địch, vừa được bồi dưỡng lớn về súng đạn, ngoài ra còn thu được rất nhiều chiến lợi phẩm khác của đoàn tàu vận tải quân sự. Đó là một nguồn tiếp tế rất lớn trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ. Do đó, chúng tôi quyết tâm nghiên cứu đánh tiêu diệt đoàn “xe nồi đồng” này. Một bộ phận chuẩn bị chiến trường gồm các đồng chí trinh sát cơ quan có nhiều kinh nghiệm nắm địch nhất do đồng chí Mười Lai - một cán bộ tham mưu Tỉnh đội Bình Thuận phụ trách.

            Ngày 29/3/1962, ta nổ súng đánh trận đầu tiên ở khu vực Giếng Cỏ trên đoạn Ma Lâm - Mương Mán, chỉ diệt được 01 chiếc, chiếc còn lại nổ súng chống trả quyết liệt, ta không làm chủ được chiến trường, địch chết và bị thương một số, phía bộ đội ta vô sự. Ta đánh tiếp trận thứ 2 vào ngày 5/6/1962 ở khu vực Suối Văn trên đường Mương Mán - Sông Phan. Lần này ta tăng thêm lực lượng, tổ chức thêm bộ phận chặn đánh cả đoàn tàu lửa chạy tiếp sau. Nhưng trận này cũng không dứt điểm, chỉ giệt được 01 chiếc đi đầu, chiếc thứ 2 bị thương nhưng chạy tháo lui được về sau, chiếc thứ 3 ở xa nằm ngoài trận địa phục kích của ta. Tuy vậy, trận này ta cũng làm chủ được một phần trận địa, thu được toàn bộ vũ khí, đạn dược của chiếc xe đi đầu: có 01 đại liên, 01 trung liên, bắt 01 tù binh, địch chết 05, ta bị thương nhẹ 01 đồng chí.

            Qua 2 trận năm 1962, tuy chưa thành công nhưng đã cho ta nhiều kinh nghiệm thực tế. Để có đủ lực lượng đánh và làm chủ chiến trường, thu và bảo vệ nhiều chiến lợi phẩm với thời gian tương đối dài, Tỉnh đội huy động toàn bộ bộ đội tập trung của tỉnh về tham gia trận đánh, gồm các đại đội 486 tại địa bàn, đại đội 489 điều từ khu Lê Hồng Phong sang, các đơn vị đặc công, công binh tỉnh, đơn vị căn cứ, trường quân chính tỉnh, binh công xưởng Cao Thắng...; ngoài ra, còn có 200 dân công cơ quan và 300 dân công của xã giải phóng Hàm Thạnh cùng hành quân chiến đấu. Trận địa được chọn cách không xa khu vực phục kích lần trước nhưng có nhiều ưu thế địa hình và bí mật hơn. Toàn lực lượng lên đường với khí thế hăng hái sôi nổi của phong trào “thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” và với niềm tin tưởng vào khả năng đánh thắng trận này.

            8 giờ 30 phút sáng ngày 22 tháng 6 năm 1963, đài quan sát xa báo cáo về  Sở chỉ huy 3 lần: “Hồng Hà 888”. Cả Sở chỉ huy rộn lên vui sướng. Thế là hôm nay địch đi đúng dự kiến: tốp 3 “xe nồi đồng” hộ tống đi đầu theo cự ly thường lệ, tiếp sau đó độ 1 km là một đoàn tàu dài. Một mệnh lệnh ngắn gọn được phát ra cho toàn mặt trận “Cửu Long 555”. Như vậy là tất cả đã sẵn sàng nổ súng. Đồng chí Tự -c án bộ binh công xưởng Cao Thắng, người phụ trách nổ mìn phát lệnh cho toàn mặt trận chuẩn bị điểm hỏa diệt chiếc “xe nồi đồng” chạy đầu. Khẩu ĐKZ - hỏa lực duy nhất đánh xe bọc thép của chúng tôi sẵn sàng nhả đạn. Trận địa trước giờ nổ súng im ắng lạ thường, phút giây chờ đợi nôn nao khó tả. Trong khoảnh khắc bóng dáng chiếc nồi đồng ở ngay trước mắt, gần quả mìn đã phát lệnh, một bưng khói lửa bùng lên bao trùm chiếc xe và một tiếng nổ lớn vang, tiếp theo hàng tràng liên thanh dòn dã. Anh em xung phong ra chiếm xe và thu ngay khẩu đại liên còn gác nòng trên tháp pháo.

            Biết đã bị tấn công nhưng chiếc thứ 2 vẫn không dừng ngay được mà cứ lao nhanh lên theo đà. Các loại hỏa lực của ta tập trung vào mục tiêu. Đồng chí Hai Lãnh - Trung đội trưởng ĐKZ không kịp bắn chiếc thứ nhất, bây giờ đã sẵn sàng nổ luôn 2 phát, diệt gọn chiếc xe này. Anh em 486 xung phong ngay ra kiểm soát trận địa, chiếm xe, thu vũ khí.

            Sau khi diệt xong chiếc nồi đồng thứ 2, nhanh như cắt, đồng chí Phước - Đại đội trưởng 486 nắm ngay khẩu ĐKZ cùng đồng chí Hai Lãnh vòng bọc trong mé rừng, vận động gần 200 m đến khu vực trận địa 489, vừa ngang tầm, bắn luôn 2 quả xuyên hông chiếc xe, diệt luôn mấy tên xạ thủ đại liên, trung liên, 2 tên sống sót bị nóng quá liều mạng bung ra khỏi xe liền bị gục ngay dưới làn đạn súng máy của ta. Vậy là sau vài chục phút chiến đấu, cả tốp 3 “xe nồi đồng” bị diệt sạch. Đoàn tàu chở hàng phía sau đã bị chặn đứng ngay khi vừa nổ súng. Toàn mặt trận mừng vui nhiệt liệt hoan hô chiến thắng, kiểm soát trận địa, làm chủ chiến trường, thu vũ khí, chiến lợi phẩm. Tất cả số địch trên 3 xe đều bị diệt, bên ta hoàn toàn vô sự. Vũ khí thu được gồm 3 đại liên, 3 trung liên, 3 súng ngắn Colt 12, 03 thompson và 6 garant, hàng chục ngàn viên đạt, hàng chục thùng lựu đạn và toàn bộ quân trang, quân dụng. Đoàn tàu vận tải hôm nay chở rất nhiều gạo, bột, mì, bột sữa, bắp, đậu cô ve, dầu cải, bông băng, thuốc tây... có lẽ lên đến hàng trăm tấn; ngoài ra còn 2 gông (toa) chở đầy bia và nước ngọt. Chỉ một trận này ta đã có được một số lương thực đủ dùng cho toàn tỉnh khoảng 3 tháng.

            Sau trận đánh này, địch bỏ luôn không dùng “xe nồi đồng” đi hộ tống nữa. Suốt đoạn đường sắt từ Gia Huynh đến Cà Ná vắng bóng xe Vickhaw - bù lu Mã Lai. Với 3 trận đọ sức, quân giải phóng Bình Thuận đã bẻ gãy hoàn toàn “Chiến thuật “xe nồi đồng” của Mỹ - Ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu xe bọc thép Vickham trên chiến trường tỉnh nhà, góp phần vào thắng lợi chung của toàn tỉnh trong các giai đoạn về sau.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tổng kết tội ác chiến tranh Mỹ - Ngụy đã gây ra tại tỉnh Thuận Hải (1954-1975), tháng 11 năm 1976.

2. Trích Hồi ký chiến đấu: Bẻ gãy chiến thuật “xe nồi đồng” của Mỹ - Ngụy, của Đại tá Phạm Hoài Chương, tháng 8 năm 1983.

 


[1] Tàu bọc thép Wickham (Armoured Wickham Trolley) nặng 2 tấn này là một sáng kiến của quân đội thực dân Anh để đối phó với tình trạng khẩn cấp ở Malaysia trong những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Các toa bọc thép này được sản xuất tại Anh Quốc bởi công ty D Wickham & Co. Ltd of Ware & Stevenage (Hertfordshire, UK), có bộ phận điều khiển ở hai đầu cả phía trước và phía sau, và được trang bị súng máy với đèn pha trên tháp pháo.

[2] trung liên BAR hay là trung liên M1918, viết tắt của (Browning Automatic Rifle) là loại súng máy hạng nhẹ được quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi trong thế chiến thứ hai và nhiều cuộc chiến sau đó.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ