Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016, sau 3 năm thực hiện, Thàng hành động vì Bình đẳng giới hàng năm bước đầu đã huy động được sự quan tâm và tham gia vào cuộc của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng cùng chung tay trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Tuy nhiên, tình hình phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái bị xâm hại vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2018, toàn tỉnh đã có 145 trường hợp phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, có 21 trẻ em gái bị xâm hại tình dục,… Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang là vấn đề đáng quan tâm của tỉnh, khi ngày càng có nhiều vụ việc xảy ra. Đây được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới.
Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 tiếp tục sẽ là cơ hội để phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới và bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; thúc đẩy thực hiện luật pháp, chính sách và vận động xã hội về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; qua đó nhằm đánh thức mỗi người dân suy ngẫm sâu sắc hơn và hành động thiết thực hơn để cùng chung tay xóa bỏ bất bình đẳng giới.
Theo đó, các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động ngay sau Lễ khai mạc và trải đều trong tháng nhằm hưởng ứng Tháng hành động với các nội dung như: Tổ chức diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động; Tổ chức các cược thi: Thi tìm hiểu pháp luật, Thi tuyên truyền viên giỏi, giao lưu văn nghệ, thể thao,… theo chủ đề của Tháng hành động; Tổ chức gặp mặt, biểu dương những điển hình tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Tổ chức các hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, cho cha mẹ, các thành viên trong gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới được tập trung, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án: “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh” và triển khai tốt mô hình “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” giai đoạn 2017 – 2010.