Do hoàn cảnh chiến tranh nên Ban mới thu thập được một số hồi ký, tư liệu thành văn. Trong giai đoạn đầu, công tác nghiên cứu lịch sử Đảng gặp khó khăn khi không có cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và không nhận được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương trong việc sưu tầm, xác minh những tài liệu và sự kiện lịch sử. Đến năm 1975, Ban về Nam tiếp tục công tác, góp phần xây dựng quê hương. Đây là nền tảng đầu tiên xây dựng nên ngành lịch sử Đảng của địa phương.
Ngày 15/6/1976, một năm sau ngày giải phóng đất nước, trong bề bộn khó khăn, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa củng cố và xây dựng quê hương, Thường vụ Tỉnh ủy Thuận Hải (3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy sáp nhập) ra Nghị quyết 01 –NQ/TU về việc thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Thuận Hải. Nghị quyết xác định Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng là trung tâm nghiên cứu lịch sử Đảng bộ địa phương. Nhân sự của Ban lúc mới thành lập gồm: đồng chí Nguyễn Gia Tú, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Thường vụ Khu ủy Khu VI, Trưởng ban Kiểm tra Khu ủy Khu VI, Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam làm Trưởng Ban. Đồng chí Nguyễn Ngọc Chước, cán bộ thuộc Tổ Nghiên cứu lịch sử Đảng (không chuyên) tỉnh Bìunh Thuận ở miền Bắc làm Phó ban và 01 chuyên viên. Năm 1978, đồng chí Nguyễn Thế Liêm, Bí thư Huyện ủy Ninh Hải (thuộc Ninh Thuận sau này) làm Phó ban. Năm 1981, đồng chí Trần Đệ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm nhiệm Trưởng ban thay đồng chí Nguyễn Gia Tú.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần IV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần III, Tỉnh ủy Thuận Hải cũng chỉ đạo tiến hành nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống xã, phường-lịch sử chiến tranh nhân dân địa phương. Công tác này có ý nghĩa và tầm quan trọng, nhằm tổng kết rút ra những bài học lịch sử truyền thống cách mạng quý báu, phong phú và sinh động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ở địa phương, góp phần chuyển biến sâu sắc phong trào cách mạng các cấp cơ sở, khắc phục đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, phát huy mạnh mẽ mặt tích cực, thúc đẩy phong trào cách mạng quần chúng. Trong các văn bản chỉ đạo, Thường vụ Tỉnh ủy luôn củng cố nhận thức công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống là việc làm hết sức cần thiết, là một việc làm có ý nghĩa chính trị sâu sắc và lâu dài. Qua đó, tổng kết rút ra những bài học lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Đến tháng 12/1985, thực hiện tinh giảm biên chế, Thường vụ Tỉnh ủy Thuận Hải có Quyết định 379 sáp nhập Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh vào Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành Tổ nghiên cứu lịch sử Đảng. Đồng chí Phan Minh Đạo - Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác lịch sử Đảng. Ngày 29/6/1990, Quyết định 106 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuyển Tổ nghiên cứu lịch sử Đảng thành phòng lịch sử Đảng với 04 cán bộ.
Bộ máy nghiên cứu lịch sử Đảng ở cơ sở cũng hình thành từ năm 1978, khi Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị 31 thành lập Ban sưu tầm tài liệu lịch sử Đảng huyện, xã. Đồng chí Phó bí thư cấp ủy làm trưởng ban, lãnh đạo các ban: Tuyên giáo, Tổ chức; các phòng: Văn hóa thông tin, Giáo dục và Huyện đội làm thành viên. Đến năm 1980, các huyện Hàm Thuận, Hàm Tân, Đức Linh và thị xã Phan Thiết đã thành lập bộ máy chuyên trách; khi có chủ trương tinh giảm biên chế thì sáp nhập vào Ban Tuyên giáo.
Sau chia tách đơn vị hành chính thành hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận năm 1992, Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy củng cố phòng lịch sử Đảng (03 biên chế). Sau khi tổ chức Hội nghị tổng kết công tác biên soạn Lịch sử Đảng bộ, Lịch sử truyền thống địa phương (1988 - 1992), ngày 20-9-1992, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận ra Chỉ thị số 06 - CT/TV đẩy mạnh công tác biên soạn lịch sử truyền thống địa phương. Qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ và thắng lợi, Đảng bộ tỉnh được nhiều bài học quý giá. Để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới, việc viết lại những chặng đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng. Cấp ủy và lãnh đạo các ngành, đoàn thể nhận thức rõ công tác Lịch sử Đảng bộ địa phương là một nhiệm vụ chính trị tư tưởng quan trọng để có kế hoạch chỉ đạo trong từng tháng, quý và dài hạn hơn, làm cho Chỉ thị số 06 của Thường vụ Tỉnh ủy được thực hiện nghiêm túc. Từ năm 1992 đến 2020, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng tỉnh do Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách gồm các đồng chí: Lương Sơn (1992 - 1996), Ngô Minh Chính (1996 - 2006), Huỳnh Thanh Tâm (2006 - 2010), Bùi Thế Nhân (từ cuối 2010 - 2015), Hồ Trung Phước (từ cuối 2015 - nay).
Ở cơ sở, từ năm 1992, đồng chí Phó Ban Tuyên giáo huyện, thị phụ trách và cán bộ chuyên trách. Đến năm 2001 chỉ còn huyện Bắc Bình có chuyên trách, các nơi khác, Ban Tuyên giáo phân công cán bộ phụ trách. Từ năm 2002, lãnh đạo Ban Tuyên giáo phụ trách và cán bộ chuyên trách (một số là sinh viên tốt nghiệp đại học ngành sử như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh…).
Từ năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, phòng Lịch sử Đảng sáp nhập thành phòng Tổng hợp - Lịch sử Đảng, thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
2. Một quyển sử ra mắt đọc giả là thành quả của việc khai thác tư liệu, là sản phẩm cụ thể của quá trình biên soạn, hội thảo. Giai đoạn 1976 - 1991, ngành lịch sử Đảng tỉnh vừa củng cố bộ máy từ tỉnh đến cơ sở; vừa khai thác tư liệu các kho lưu trữ. Sau thời gian làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thuận Hải (1930-1945) được xuất bản năm 1984. Đồng thời, thí điểm một huyện và một xã, rút kinh nghiệm triển khai trong toàn tỉnh. Năm 1985, Hàm Nhơn những chặng đường cách mạng 1930 – 1954 (thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc sau này) ra mắt đọc giả. Đến năm 1991, toàn tỉnh biên soạn, xuất bản 17 quyển sử, như: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thuận Hải (1930-1945); Phan Thiết tập 1 (1930-1954) và tập 2 (1954-1975); Hàm Nhơn tập 1 (1930-1954) và tập 2 (1954-1975)…
Tính từ sau chia tách tỉnh (năm 1992) đến tháng 6/2020, số lượng sách in, xuất bản được 228 tập lịch sử, với hơn 10.000 trang sách, được biên tập và in ấn đẹp, như: Căn cứ Khu Lê Hồng Phong trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, 1950-1975 (xuất bản năm 2008, tái bản năm 2012); Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (tập III, 1975-2005) xuất bản vào dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; Lịch sử Biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập 1, 1930-1954; Công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh của những chiến sĩ cách mạng tỉnh Bình Thuận trong các nhà tù, trại giam ở miền Nam, 1954-1975 phát hành vào dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV sắp tới.
Từ năm 2013 đến 2018, đã có trên 10 chuyến khảo sát căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận, Bình Tuy trong kháng chiến chống Mỹ; đồng thời Ban Chỉ đạo được thành lập để thực hiện các bước triển khai dự án xây dựng Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ tại rừng Sa lôn, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Công trình khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa và góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Bình Thuận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Ngoài ra, còn triển khai hoàn thành các đề án “Số hóa tư liệu lưu trữ và các ấn phẩm lịch sử tỉnh Bình Thuận”, biên soạn Tài liệu “Dạy và học lịch sử Đảng bộ địa phương trong các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”:
Các sở, ban, ngành, Mặt trận đã in, xuất bản một số sách như: Từ điển Quân sự Bình Thuận (1930-2015); Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận (1945-2000); Lịch sử Bộ đội Biên phòng tỉnh (1975-2005); Lịch sử ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận (1945-2010); Lịch sử Công tác Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận (1930-2010…
Ở cấp huyện, sau khi hoàn thành biên soạn, in và phát hành lịch sử đảng bộ địa phương giai đoạn kháng chiến, 10/10 huyện, thị, thành phố đã hoàn thành biên soạn giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, một số nơi đã nghiên cứu, in và phát hành một số chuyên đề lịch sử như: Kỷ yếu 40 năm chiến thắng Sông Mao (25/11/1968-25/11/2008); Lịch sử Ban an ninh Hàm Thuận (1945-1975); Kỷ yếu Tù chính trị thành phố Phan Thiết (1930-1975); Lịch sử Lực lượng vũ trang huyện Phú Quý (1975-2010)…
Năm 2018, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tổng kết Chỉ thị 15, ban hành Chỉ thị 20, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 120-KH/TU, ngày 24/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đến năm 2020”.
3. Nhìn lại một chặng đường lịch sử 90 năm công tác Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, những kết quả từ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng tỉnh Bình Thuận đạt được đáng trân trọng. Nhiệm vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng tỉnh tiếp tục nắm bắt sự kiện, tổng kết kinh nghiệm, nâng lên thành lý luận, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cách mạng, làm bộ mặt xã hội trong tỉnh phát triển. Từ đó góp phần vào công tác lịch sử Đảng toàn quốc và công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên quê hương Bình Thuận ngày càng khởi sắc./.