Về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị

       Vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị trước hết bắt nguồn từ vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; để giải phóng mình và giải phóng toàn xã hội. C.Mác đã viết: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng” và “chỉ Đảng nào được lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”.

       Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Người còn chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Chủ nghĩa mà Người nói ở đây là chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã dạy: “Đối với công việc kháng chiến và kiến quốc, lý luận là rất quan trọng. Không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”.

       Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, thông qua công tác giáo dục lý luận chính trị mới có điều kiện để hiểu biết, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, có cơ sở lý luận để hoàn thành nhiệm vụ được giao, có khả năng vận động, lãnh đạo, giáo dục, giác ngộ quần chúng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng. Lênin đã dạy rằng phải: dạy cho giai cấp công nhân tự nhận thức được mình, có ý thức về mình, đem khoa học thay thế cho mộng tưởng. Chúng ta phải tích cực giáo dục chính trị cho giai cấp công nhân, cố gắng phát triển ý thức chính trị của giai cấp công nhân... Không tiến hành công tác đó (công tác giáo dục lý luận chính trị ...) thì hoạt động chính trị tất nhiên biến thành trò chơi, bởi vì hoạt động đó chỉ khi nào và trong chừng mực nào nó phát động được quần chúng... làm cho họ quan tâm và thúc đẩy họ tích cực tham gia các sự kiện thì nó mới có ý nghĩa trọng đại.

      Trải qua 89 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ và đã giành được thắng lợi rất vẻ vang, mở ra thời đại phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc ta - thời đại Hồ Chí Minh. Mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn đã khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã luôn luôn nghiên cứu nắm vững, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối chính trị đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng. Đường lối đó đã thấm sâu vào quần chúng nhân dân thông qua công tác giáo dục lý luận chính trị do Đảng tiến hành, với những hình thức, phương pháp phong phú và sinh động, nhằm nâng cao ý thức chính trị, giác ngộ cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, Đảng ta đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc làm nên những thành tựu và thắng lợi rực rỡ của cách mạng Việt Nam.

       Công tác nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị có vai trò to lớn trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin - lý luận cách mạng và khoa học với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam đã dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện đó đánh dấu bước ngoặt căn bản của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, là sự chuẩn bị tích cực và đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ cách mạng tiền bối.

       Công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị có vai trò to lớn trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta luôn luôn trong sạch, vững mạnh, có đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng. Trước hết, nhờ làm tốt công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị, nên Đảng ta đã xây dựng được đường lối chính trị đúng đắn và bản lĩnh chính trị vững vàng. Đây là nguồn gốc, là cơ sở đoàn kết thống nhất tạo nên sức mạnh của Đảng.

       Từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam cho thấy: chỉ có kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, biết vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn mới làm cho hoạt động nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị đi đúng hướng và ngày càng có hiệu quả; góp phần làm sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, hoàn thiện đường lối chính trị, giải đáp những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.

       Hiện nay, Đảng và nhân dân ta đang tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh". Sự nghiệp vĩ đại đó được tiến hành trong điều kiện có những thời cơ và thách thức hết sức to lớn, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Chúng ta vừa làm, vừa nghiên cứu, tìm tòi, khảo nghiệm và thử nghiệm. Nghị quyết Hội nghị TW5 (khoá IX) đã xác định, phải: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta...”; “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân”. Ngày 8/02/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng ban hành Hướng dẫn “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận”, trong đó có giao nhiệm vụ cho tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo tổng kết, nghiên cứu, đồng thời ưu tiên phân bổ kinh phí hoạt động khoa học cho nhiệm vụ quan trọng này.

       Vấn đề nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là một vấn đề thường xuyên. Các cấp ủy đảng phải thật sự coi trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tăng cường giáo dục để nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới. “Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ. Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những hiểu biết mới cũng là biểu hiện của sự thoái hóa”. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cũng xem đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ngày 19/02/2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”.

       Trong tình hình hiện nay, công tác nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị cần thực hiện tốt một số nội dung sau: Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp công tác tư tưởng; đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần làm rõ hơn nữa con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Triển khai liên tục và sâu rộng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm phát huy chủ nghĩa yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực sáng tạo, ý chí tự lực tự cường đi đôi với đề cao tinh thần quốc tế chân chính. Khơi dậy và nâng cao ý chí cách mạng tiến công, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, động viên khí thế và tinh thần chủ động sáng tạo trong lao động, học tập và công tác, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 


Các tin khác

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ