Đội ngũ nhà giáo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người thầy, một nhà giáo dục vĩ đại. Cả cuộc đời, Người đã giáo dục, đào tạo biết bao thế hệ cán bộ, những chiến sĩ ưu tú cho cách mạng. Theo Người, nhân cách con người bao gồm cả đức và tài, trong đó đức là gốc, tài là quan trọng. 

Hồ Chí Minh coi đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà được hình thành và phát triển, củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhà giáo Việt Nam. Người luôn đặc biệt chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ trí thức quan trọng này.

Đội ngũ nhà giáo Việt Nam là lực lượng chủ yếu và trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, rèn luyện học sinh của các nhà trường trên phạm vi cả nước. Có thể nói, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định chất lượng dạy học và đòi hỏi phải mất nhiều công phu xây dựng, bồi dưỡng. Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của đất nước qua các giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhà giáo Việt Nam. Người luôn đặc biệt chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ trí thức quan trọng này.

Đạo đức nhà giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm những phẩm chất cơ bản: Hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức nhà giáo có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà giáo trong từng tình huống cụ thể.Trên thực tế hiện nay, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau với ý nghĩa đồng nhất, đó là đạo đức nghề giáo, đạo đức những người làm thầy… Hồ Chí Minh cho rằng: “Nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của một nhà giáo cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân, vì nền giáo dục nước nhà, đời tư trong sáng giản dị, nói đi đôi với làm và là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học. Người đã từng đứng trên bục giảng với tư cách là một nhà giáo, tự thiết kế nội dung chương trình, tổ chức lớp học, truyền đạt bằng phương pháp hiện đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo rất sâu sắc, có thể khái quát thành những luận điểm sau:

Phẩm chất đầu tiên cũng là phẩm chất quan trọng nhất, đó là phục vụ Tổ quốc gắn liền với phục vụ nhân dân. Phẩm chất đạo đức này được đề cập trong nhiều bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh. Trong buổi nói chuyện với thầy giáo, cô giáo Lớp Nghiên cứu chính trị khóa 1, Trường Đại học Nhân dân, Người căn dặn: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân- tức là phục tùng chân lý”.

Kính trọng nhân dân, tin vào sức mạnh của nhân dân. Nếu như quan niệm của đạo đức cũ coi con người dân phụ thuộc vào giai cấp cầm quyền, thì tới Hồ Chí Minh người dân được đặt ở vị trí cao nhất, trân trọng nhất, “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Thầy giáo, cô giáo phải học ở quần chúng nhân dân, “không học nhân dân là một thiếu sót lớn”.

Người cách mạng nói chung và nhà giáo nói riêng phải có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là những phẩm chất không thể thiếu được đối với người làm thầy. Biểu hiện rõ nhất những phẩm chất này của người thầy giáo là dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt. Sự nghiệp trồng người không hề bằng phẳng dễ dàng mà đầy khó khăn, gian khổ. Vì vậy, không chỉ có quyết tâm, sự hy sinh mà phải có kế hoạch, biết tổ chức, có phương pháp làm việc khoa học mới hoàn thành được nhiệm vụ. Người thầy giáo phải là tấm gương sáng về rèn luyện đạo đức và tự học, đánh giá kết quả của người học phải khách quan, công bằng, không thiên tư, thiên vị.

Phẩm chất nhà giáo còn phải thể hiện ở tình yêu thương học trò và yêu nghề. Đối với nhà giáo, phẩm chất đạo đức thương yêu học trò và yêu nghề có mối quan hệ mật thiết, tác động hỗ trợ nhau. Thương yêu học trò sẽ dẫn đến yêu nghề và ngược lại, yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy giáo phải quan tâm, săn sóc học trò với tình cảm sâu nặng như ruột thịt, song cách thể hiện phải phù hợp với từng lứa tuổi và cấp học. Ở bậc mẫu giáo và tiểu học, người thầy phải dành cho học trò một tình thương đặc biệt như tình cảm của cha mẹ với các con. Người căn dặn: Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thì trước hết phải yêu trẻ, hay “phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình”.

Tinh thần đoàn kết, phẩm chất đạo đức quan trọng của nhà giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết thống nhất và coi đây là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Trong môi trường sư phạm, Người hiểu rất rõ giá trị của sự đoàn kết. Đoàn kết sẽ tạo ra bầu không khí vui vẻ thoải mái, kích thích sự khám phá, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu; đồng thời sẽ tạo ra môi trường thi đua lành mạnh, phát huy được khả năng của cá nhân và sức mạnh của tập thể, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Chính vì vậy, Người luôn giáo dục tinh thần đoàn kết trong đội ngũ thầy giáo, cô giáo.

Phải gương mẫu về đạo đức. Sự gương mẫu ở đây là người thầy thực hiện trước hết những điều mình dạy học trò. Người nói: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dạy sớm mà giáo viên thì trưa mới dạy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu”. Người thầy có ý thức về sự gương mẫu của mình tức là đang tự hoàn thiện mình. Người thầy dạy học trò về phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thương yêu lẫn nhau; đoàn kết nội bộ; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Gương mẫu về lĩnh vực đó, nghĩa là người thầy đang trên con đường xây dựng đạo đức cho mình.

Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phải thường xuyên suốt đời, Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở trong mỗi con người ai cũng có điểm hay điểm dở, có cái thiện có cái ác. Hai mặt này luôn luôn mâu thuẫn và đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh đó là “trường kỳ và gian khổ”. Do không chú ý điều này nên có người ở trong hoàn cảnh này thì tốt, nhưng sang hoàn cảnh khác không tiếp tục phấn đấu, rèn luyện lại rơi vào chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa, biến chất. Do đó, Người căn dặn người cách mạng nói chung, người thầy nói riêng việc tu dưỡng đạo đức phải thường xuyên suốt đời, kiên trì bền bỉ, không được chủ quan, tự mãn.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi nhà giáo phải học vấn chuyên ngành sâu, kỹ năng sư phạm giỏi, đạo đức nhà giáo tốt. Người luôn nhắc nhở các nhà giáo, chỉ thị cho “những người đi huấn luyện” là phải mẫu mực về mọi mặt. Ngay từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Người đã xác định: “Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”. Theo Người, muốn trở thành nhà giáo mẫu mực, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” cao quý, thì mỗi nhà giáo phải không ngừng nỗ lực học tập, phải thực hiện tốt khẩu hiệu: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Người nhắc nhở đội ngũ nhà giáo, những người làm công tác huấn luyện: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”. Đặc biệt, Người luôn quan tâm giáo dục cho đội ngũ nhà giáo phải yêu nghề, yêu trường, phải biết tự hào về nghề nhà giáo cao quý: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?”. Người còn nhắc nhở đội ngũ nhà giáo phải mô phạm, phải gương mẫu về đạo đức, lối sống: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta... phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”.

Người chẳng những quan tâm giáo dục, động viên, mà còn cùng với Đảng, Nhà nước ta đề ra và tổ chức thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi thực hiện chế độ giáo dục mới, Người đã chỉ thị: “Cần phải ưu đãi các giáo viên và khen thưởng những lớp tổ chức tốt”. Lời dạy này của Người là định hướng tư tưởng quan trọng cho Ngành Giáo dục, đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, thực hiện ngày càng tốt hơn.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò và xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo Việt Nam bao gồm nhiều nội dung sâu sắc, có giá trị bền vững, có ý nghĩa thực tiễn cấp thiết hiện nay. Để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà trong những năm tới, đội ngũ nhà giáo cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng quan trọng này của Người. Trên cơ sở đó, mỗi nhà giáo không ngừng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao chất lượng toàn diện cả phẩm chất, đạo đực và năng lực, thật sự xứng đáng là “Thầy giáo tốt”, Thầy giáo đúng nghĩa theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của nhà giáo phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như đối với công việc, quan hệ đồng nghiệp, học trò, cha mẹ học trò, các tổ chức đoàn thể... Người căn dặn: Phải xây dựng “quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ, giữa thầy với thầy, giữa thầy và trò… giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường với nhân dân”. Chỉ có rèn luyện công phu như vậy, người thầy mới có được những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp cho các thế hệ học trò noi theo.

Có thể thấy rằng, những tư tưởng mà Người về đạo đức của nhà giáo không chỉ có ý nghĩa với hiện tại mà còn có ý nghĩa với tương lai, sức sống lâu bền của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của nhà giáo đã được kiểm nghiệm. Lời dạy của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Khi đất nước đang trên đường hội nhập quốc tế, nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển thì vai trò của người thầy càng quan trọng và cùng với nó là yêu cầu đặt ra cho người thầy cũng ngày càng cao hơn./.

 

 

 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ