Xuân về trên quần đảo Trường Sa

Trời se se lạnh, báo hiệu Tết gần kề. Tình cờ ngang vựa cây cảnh, nhìn những cây quất đầy quả, tôi chợt nhớ đến cây quất (tắt) trên đảo chìm Thuyền Chài B, quần đảo Trường Sa. Đã gần mười năm kể từ chuyến đi thăm và làm việc vào dịp giáp Tết Nguyên đán tại quần đảo biên cương Tổ quốc.

Đi biển cuối năm mùa bấc, người có thâm niên dày dạn kinh nghiệm còn phải e dè, tái mặt khi nhắc đến “say sóng”; 99,9% sẽ gặp phải tình trạng đau đầu, buồn nôn, không thể ăn uống, đứng lên đi lại, sinh hoạt bình thường. Nhớ lúc tàu nhổ neo, nổi ba hồi còi chào đất liền, hướng ra cửa vịnh Cam Ranh, gió giật cấp 7, cấp 8. Tàu lướt trên từng con sóng bạc đầu. Bữa cơm chiều ngày đầu tiên trên tàu, phòng ăn vắng tanh, chỉ có dăm ba thành viên đang toát mồ hôi chống lại cơn say sóng, tranh thủ lùa cơm, gắp thức ăn, húp canh.  

Tàu HQ 571 chở hàng, quà Tết ra các đảo phía Nam quần đảo Trường Sa. Khi tàu đến đảo nào, dù bận rộn với công việc huấn luyện, chuyên môn nhưng lính đảo vẫn dành thời gian đón tàu. Từng cái bắt tay, ánh mắt, nụ cười chào đón đoàn công tác như chào đón người thân yêu từ xa mới về. Hàng hóa, lương thực, thực phẩm phân phối theo tiêu chuẩn cán bộ, chiến sỹ trên đảo được xuồng CQ (xuồng chuyển hàng, chuyển quân) chở từ tàu lên bờ. Tất nhiên, không thể thiếu hương vị mùa xuân như: nếp gói bánh chưng, đậu xanh, lá dong, lạt buộc, miến, măng khô, bánh mứt, hạt dưa đỏ…mặt hàng văn phòng phẩm như lịch treo tường, lịch blốc để bàn, sách báo, tạp chí, đĩa nhạc, cờ vua, cờ tướng, hoa nhựa, đèn nháy…Thỉnh thoảng trên một vài đảo lại bắt gặp hai, ba con heo vượt sóng theo tàu đang vật vã bỏ ăn, vừa được các chiến sỹ đưa từ xuồng CQ lên đảo, đã đứng nhai từng cọng rau muống biển ngon lành. Thỉnh thoảng một vài đảo lại nhận được chiếc thùng đóng bằng những thanh gỗ che chắn cẩn thận, tránh hơi nước mặn và sóng biển tạt vào, đó là: cây quất đầy quả.

Và cây quất tôi gặp trên đảo chìm Thuyền Chài B trong một đêm dừng chân, đã từng theo tàu ra đảo sống cùng người lính hải quân như thế.

Quần đảo Trường Sa khí hậu quanh năm khắc nghiệt, luôn hứng chịu từng con sóng lớn, cơn gió mạnh mang hơi nước mặn làm cây cối, vật nuôi trên các đảo khó phát triển. Thế nhưng, khi vào thăm đảo chìm Thuyền Chài B, điều đập vào mắt tôi là một cây quất xanh tươi cành lá, từ ngọn xuống gốc chi chít quả. Khi được hỏi về cây quất, các cán bộ, chiến sỹ trên đảo không giấu niềm tự hào, giới thiệu thiếu úy Nguyễn Văn Chiều, quê Văn Giang, Hưng Yên – người trực tiếp chăm sóc, cắt tỉa. Trước mặt tôi là một sỹ quan dày dạn sóng gió, có giọng nói chân chất, hiền lành. Anh chậm rãi kể chuyện...

Cây quất này được tàu chở từ đất liền ra tặng đảo cũng vào dịp cuối năm gần Tết cổ truyền. Vượt chuyến hải trình đầy sóng to, gió lớn, cây quất xơ xác lá, rụng gần hết quả. Là người sinh ra ở làng quê có nghề truyền thống trồng cây cảnh, nhìn thấy cây quất, thiếu úy Chiều bàn bạc với chỉ huy trưởng và chính trị viên, quyết tâm cứu sống nó. Trước tiên, phải thay đất, bón phân và tưới nước. Ở đảo chìm, thứ quý giá nhất là nước ngọt, tiếp nữa là đất, phân bón. Nước ngọt có được khi trời mưa, lính đảo hứng chứa trong các bể ngầm, sử dụng rất tiết kiệm. Mỗi người được 10 lít nước/ tuần để tắm rửa, giặt giũ. Nước sau khi sinh hoạt được hệ thống thu gom về bể lắng, dùng tưới cây. Đất, phân bón chở từ đất liền ra đảo rất hạn chế, chỉ đủ phân phối theo tiêu chuẩn để trồng rau xanh.

Qua hơn một tuần chăm sóc đặc biệt, các cán bộ, chiến sỹ trên đảo đều vui mừng khi thấy cây quất dần dần hồi sức, lá tươi xanh trở lại. Ngoài phân bón, thiếu úy Chiều còn có sáng kiến, sau khi uống trà vào mỗi buổi sáng, xác trà được bón vào chậu quất để tạo chất mùn. Qua hơn một tháng, cây quất chịu được khí hậu biển khơi. Các lần giông bão, gió mang hơi nước mặn tràn qua đảo, mọi người phải khiêng chậu quất đi tránh gió. Nhờ sự chăm sóc của thiếu úy Chiều cùng các chiến sỹ, cây quất đã trải qua một năm sống cùng những người lính nơi đảo xa. Khi một mùa xuân mới gần về, cây quất đã ra hoa, cho quả, cành lá xum xuê. Dưới bàn tay của người con làng nghề cây cảnh, thiếu úy Chiều đã tỉa tót, tạo dáng và trưng bày tại hội trường của đảo để đón xuân.

Chiều hôm ấy, khi biết đoàn công tác ghé thăm và ở lại qua đêm, lính đảo vui mừng, phân công nhau chuẩn bị đón tiếp sao cho thật chu đáo. Hai, ba chiến sỹ cầm chỉa, đeo kính bơi, mang lưới đi tìm ít ốc, cá; số khác thì trang trí hội trường, kê thêm bàn ghế. Mọi thứ giữa biển khơi đều quý giá, trên đảo chìm càng quý giá hơn, khi sử dụng đều hết sức tiết kiệm. Được dăm ba con cá, cua, ốc, anh nuôi trổ tài nấu nướng. Cái nắp bằng thiếc đậy thùng bánh quy được dùng làm vỉ nướng, đặt trên mấy thanh gỗ thùng hàng mà anh nuôi cất giữ kỹ lưỡng, khi có dịp thì mang ra sử dụng. Mồi lửa cháy yếu ớt trước cơn cuồng phong ngoài kia, cần mẫn liếm vào từng thanh gỗ làm nóng dần, nóng dần cái nắp đậy thùng bánh bằng thiếc. Mùi cá tươi vừa chín tới thơm lựng cả góc phòng. Trên đảo thiếu thốn đủ bề từ quả ớt đến trái chanh, hành, tỏi nấu nướng. Nhiều đoàn công tác khuân vác khệ nệ lên tàu bao nhiêu hàng hóa máy móc cao sang, ra đảo tặng các chiến sĩ, mà quên mất các thứ gia vị bình thường nhất, cần thiết nhất với cuộc sống hàng ngày. Không có quả chanh vắt vào cá làm món gỏi, chẳng sao cả. Bác sĩ đảo pha vài viên vitamin C vào nước lọc sủi bọt vàng ươm thơm lừng rồi trộn đều với cá. Món gỏi chua chua ngọt ngọt độc nhất vô nhị mà tôi được ăn lần đầu ra đời dưới những đôi bàn tay lính đảo như thế.

Bữa cơm chiều thấm đẩm tình cảm đất liền, hải đảo. Lâu ngày người đất liền ra thăm, lính đảo cứ gắp thức ăn mời, trò chuyện vui vẻ mà quên cả ăn. Nhìn dĩa rau xanh mơn mởn, chúng tôi không kềm được cảm xúc. Các chiến sỹ không ai hé lộ, nhưng chúng tôi đều biết do khí hậu khắc nghiệt, nước ngọt và đất trồng khan hiếm nên một tháng, lính đảo chìm chỉ được ăn vài bữa rau xanh cho có chất xơ. Dăm ba cọng rau được chắt chiu, vun trồng, chăm bón cẩn thận trong cái liếp bên ụ súng 12 ly 7. Lúc chiều, vô tình dạo một vòng quanh đảo, ai cũng nhìn vào đấy và phát hiện, rau xanh đã bị hái hết để làm món ăn tiếp khách. Đêm trên đảo, tiếng gió rít ngoài kia dường như không át nổi giọng hát đầy nắng gió, tiếng ghita bập bùng của lính đảo. Chúng tôi cùng hòa nhịp bài ca với lính đảo, tràn đầy niềm vui nhưng sao mắt cứ ướt nhòa. Đêm đã khuya, người thấm mệt nhưng chẳng ai muốn ngủ. Chúng tôi tụm lại bên nhau nhìn sao trời nhấp nháy, rủ rỉ hỏi han đủ chuyện, từ gia đình, vợ con đến cảnh đón tết ở giữa biển trời Tổ quốc.

Mỗi khi tết đến, cán bộ, chiến sỹ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thường tổ chức hoạt động vui chơi, thể thao như: thi đấu bóng đá, bóng chuyền (các đảo nổi có nhiều diện tích như Trường Sa Đông, An Bang, Trường Sa Lớn), cờ tướng, cờ vua, hái hoa dân chủ (các đảo chìm như Thuyền Chài, Đá Tây)…Nhưng đặc biệt đêm ba mươi Âm lịch, lính đảo thường tổ chức gói và nấu bánh chưng. Đảo lớn được cung cấp heo thì sáng ba mươi tết, đơn vị tổ chức mổ heo, còn đảo chìm thì thịt heo đông lạnh có sẵn, cũng như các nguyên liệu khác được đưa từ đất liền ra đảo. Sau khi gói bánh bằng lá dong, lính đảo còn có sáng kiến hái lá bàng vuông quấn thêm bên ngoài, rồi mới lấy dây lạt buộc lại. Làm vậy để mỗi chiếc bánh chưng được gói tại đảo mang hương vị đất liền hòa lẫn đảo xa.

“Vui xuân không quên nhiệm vụ” - đó là mệnh lệnh ăn sâu vào tiềm thức của cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa nói chung, đảo Thuyền Chài nói riêng. Trước sự quan tâm, động viên về vật chất, tinh thần của đất liền, bộ đội Trường Sa luôn vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc./.

 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ