Bình Thuận: Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ 12 giờ ngày 24/6/2021

Để chủ động ứng phó, triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, nhanh chóng khống chế, kiểm soát không để lây lan rộng ra cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các công việc sau:

1. Thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Phan Thiết (từ 12 giờ ngày 24/6/2021) và toàn huyện Tuy Phong (từ 0 giờ ngày 25/6/2021) theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian giãn cách là 14 ngày. Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 10 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng, khu tập luyện thể thao tập trung. Tạm ngừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết trên địa bàn như: Quán bar, karaoke, massage, vũ trường, game, hoạt động spa, phòng tập gym, phòng tập yoga, phòng chiếu phim, quán bida, quán hát với nhau, phòng tập aerobic, cơ sở làm đẹp, cắt tóc máy lạnh, hồ bơi… (trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu). Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không được bán tại chỗ, chỉ được bán mang về.

 Thị xã La Gi và các huyện còn lại áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo trước đây tại Công văn số 1594/UBND-KGVXNV ngày 10/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, chủ động quyết định việc được phép hoặc không được bán tại chỗ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

 2. Tạm dừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa thành phố Phan Thiết, huyện Tuy Phong.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo dừng các cuộc họp không thật sự cần thiết để tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường làm việc tại nhà, chỉ đến cơ quan giải quyết những công việc cấp bách.

4. Sở Y tế:

4.1. Áp dụng các biện pháp khẩn cấp, chỉ đạo phong tỏa Khoa sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, không tiếp nhận bệnh nhân mới ít nhất 03 ngày; phong tỏa Trung tâm y tế huyện Tuy Phong, không tiếp nhận bệnh nhân mới ít nhất 07 ngày; tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên, bệnh nhân, thân nhân đang lưu trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế huyện Tuy Phong.

 4.2. Tập trung toàn lực để chống dịch, đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực ngành y tế để chữa trị bệnh nhân, cách ly kịp thời những ca nghi nhiễm. Kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và Trung tâm điều trị COVID-19, Bệnh viện Phổi.

4.3. Phối hợp với cấp huyện thực hiện nhanh chóng, thần tốc truy vết các ca F1, F2, F3, khoanh vùng dịch tễ chặt chẽ, đầy đủ, chính xác các trường hợp F0, lấy mẫu diện rộng và có kết quả trong 24 giờ (trong đó ưu tiên trước các điểm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong, Khu C– Chung cư Văn Thánh, Văn phòng HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh). Tất cả F1 đưa vào khu cách ly tập trung, F2, F3 cách ly nghiêm ngặt tại nơi cư trú. Khoanh vùng, phong tỏa tạm thời tất cả các ổ lây nhiễm trong cộng đồng được xác định. Chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh ở mức độ khẩn cấp.

4.4. Chuẩn bị đầy đủ các cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị bảo hộ để điều trị tốt cho tất cả bệnh nhân. Rà soát, chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết (nhân lực, vật tư, sinh phẩm, công cụ, phương tiện, kể cả bệnh viện dã chiến), sẵn sàng cho các tình huống dịch bệnh, kể cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Mua sắm bổ sung test kit xét nghiệm, test nhanh, phối hợp với các cơ quan Y tế Trung ương đảm bảo năng lực xét nghiệm mẫu trong 24 giờ theo tình huống dịch.

4.5. Tập trung chỉ đạo rà soát và thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch tại các bệnh viện và cơ sở y tế, rút kinh nghiệm xảy ra như trường hơp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

5. UBND thành phố Phan Thiết và UBND huyện Tuy Phong:

5.1. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ” và “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp” và thực hiện cách ly tập trung ngay với tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), khống chế mầm bệnh, không để lây lan rộng ra cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

5.2. Chủ động rà soát, xem xét và quyết định thực hiện phong tỏa các khu vực, địa điểm có người nghi mắc từng đến, trong đó có Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong.

 5.3. Thần tốc truy vết tất cả F1, F2, F3, không để sót bất kì trường hợp nào. Tiếp tục vận động người nghi nhiễm khai báo đầy đủ những địa điểm đã từng đến, những người đã từng tiếp xúc.

 5.4. Thông báo rộng rãi những địa điểm người nghi mắc đã từng đến để Nhân dân biết, đến cơ sở y tế gần nhất để khai báo y tế.

5.5. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, vật tư y tế để điều trị cho người mắc COVID-19. Kích hoạt tất cả các cơ sở cách ly còn lại để sẵn sàng đưa người vào cách ly tập trung, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

5.6. Tuyên truyền, vận động Nhân dân không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết; bắt buộc thực hiện thông điệp 5K tại nơi công cộng, xử phạt nghiêm các trường hợp không chấp hành.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo nhiệm vụ được phân công kích hoạt các cơ sở cách ly tập trung (kể cả cơ sở dân sự), tiếp tục dự phòng, tính toán tăng gấp đôi các cơ sở cách ly tập trung; chủ động kiểm tra, giám sát thường xuyên (ít nhất 15 ngày/lần/cơ sở) các cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú... đảm bảo việc chấp hành nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng; có phương án sẵn sàng đón nhận ngay khi có đối tượng đưa vào cách ly.

7. Công an tỉnh tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra các tình huống xấu do diễn biến mới của dịch bệnh. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm soát tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19; tăng cường lực lượng cho các địa phương khi cần. Thực hiện điều tra, khởi tố theo thẩm quyền đối với trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

 8. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý chuyên ngành, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá; hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa về địa phương; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

 9. Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo dừng hoạt động tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non; có phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp tới, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, phống dịch COVID-19 tỉnh cho ý kiến.

10. Sở Giao thông vận tải:

 - Tiếp tục tập trung rà soát các chuyến xe có liên quan đến thông tin dịch tễ của người nghi nhiễm để cung cấp cho các địa phương thực hiện truy vết kịp thời. - Rà soát, thông báo tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giao thông 4 vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phù hợp với tình hình hiện nay của tỉnh.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng, Y tế và các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy.

11. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Chốt kiểm soát tăng cường kiểm soát người đến/về địa phương. Trực tiếp chỉ đạo tăng cường hoạt động của Tổ giám sát COVID-19 cộng đồng đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng, đặc biệt là đối tượng từ tỉnh ngoài về địa phương để có biện pháp giám sát, phân luồng, cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không để sót, lọt các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nhà hàng, khách sạn, các điểm tập trung đông người như: Chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm tại địa phương.

12. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan báo chí của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, không để người dân hoang mang, lo lắng; xử lý nghiêm trường hợp thông tin sai lệch, không chính xác về tình hình dịch COVID-19; mở các chuyên trang, chuyên mục, dành nhiều thời lượng phát sóng để hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Yêu cầu người dân thực hiện khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Bluezone; thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người; tuân thủ các hướng dẫn phòng, chống dịch tại bệnh viện, công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, công trình xây dựng, chợ..


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ