Giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức của người Việt

Nhà nước Văn Lang ra đời vào thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, cách ngày nay khoảng 2500 - 2700 năm. Sử chép “Đến cuối đời Trang Vương nhà Chu (696 - 682 TCN) ở bộ Gia Ninh có người lạ, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang”. Nhà nước Văn Lang ra đời từ khi nào? 18 đời vua Hùng Vương cụ thể ra sao? Đây là những vấn đề lớn cần có thêm nhiều thời gian để khoa học giải đáp, làm sáng tỏ. Chỉ có một điều không thể phủ nhận là sự tồn lại của nhà nước Văn Lang, nền văn hóa Văn Lang là có thật. Điều này đã được khảo cổ học chứng minh qua các di vật cụ thể của nền văn hóa Đông Sơn.

Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Giếng

Thế nhưng, đối với phần đông người Việt, khoa học là việc của nhà khoa học, còn với người dân, điển tích “Con rồng, cháu tiên” về cội nguồn của dân tộc Việt đã ăn sâu vào huyết quản, tâm thức của các thế hệ. Nhiều người Việt Nam có thể không biết nhà nước Văn Lang ra đời khi nào, có thể không nhớ vua Hùng Vương nào là ở đời thứ mấy…nhưng có điều mà không ai không nhớ và tự hào, đó là câu chuyện thần kỳ về nòi giống tiên rồng của người Việt. Sự kết hợp kỳ lạ của Cha Lạc Long Quân thuộc giống rồng và Mẹ Âu Cơ - giống tiên đã sinh ra 100 người con trai tuấn tú. Năm mươi người đã theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên rừng, người con trưởng ở lại làm vua, đóng đô tại Văn Lang, nay là Phong Châu, Phú Thọ. Và, bắt đầu từ đây, trong tâm thức của người Việt, nỗi hoài niệm về tổ tiên, về cội nguồn bắt đầu trong da diết.

Nhiều dân tộc trên thế giới đều có cách lý giải khác nhau về sự ra đời của dân tộc mình, nhưng có lẽ hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, cả dân tộc có chung ngày giỗ Tổ. Từ truyền thuyết rất đẹp này, mỗi người dân Việt Nam dù ở nơi đâu đều tâm niệm và tự hào được sinh ra từ một nguồn cội - nguồn cội cao quý. Vì thế, người Việt gọi nhau bằng hai tiếng tha thiết: Đồng bào. Có phải chăng bởi nguồn mạch tâm linh sâu thẳm ấy mà dân tộc Việt Nam đã vượt qua bao thử thách cam go của lịch sử, trải qua hàng ngàn năm lệ thuộc nước ngoài mà người Việt vẫn giữ được ngôn ngữ, tâm hồn và tính cách của mình, với một nền văn hóa đặc sắc, mà ngày giỗ Tổ hàng năm có thể coi là nét văn hóa đẹp nhất.

“Cây có cội, nước có nguồn, con chim có tổ, con người có tông” (ca dao). Đối với người Việt Nam, tổ tiên, nguồn cội là thiêng liêng, cao cả. Từ rất xa xưa, để nhớ về tổ tiên mình, những thế hệ người Việt khi ấy đã dựng lên đền thờ các vua Hùng trên núi nghĩa lĩnh và truyền đời cúng tế đến hôm nay.

Ngọc phả Hùng Vương chép đời Hồng Đức thời hậu Lê viết “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Trần, rồi đến triều đại Hồng Đức hậu Lê vẫn cúng hương khói trong ngôi đền làng Trung Nghĩa (Cổ Tích). Ở đây, nhân dân toàn quốc đến lễ bái để tưởng nhớ công lao đức Thánh Tổ xưa”. Ngày giỗ Tổ xưa, các quan triều đình và nhân dân nhiều nơi ở mọi miền Tổ quốc đều về cúng lễ. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, năm 1946, nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ giỗ Tổ một cách trang trọng và thành kính do quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng chủ trì theo lễ tục cổ truyền. Những năm gần đây, ngày giỗ Tổ được tổ chức trang nghiêm và thành kính. Mỗi năm, cứ đến ngày giỗ Tổ, người Việt dù ở nơi đâu đều bồi hồi, xúc động, tự hào và hướng lòng mình về nơi linh thiêng đất Tổ để lắng nghe tiếng của ông cha từ ngàn xưa vang vọng về. Những người dân đất Việt, vào ngày giỗ tổ tiên mình, không phân biệt địa vị cao thấp, sang hèn đều mong được về nơi đất Tổ linh thiêng thắp lên nén nhang để tỏ lòng thành kính tổ tiên. Trên đường về lại thủ đô, dừng chân tại đền Giếng ngày 19 tháng 9 năm 1954, khi nói chuyện với đại đoàn quân Tiên Phong, Hồ Chủ tịch đã căn dặn “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời của Bác là lời của non sông đất nước, là lời hịch từ cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ truyền lại đến hôm nay. Giữ lấy nước là lời dặn thiêng liêng của tiền nhân, của lịch sử. Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Giếng

Ngày giỗ Tổ là ngày người dân đất Việt tưởng nhớ, tri ân công đức cao dày của tổ tiên, nhớ nghĩ về cội nguồn dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ngọn lửa yêu thương nòi giống, nghĩ và làm có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước.

Hiểu tổ tiên mình sẽ yêu đất nước nhiều hơn.

 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ