Sa Lôn – Khu căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ

Vài nét về vùng đất Sa Lôn

Sa Lôn là vùng rừng núi thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc trải rộng khoảng 10 km2, phía Đông giáp với xã Hàm Phú, phía Tây giáp xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), phía Nam giáp xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) và phía Bắc giáp với xã Sơn Điền (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Nơi đây có địa hình phức tạp, phần lớn là những dãy rừng núi nối tiếp nhau kéo dài, được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh dày đặc. 

Sa Lôn được gọi theo phiên âm chữ Quốc ngữ, còn người Pháp phiên âm sang chữ La - tinh là Saloun. Các già làng K’Ho ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc giải thích: Sa Lôn nghĩa là “dòng nước Mẹ”, “dòng suối uốn lượn như rồng...”.

Từ 1930 đến 1945, Sa Lôn thuộc tổng K’Giòn (xã Đông Giang, Đông Tiến hiện nay), huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Sau năm 1945, tổng K’Giòn đổi tên thành xã Nam Xăng. Năm 1965, tách xã Nam Xăng thành 2 xã: Nam Xăng và Nam Giang; buôn Sa Lôn thuộc xã Nam Giang. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975, nhập 2 xã Nam Xăng và Nam Giang thành xã Đông Giang. Đến năm 1983, chia Đông Giang thành 2 xã: Đông Giang và Đông Tiến ngày nay.

Về dân cư, đây là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào K’Ho. Trong kháng chiến chống Mỹ, có khoảng 2.500 đồng bào K’Ho cư trú tại vùng rừng núi Sa Lôn. Đồng bào K’Ho chung tay bảo vệ buôn làng; góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm, nhân lực cho hoạt động của căm cứ cách mạng; góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động vùng căn cứ.

Căn cứ Sa Lôn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, do chiến tranh ác liệt, để đảm bảo an toàn, bí mật nên Tỉnh ủy Bình Thuận phải di dời và đứng chân tại nhiều địa điểm ở vùng rừng núi trong tỉnh như: căn cứ núi Ông (nay thuộc huyện Tánh Linh), căn cứ Sa lôn (nay thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc), căn cứ Km 36, Quốc lộ 28 (nay thuộc xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc)…Trong 03 căn cứ trên thì Sa Lôn được coi là địa điểm Cơ quan Tỉnh ủy đứng chân ở nhiều khoảng thời gian khác nhau (3 lần hơn 8 năm: tháng 12/1954 - 6/1957, giữa năm 1961 - tháng 12/1964, tháng 9/1968 - tháng 8/1970); ghi lại nhiều dấu ấn, nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng như:  Hội nghị thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Thuận (tháng 10/1962); Đại hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận lần thứ I (1962) và lần II (1964); Đại hội Chiến sĩ thi đua tỉnh Bình Thuận lần thứ I (tháng 9/1964); Hội nghị thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận (tháng 6/1969), Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 7/1970)…Đặc biệt, ngày 09/9/1969, tại đây đã tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với bức ảnh chân dung Người bằng lụa, bọc trong khung, đặt trên bàn thờ bằng cây lồ ô còn được lưu giữ đến nay.  

Ngoài những sự kiện diễn ra tại Sa Lôn, đây còn là nơi nhiều đơn vị, cơ quan, ban được thành lập, đứng chân và hoạt động lập như: Ban Kinh tài, Ban Hậu cần (tháng 2/1961); Ban Quân sự tỉnh (tháng 3/1961); Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (tháng 8/1961); Xưởng Quân giới Cao Thắng (tháng 9/1961); Bộ phận trung chuyển – trạm F5 (cuối 1961); Ban Quân y tỉnh, Trường Đảng Trần Phú, Nhà in Giải phóng Bình Thuận (1962); Bệnh xá X1 (tháng 2/1962); Ban Hậu cần trực thuộc Ban Quân sự tỉnh (tháng 3/1962); Ban An ninh tỉnh (tháng 7/1962); Ban Dân Quân y tỉnh (năm 1963)… 

Những chuyến đi khảo sát 

Tháng 8/2013, Ban Liên lạc Văn phòng Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Ban Liên lạc Văn phòng Tỉnh ủy) đề nghị Tỉnh ủy xây dựng Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại Km 36, Quốc lộ 28, thuộc xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc (Căn cứ Km 36, Quốc lộ 28). Từ năm 2014 đến năm 2016, tỉnh khảo sát địa điểm, triển khai các công việc nhằm chuẩn bị xây dựng Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại Km 36, Quốc lộ 28. Đến năm 2016, một số cán bộ hưu trí, kể cả một số cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ đề xuất nên chọn khu vực Căn cứ Sa Lôn, thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc.

Từ cuối năm 2016 đến 2017, các cơ quan, ban ngành chuyên môn liên tục tổ chức hơn 10 chuyến khảo sát tại khu rừng núi Sa Lôn, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc để xác định vị trí, dấu vết của căn cứ. 

Tháng 11/2016, chuyến khảo sát đầu tiên xung quanh hồ thủy lợi Sa Lôn, nằm về hướng đông đường ĐT 714 theo hướng Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) - Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam). Kết quả chuyến khảo sát đã xác định gần 100 m hầm hào, dấu vết một số công trình...của Trường Đảng Trần Phú.

Tháng 02/2017, chuyến khảo sát thứ 2, nhờ sự giúp đỡ của một số đồng bào K’Ho, đã khảo sát phát hiện 02 địa điểm: nhà Tam Cấp và suối Chín Khúc. Theo đường ĐT 714 từ Đông Giang đi Mỹ Thạnh khoảng 11 km, rẽ trái theo hướng Đông đi thêm 1,1 km đường rừng thì đến địa điểm suối Chín Khúc. Từ chỗ rẽ vào suối Chín Khúc trên đường ĐT 714, theo hướng Đông Giang - Mỹ Thạnh thêm 0,5 km, rẽ phải hướng Tây 1,2 km đường rừng thì đến địa điểm nhà Tam Cấp. Ở suối Chín Khúc, trên diện tích khoảng gần 1000 m2, còn một số dấu vết của hầm, hào bên cạnh con suối có nước vào mùa mưa. Còn tại nhà Tam Cấp, dấu vết lưu lại còn một số hầm, hào phân bố trên ngọn đồi hơn 1000 m2. Dưới ngọn đồi khoảng 500 m là dấu vết bếp ăn trong kháng chiến có con suối nước chảy vào mùa mưa, cùng với cây cổ thụ và khoảng đất mọc nhiều cây lá lốt.  

Tháng 4/2017, chuyến khảo sát thứ 3 và 4, mở rộng tại trường Đảng Trần Phú và một khúc sông Saloun, đoạn chảy qua cầu Saloun trên tuyến đường Đông Giang – Mỹ Thạnh. Kết quả chuyến khảo sát chưa phát hiện thêm địa điểm nào mới, nhưng cũng giúp đối chiếu lại trên bản đồ các điểm cần lưu ý.

Tháng 5/2017, chuyến khảo sát thứ 5 và 6, tại thác Tam-pờ-la và suối Chín khúc (mở rộng). Kết quả, tại thác Tam-pờ-la xác định được địa điểm cơ quan điện đài (1963 - 1964) và tại suối Chín Khúc (mở rộng) phát hiện 02 hầm, nơi dẫn nước về bếp ăn Tỉnh ủy, 01 cái xoong.

Tháng 6/2017, chuyến khảo sát thứ 7, tại suối Chín Khúc mở rộng (nơi từng khảo sát trước đây), đi ngược dòng suối khoảng 150m thì phát hiện bếp ăn Tỉnh ủy. Tiếp tục đi ngược dòng suối khoảng 100m thì gặp thác nước, là nơi đặt các ống tre men theo vách núi, dẫn nước về bếp ăn Tỉnh ủy. Từ bếp ăn Tỉnh ủy, rẽ phải hướng lên ngọn đồi khoảng 300m, thì đến nơi đứng chân của Tỉnh ủy Bình Thuận những năm 1969-1970. Trên diện tích hơn 1000 m2, ngoài vết tích 02 hầm (đã được phát hiện các lần khảo sát trước), phát hiện thêm một số dấu vết hầm nằm rải rác trên đồi, mảnh vỏ thùng đạn đại liên rỉ sét. Thùng đại liên này dùng để đựng tài liệu của cơ quan Tỉnh ủy, được chôn dưới đất; năm 1982, một cán bộ đã quay lại đây lấy tài liệu mang về, vứt bỏ thùng đại liên. Qua trí nhớ, thảo luận của các nhân chứng tham gia khảo sát, đã thống nhất vị trí hầm của các lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận từ đầu năm 1969 đến cuối năm 1970. Ngoài ra, trên đỉnh đồi còn có một số vết tích hầm khác.

*

Tháng 12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt và công nhận Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Với ý nghĩa lịch sử của căn cứ Sa Lôn, Tỉnh ủy đã có chủ trương phục dựng, tôn tạo, gìn giữ Khu di tích này. Qua đó, phát huy giá trị di tích, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hiện tại và mai sau, cũng là điểm du lịch, hành trình về nguồn trong tương lai không xa./.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ