Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực. Nhiều vận hội mới nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức mới khi Bình Thuận bước sang những năm đầu thế kỷ XXI.Tuy nhiên, vẫn có một số khuyết điểm, yếu kém trong quá trình xây dựng quê hương. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Nông – lâm – thủy sản phát triển chưa ổn định, thiếu vững chắc, còn phụ thuộc vào tự nhiên, chưa tạo được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn có chất lượng cao. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, qui hoạch vùng chuyên canh chậm. Quản lý rừng và đất lâm nghiệp còn lỏng lẻo, để xảy ra tiêu cực, nhất là tình trạng phá rừng, vi phạm lâm luật rất nghiêm trọng. Thủy sản phát triển chưa tương xứng với năng lực và tiềm năng. Sản xuất công nghiệp phát triển chậm, nhất là ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Vai trò của công nghiệp đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn còn yếu kém. Dịch vụ phục vụ du lịch thiếu đồng bộ, phát triển chưa gắn với bảo vệ môi trường. Đổi mới kinh tế hợp tác xã và chuyển đổi hợp tác xã lúng túng, nhiều nơi hoạt động hình thức. Một số vấn đề xã hội bức xúc nhưng chậm được giải quyết. Lao động thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp còn ở mức cao (6,17%). Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Mức sống và trình độ dân trí vẫn còn có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi. Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe người nghèo, bảo vệ môi trường còn yếu; đời sống văn hóa cơ sở chưa phong phú, đa dạng, tệ nạn mê tín dị đoan có chiều hướng gia tăng. Công tác quốc phòng và an ninh còn có mặt hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trật tự xã hội từng nơi, từng lúc còn diễn biến phức tạp. Công tác bảo vệ an ninh tư tưởng – văn hóa, an ninh kinh tế có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Công tác tư tưởng thiếu chủ động, sắc bén, chưa nắm bắt và xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng phát sinh, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm được xã hội quan tâm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút ý chiến chiến đấu, xa rời quần chúng, thiếu gương mẫu trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến vi phạm kỷ luật, pháp luật. Cơ sở đảng “Trong sạch vững mạnh” chỉ đạt được 77% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh (Bí thư, Phó bí thư) bị xử lý kỷ luật.
Thời gian, địa điểm tiến hành Đại hội lần thứ X
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ X (nhiệm kỳ 2001- 2005) diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16/02/2001 tại thành phố Phan Thiết. Dự Đại hội có 359 đại biểu đại diện cho hơn 12 ngàn đảng viên sinh hoạt tại 534 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn tỉnh. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2001 – 2005) gồm 42 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X gồm 8 đồng chí và Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Nguyễn Ánh Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khóa X. Đồng chí Huỳnh Văn Tí được bầu làm Phó bí thư Tỉnh ủy và phân công làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy. Đại hội cũng đã bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX gồm 11 đồng chí và 01 đại biểu dự khuyết. Như vậy, Ban chấp hành đầu nhiệm kỳ có 43 đồng chí, Ban Thường vụ tỉnh ủy có 9 đồng chí. Trong nhiệm kỳ, do một số đồng chí chuyển công tác và nghỉ hưu, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh phải bầu bổ sung Ủy viên Ban chấp hành và Ủy viên Ban Thường vụ. Đến cuối nhiệm kỳ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa X có 46 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 11 đồng chí. Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra phương hướng chung phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2001 – 2005: “Đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra bước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trọng điểm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…Ổn định và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm hộ ghèo, tăng hộ giàu, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quốc phòng, an ninh chính trị vững chắc... Tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành và phát huy quyền làm chủ của nhân dân…”. Nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng cơ sở đảng giai đoạn 2001 – 2005 có sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng đến vấn đề xã hội nhiều hơn. Cụ thể: tổng sản phẩm bình quân hàng năm tăng 12%. Ngành nông – lâm – ngư nghiệp tăng 9,5%, công nghiệp – xây dựng tăng 15%, dịch vụ tăng 14%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 30%, đến năm 2005 đạt 180 – 190 triệu USD. Trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng và xây dựng Đảng cũng được Nghị quyết đại hội đề ra chỉ tiêu cụ thể. Đến năm 2005 có 60% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, mỗi năm phát triển 700 đảng viên mới.
Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, toàn tỉnh tích cực cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện các mục tiêu Nghị quyết. Năm năm 2001 – 2005, tuy gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đoàn kết nỗ lực phấn đấu không ngừng, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đề ra đạt kết quả.