Đại hội đã tiến hành thảo luận Dự thảo văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (vòng 2) được các Đảng bộ cơ sở, toàn thể đảng viên, các tổ chức quần chúng thảo luận góp ý và dự kiến Đại hội sẽ được tổ chức vào cuối năm 1991, nhưng không tiến hành được vì thực hiện chủ trương của Trung ương chia tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh thuận và Bình Thuận. Đến cuối tháng 12/1991, có 11/13 Đảng bộ huyện, thị xã, 4/4 Đảng ủy trực thuộc tỉnh đã tổ chức xong đại hội vòng 2 (còn 2 Đảng bộ là huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Ninh Hải chưa đại hội).
Tại kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa VIII, ngày 26 tháng 12 năm 1991 đã ban hành Nghị quyết chia tách tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh: Ninh Thuận và Bình Thuận. Tỉnh Bình Thuận gồm 9 huyện, thị xã: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, Phú Quý và thị xã Phan Thiết (đến năm 1998 là thành phố Phan Thiết).
Ngày 14/3/1992, Bộ Chính trị ra Quyết định số 227- NS/TW, chỉ định Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Bình Thuận gồm 28 đồng chí. Trong hai ngày 27 và 28/4/1992, Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Bình Thuận tiến hành Hội nghị lần thứ nhất, do đồng chí Ngô Triều Sơn - Quyền bí thư Tỉnh ủy lâm thời chủ trì. Hội nghị nghe phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định Quyền Bí thư Tỉnh ủy và bổ sung Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời gồm có 6 đồng chí: Ngô Triều Sơn, Đinh Trung, Đặng Văn Hải, Nguyễn Ninh, Phan Minh Đạo, Nguyễn Hữu Tín; đồng thời phân công nhiệm vụ cho 28 đồng chí trong Ban Chấp hành lâm thời. Đồng chí Ngô Triều Sơn được chỉ định làm Quyền Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Đinh Trung – Ủy viên Thường vụ, trực Đảng, kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Đặng Văn Hải – Ủy viên Thường vụ, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, các đồng chí Trần Khán, Lê Tú Hoàng, Tỉnh ủy viên, làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Thuần, Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tại kỳ họp thứ 10 (tháng 3/1992) của Hội đồng Nhân dân tỉnh Thuận Hải đã phân chia Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận có 46 đại biểu và Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận có 20 đại biểu. Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận do đồng chí Ngô Triều Sơn làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Thuần làm Phó Chủ tịch. Ủy ban Nhân dân tỉnh do đồng chí Đặng Văn Hải làm quyền Chủ tịch và các đồng chí Trần Khán, Lê Tú Hoàng làm Phó Chủ tịch.
Cùng với việc hình thành tổ chức Đảng, chính quyền cấp tỉnh, các cơ quan, ban ngành cũng được tiến hành tổ chức sắp xếp, kiểm kê tài sản, phân công cán bộ, nhân viên. Bộ máy hành chính tỉnh Bình Thuận sau khi chia tách có 41 sở, ban, ngành (gồm có 11 ban Đảng, 6 cơ quan đoàn thể - Mặt trận, 4 Hội quần chúng và 20 Sở). Đến tháng 4/1992, việc chia tách tỉnh đã hoàn thành, tỉnh Bình Thuận đi vào hoạt động.
Thời gian, địa điểm tiến hành Đại hội lần thứ VIII
Sau một thời gian tái lập lại tỉnh Bình Thuận, từ ngày 29 đến ngày 31/12/1992, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1992-1996) diễn ra tại thị xã Phan Thiết. Tham dự Đại hội có 234 đại biểu đại diện cho hơn 8.500 đảng viên của 13 Đảng bộ trong toàn tỉnh (9 huyện, thị và 4 đảng ủy trực thuộc). Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khoá VIII (nhiệm kỳ 1992 – 1995) gồm 39 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí. Đồng chí Đinh Trung được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy (đến Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ Khoá VII, tháng 01/1994, đồng chí Đinh Trung được bầu vào Ban chấp hành Trung ương), đồng chí Đặng Văn Hải được bầu làm Phó bí thư Tỉnh ủy. Ngày 2/1/1993, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên họp đầu tiên, phân công đồng chí Nguyễn Quang Tưởng - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trực Đảng.
Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thuận Hải lần IV, chỉ ra những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và những bài học của quá trình đổi mới. Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ VII và thực tế địa phương, Đại hội xác định quan điểm phát triển của Đảng bộ trong những năm 1992 – 1995 là: “Kiên định một cách nhất quán con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, đẩy mạnh công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, lấy xây dựng Đảng làm nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm. Động viên cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân phát huy có hiệu quả các nguồn lực tại địa phương, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, mở rộng hợp tác với bên ngoài, nêu cao tinh thần cần kiệm xây dựng, chống lãng phí của công, thực hiện thắng lợi các kế hoạch kinh tế xã hội, góp phần bảo đảm cho đất nước tiếp tục đứng vững và đi lên, đến năm 1995 cơ bản thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay”.
Đại hội nêu rõ một số mục tiêu chủ yếu đến năm 1995: tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân tăng bình quân hàng năm từ 6 – 7%; thu nhập quốc dân đầu người tăng 30% so với 1991; sản lượng lương thực quy thóc đạt 250.000tấn (trong đó lúa 215.000 tấn); Kim ngạch xuất khẩu 18 triệu USD; Thu hút 60% số lao động thiếu việc làm. Thu ngân sách đạt 17 – 18% so với thu nhập quốc dân; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 2,2%; Căn bản phổ cập tiểu học ở thị xã, thị trấn và một phần ở vùng khác; xoá 35% số người mù chữ trong độ tuổi 15 – 35.
Đại hội chủ trương xây dựng cơ cấu kinh tế nông – ngư - lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, trong đó nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, thuỷ sản là ngành mũi nhọn, đưa công nghiệp chế biến phát triển nhanh. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Đại hội đã bầu Ban chấp hành có 38 ủy viên; Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ có 11 đồng chí; đồng chí Đinh Trung được bầu làm Bí thư, đồng chí Đặng Văn Hải làm Phó Bí thư và đồng chí Nguyễn Quang Tưởng Ủy viên Thường vụ trực Đảng.
Như vậy, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1992-1996) diễn ra từ ngày 29 đến ngày 31/12/1992, tại thị xã Phan Thiết.