Đầu năm 1978, Trung Quốc đã gây ra vụ “nạn kiều”, kêu gọi người Hoa đã làm ăn, sinh sống lâu đời trên nước ta về nước. Mặt khác, bọn phản động ở Campuchia do Pôn Pốt cầm đầu mở cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (tháng 2 đến 12/1978), ở phía Bắc (tháng 02/1979) Trung Quốc đánh phá các tỉnh biên giới Việt Nam. Tình hình trong tỉnh cũng còn rất nhiều khó khăn, như: tình trạng vượt biển tiếp tục xảy ra, an ninh trật tự chưa bảo đảm, vật tư cho sản xuất thiếu thốn … Hơn nữa, trong các năm 1977 - 1978 bị hạn hán, năm 1979 bị lũ lụt càng làm cho tình hình của đất nước, địa phương khó khăn thêm trên nhiều mặt. Mặt khác, từ tháng 01/1979 ta còn tiếp tục chi viện nhân lực, vật lực giúp Chính phủ và nhân dân Campuchia dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia xây dựng lại đất nước và chống tàn quân Pôn Pốt.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, từ năm 1977 – 1979, thực hiện các nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ I đề ra, Đảng bộ và nhân dân Thuận Hải đã phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu đề ra trong cải tạo, xây dựng và phát triển các mặt kinh tế, xã hội, an ninh- quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị các cấp.
Thời gian, địa điểm tiến hành Đại hội lần thứ V
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thuận Hải lần thứ I (nay là Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận), nhân dân trong tỉnh đã thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, xã hội do Đại hội đề ra. Đồng thời, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp tư bản, tư doanh đã căn bản hoàn thành, quan hệ sản xuất mới được xác lập. Hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa được hình thành bước đầu và ngày càng mở rộng. Cơ sở vật chất, kỹ thuật trong tỉnh bước đầu được xây dựng và đang từng bước phát huy. Về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và các ngành được nâng lên một bước, tích lũy được một số kinh nghiệm trong quản lý kinh tế, xã hội và công tác xây dựng hệ thống chính trị theo đường lối xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, tình hình trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Quan hệ sản xuất cũ tuy đã được cải tạo, quan hệ sản xuất mới đã xác lập, nhưng chưa vững chắc. Lực lượng sản xuất, trình độ sản xuất và năng suất lao động còn thấp. Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân còn nghèo nàn. Sự nhận thức và vận dụng các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ, từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ. Tổ chức bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành chưa được kiện toàn đồng bộ. Thiếu cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề. Vai trò làm chủ tập thể của nhân dân lao động chưa được phát huy.
Trong bối cảnh đó, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thuận Hải lần thứ II (Đại hội lần thứ V của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận) diễn ra từ ngày 16 đến ngày 23/10/1979 tại thị xã Phan Thiết. Dự Đại hội có 331 đại biểu thay mặt cho 7.885 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh 45 đồng chí (41 chính thức, 4 ủy viên dự khuyết). Ban Thường vụ có 13 đồng chí. Đồng chí Lê Văn Hiền- Ủy viên Trung ương Đảng (khóa IV) được bầu lại Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Đệ được bầu làm lại Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Trần Ngọc Trác được bầu lại làm Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Căn cứ vào đường lối, nhiệm vụ chung Đại hội IV của Đảng đề ra là: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (nay là Đại hội lần thứ V của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận) đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong 2 năm (1980 - 1981), có 6 nhiệm vụ cụ thể:
Một là, ra sức sản xuất toàn diện, trước hết tập trung cao độ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nhằm giải quyết vững chắc vấn đề lương thực và thực phẩm, bảo đảm đủ ăn và có dự trữ. Đồng thời, phát huy thế mạnh của địa phương về cây công nghiệp và các cây đặc sản bảo đảm nguyên liệu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng nhanh hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Hai là, tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các ngành kinh tế, văn hóa, bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất, đời sống trước mắt và sẵn sàng chiến đấu.
Ba là, ra sức thu mua nắm nguồn hàng, cải tiến công tác lưu thông phân phối, nhằm phục vụ tốt cho sản xuất, bảo đảm đời sống của nhân dân, nhất là ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, vui chơi giải trí, chữa bệnh.
Bốn là, hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các ngành kinh tế, gắn liền với củng cố và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất, coi trọng việc phát triển lực lượng sản xuất mới. Tích cực củng cố hợp tác xã trong nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tăng cường và cải tiến công tác quản lý trong các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh.
Năm là, tăng cường công tác trật tự an ninh và quốc phòng, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất phát triển, xây dựng hậu phương vững mạnh, làm tốt công tác nghĩa vụ quân sự, công tác hậu phương quân đội. Đồng thời làm tốt nghĩa vụ quốc tế.
Sáu là, tăng cường củng cố xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng vững mạnh, nhất là ở cơ sở. Nâng cao hiệu lực của hệ thống chuyên chính vô sản, phát huy năng lực và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.
Như vậy, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thuận Hải lần thứ II (Đại hội lần thứ V của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận) diễn ra từ ngày 16 đến ngày 23/10/1979 tại thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.