Từ đại hội đến đại hội - Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ III

Bối cảnh lịch sử

Khi thực hiện Hiệp định Giơnevơ (1954), đồng chí Trần Lê thay đồng chí Nguyễn Côn làm Bí thư Ban Cán sự Liên tỉnh 3 và kiêm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. Tháng 6/1956, đồng chí Võ Dân thay đồng chí Trần Lê làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5/1958, đồng chí Võ Dân bị bệnh từ trần, đồng chí Nguyễn Gia Tú thay phụ trách Tỉnh ủy, sau đó được chỉ định làm Bí thư. Tháng 5/1961, đồng chí Lê Văn Hiền được cử làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Gia Tú làm Phó Bí thư. Năm 1968, đồng chí Lê Văn Hiền chuyển về công tác ở Khu VI, đồng chí Nguyễn Gia Tú được chỉ định làm Bí thư.

Đồng chí Trần Lê Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 1981 đến năm 1987, nguyên Bí thư Ban Cán sự Liên tỉnh 3 kiêm Bí thư Tỉnh ủy Bình

Từ tháng 10/1968, địch xúc tiến thực hiện kế hoạch “bình định cấp tốc”; chúng chia chương trình bình định năm 1969 thành 2 giai đoạn gồm 8 mục tiêu, trong đó có 3 mục tiêu then chốt là: tiêu diệt hạ tầng cơ sở của cách mạng, củng cố bộ máy tề và lập cho được phòng vệ dân sự. Bình Thuận là nơi địch tập trung bình định mạnh nhất ở Khu VI với các trọng điểm là xung quanh thị xã Phan Thiết, Hàm Thuận và các huyện Thuận Phong theo trục quốc lộ 1 và liên tỉnh lộ 8 (nay là xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc). Chúng tập trung cả lực lượng Mỹ lẫn nguỵ để thực hiện chương trình bình định; trong đó lực lượng tham gia trực tiếp là các đoàn bình định nông thôn, cảnh sát, gián điệp “Phượng Hoàng”, “Thiên nga” và các tề ấp ở địa phương. Cùng với việc bình định bên trong, chúng sử dụng Lữ đoàn 506 Mỹ phối hợp với lính Cộng hoà càn vào các vùng căn cứ của ta ở Sông La Ngà, A Ra, Cà Tót qua đường số 8, Bắc Sông Mao, hòng tìm diệt lực lựơng, phá cơ quan, kho tàng, triệt đường tiếp tế và xúc dân đưa về vùng chúng kiểm soát. Kết hợp đánh phá ác liệt, địch còn dùng thủ đoạn chiến tranh tâm lý, do thám, phát triển cơ sở gián điệp  “Phượng Hoàng” và “Thiên Nga” của chúng, sử dụng lực lượng này truy phá cơ sở cách mạng. Đồng thời địch củng cố lại hệ thống cảnh sát, tình báo để chống phá ta. Song song với đánh phá về quân sự, chính trị, địch tăng cường phá hoại ta về kinh tế. Ở vùng căn cứ giải phóng thì càn quét, bắn phá nhà cửa, kho hàng, ruộng rẫy, sử dụng chất độc hoá học để phá hoa màu gây khó khăn cho đời sống nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng. Ở vùng yếu, vùng ven chúng cướp bóc, cào nhà, gom dân làm cho dân không còn nơi nương tựa buộc phải vào các khu tập trung. Đồng thời bao vây phong toả, ngăn chặn quần chúng tiếp tế cho cách mạng.

Những thủ đoạn đánh phá ác liệt và bình định tàn khốc của địch đã làm cho tình hình trong tỉnh những năm 1969 - 1970 hết sức khó khăn, phong trào chựng lại, có nơi giảm sút, có nơi ta phải dạt ra xa bật khỏi những vùng đông dân. Nơi bị địch lấn chiếm cơ sở ta không hoạt động được; nhiều đội công tác không liên lạc được với cơ sở và anh em bị hy sinh nhiều; cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ ở các đơn vị lực lượng vũ trang và đội mũi công tác ngày càng khó khăn, quân số bị tổn thất.

Nhằm củng cố lại phong trào, tỉnh Bình Thuận đã mở các đợt hoạt động cao điểm: Đông Xuân 1968 - 1969, Hè Thu 1969 và Xuân Hè 1970. Qua các cao điểm, Tỉnh ủy đã lãnh đạo công tác tổ chức xây dựng Đảng, lãnh đạo quân dân vượt qua mọi khó khăn, phối hợp với các lực lượng, chiến trường khác trong khu liên tục tấn công, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, diệt ác, phá tề, trừ gian, xây dựng cơ sở; kết hợp đấu tranh chính trị và binh vận, chống lập phòng vệ dân sự, bắt lính, đôn quân. Lãnh đạo phong trào quần chúng vùng lên tham gia diệt ác, phá kế hoạch mở rộng bình định của địch. Đồng bào ở các ấp Ninh Thuận, Mỹ Thạnh (Hàm Thuận) bị địch càn quét, cưỡng bức, dồn dân vào khu tập trung nhiều lần nhưng vẫn kiên quyết đấu tranh trở về đất cũ làm ăn, đồng bào ở Hàm Phú, Hàm Trí, Hồng Liêm (ven căn cứ) cũng đấu tranh trở về bám lại ruộng vườn để sản xuất. Hoạt động vũ trang tuyên truyền diệt ác (bắt, cải tạo, tiêu diệt ác ôn,…) đã có tác động và ảnh hưởng rất lớn, làm cho địch hoang mang dao động, một số bỏ nhiệm sở, bỏ việc, bộ máy kèm ở nhiều nơi bị lỏng lẻo, giảm hiệu lực, ấp chiến lược lỏng, rã, tạo điều kiện cho quần chúng giành quyền làm chủ. Đảng bộ tỉnh còn lãnh đạo tổ chức học tập giáo dục rộng rãi cho quần chúng và gia đình binh sĩ về chính sách binh vận, địch vận; tán phát 16.000 truyền đơn về chính sách Mặt trận; hình thức vận động này đã thu được nhiều kết quả.

Để chỉ đạo sát tình hình, đầu năm 1969, Tỉnh uỷ Bình Thuận sắp xếp lại tổ chức hành chính: tách huyện Hàm Thuận thành 2 huyện: huyện Hàm Thuận và huyện Hàm Thuận Nam, lấy sông Cà Ty làm ranh giới; đến năm 1970 thì sát nhập lại.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có sự thay đổi: Cuối năm 1969, đồng chí Nguyễn Gia Tú-Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Hoàng Từ và Phạm Kha chuyển về Khu VI công tác; đồng chí Lê Thứ (Mười Bắc) được chỉ định quyền Bí thư; đồng chí Nguyễn Quý Đôn-Thường vụ trực Đảng; bổ sung các đồng chí: Trần Thọ, Nguyễn Hội, Nguyễn Thanh Hiếu, Nguyễn Như vào Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Lê Thứ (Mười Bắc) Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận từ năm 1970 đến cuối năm 1973

Đầu năm 1970, tỉnh phân lại địa giới hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo trong toàn Khu: Quân khu VI thành lập căn cứ Nam Sơn gồm huyện Di Linh, 1 phần đất của K4 Lâm Đồng, các xã miền núi của huyện Tánh Linh (La Dạ, La Ngâu, Măng Tố, Mỹ Hoà, Bình Hoà, Thạnh Hoà). Đây là vùng căn cứ liên hoàn, hoàn chỉnh của Khu 6; là nơi đóng cơ quan của Khu và của các tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy và Lâm Đồng.

Thời gian, địa điểm tiến hành Đại hội lần thứ III

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ III được tổ chức vào ngày 15/7/1970 tại căn cứ Salôn. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 19 ủy viên, đồng chí Lê Thứ (Mười Bắc) được bầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Quý Đôn làm Phó Bí thư; các đồng chí Nguyễn Ninh (Ngô), Trần Văn Lương, Phạm Hoài Chương, Hồ Phú Diên được bầu vào Thường vụ Tỉnh uỷ. Các đồng chí tỉnh ủy viên gồm: Nguyễn Nhẫn (Tố), Lê Văn Nhật, Nguyễn Hội, Vũ Ngọc Đài, Nguyễn Thanh Tâm, Trần Thọ, K’Công, Nguyễn Hưng, Nguyễn Như (Hải), Mai Cách (Hân), Đặng Bá Sang (Luông). Năm 1972 bổ sung đồng chí Vũ Đức Nhi vào Tỉnh uỷ; đầu năm 1973 đồng chí Phạm Hoài Chương chuyển về Khu VI thì đồng chí Nguyễn Hội được bầu vào Thường vụ Tỉnh uỷ; cuối năm 1973 đồng chí Nguyễn Hội ra miền Bắc công tác, đồng chí  Nguyễn Xuân Thắng (Trà) từ miền Bắc về được bổ sung vào Tỉnh uỷ. Đầu năm 1974, đồng chí Lê Thứ chuyển về công tác ở Khu VI, đồng chí Nguyễn Quý Đôn thay làm Bí thư.

Sau khi Bình Thuận được giải phóng, đến ngày 20/12/1975 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) ban hành Nghị quyết số 19 NQ/TW sát nhập 3 tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy và Ninh Thuận thành tỉnh Thuận Hải.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ