Từ đại hội đến đại hội - Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I

Để chào mừng Đại hội Đại biểu tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV – nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Biên tập Trang thông tin Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 13 kỳ đại hội đã qua.

Từ ngày thành lập cho đến nay, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã tổ chức 13 kỳ đại hội. Thời gian, địa điểm diễn ra từng kỳ Đại hội như sau:

Đồng chí Trần Quỳnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận (4-10/1947), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ)

Bối cảnh lịch sử

Vào giữa năm 1945, để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945, các đồng chí đảng viên đã tập hợp dưới danh nghĩa Việt Minh để lãnh đạo quần chúng giành chính quyền nên chưa thành lập tổ chức Đảng.

Theo đó, đầu tháng 6/1945, năm đảng viên từ nhà tù Buôn Ma Thuột về nhóm họp tại khu rừng cách Trường Cao đẳng Thể thao Đông Dương (Căng Esepic) 4 km về phía nam, quyết định thành lập Ban vận động Việt Minh lâm thời tỉnh Bình Thuận, do đồng chí Nguyễn Sắc Kim phụ trách chung. Sau khi giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 24/8/1945, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Nguyễn Dân vào phụ trách Tỉnh ủy lâm thời để ổn định tổ chức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Khi đồng chí Dân bị bệnh mất, đồng chí Nguyễn Đức Dương được chỉ định thay thế đồng chí Dân.

Tháng 4/1947, Hội nghị cán bộ Đảng tỉnh Bình Thuận tổ chức tại Triền (nay thuộc xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc), bàn về công tác phát triển Đảng, củng cố chính quyền, đoàn thể quần chúng, thống nhất lực lượng vũ trang, phát triển kinh tế kháng chiến. Hội nghị đã bầu Ban chấp hành gồm 9 đồng chí, trong đó có 3 đồng chí Thường vụ, do đồng chí Trần Quỳnh (Mai) làm Bí thư. Tháng 10/1947, đồng chí Trần Quỳnh chuyển về khu VI nhận công tác mới, đồng chí Nguyễn Đức Dương thay làm Bí thư Tỉnh ủy. Như vậy, đồng chí Nguyễn Đức Dương lâm thời từ tháng 6/1946 đến tháng 4/1947; từ tháng 10/1947 – 8/1948 tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận và Ủy viên Liên Khu ủy Liên Khu V, Ủy viên Ban Cán sự Cực Nam. Sau hội nghị cán bộ, công tác xây dựng Đảng được chú ý, nhiều quần chúng cốt cán được kết nạp vào Đảng, nhiều cơ sở Đảng được hình thành; cấp ủy tỉnh, huyện, thị xã được thành lập vào cuối năm 1947, toàn Đảng bộ lúc bấy giờ có 183 đảng viên. Ở Bình Thuận, sau cách mạng tháng Tám thành công cùng với các chiến thắng qua bốn năm kháng chiến, ta tiến hành củng cố tổ chức để bước vào cuộc chiến đấu trong giai đoạn cạch mạng mới.

 

Đoàn viên Đoàn Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận chụp ảnh lưu niệm tại Bia tưởng niệm căn cứ Khu Lê Hồng trong chuyến về nguồn 

Thời gian, địa điểm tiến hành Đại hội lần thứ I

Sau một thời gian xây dựng và chuẩn bị và tổ chức lực lượng, tháng 8/1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I được tổ chức tại căn cứ Cốc Chua (nay là xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình). Đại hội kiểm điểm đánh giá các mặt hoạt động thời gian qua và đề ra nhiệm vụ năm 1950 về công tác xây dựng Đảng, kiện toàn công tác Mặt trận và dân vận. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 11 ủy viên chính thức và 01 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Diêu được bầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Đình Huề làm Phó Bí thư. Đến tháng 10/1950, Hội nghị cán bộ tỉnh đã bầu đồng chí Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn) làm Bí thư, thay đồng chí Nguyễn Diêu.

Như vậy, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I được tổ chức vào tháng 8/1948, tại căn cứ Cốc Chua (nay là xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình).


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ