Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Từ năm 1809 đến năm 1945, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn bảo vệ kinh đô Phú Xuân từ phía bắc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève năm 1954 đã chia đất nước thành 2 miền Nam - Bắc tại vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là tuyến lửa của cuộc trường chinh vĩ đại giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước... Đầu năm 1972, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam mở chiến dịch Xuân - Hè 1972, thực hiện tấn công chiến lược trên toàn miền Nam, trong đó mặt trận Trị - Thiên (Quảng Trị, Thừa Thiên) là hướng tấn công chủ yếu. Đến tháng 5-1972, quân ta đã chiếm được toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Giữa tháng 6-1972, quân đội Việt Nam Cộng hòa phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”, với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.
Trong 81 ngày đêm, từ 28-6 đến 16-9-1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Để hậu thuẫn cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, Mỹ đã huy động máy bay B52 ném bom cùng pháo hạm bắn phá thị xã Quảng Trị và Thành cổ. Trong 81 ngày đêm, ngôi thành cổ diện tích chỉ vài ki lô mét vuông phải hứng chịu 328.000 tấn bom và đạn pháo, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II. Tính trung bình mỗi chiến sĩ ta phải hứng chịu 100 quả bom, 200 đạn pháo. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Để giữ trận địa, Quân giải phóng đã liên tục bổ sung quân số. Và dòng sông Thạch Hãn cũng trở thành “túi hứng bom đạn”. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong lúc vượt sông vào Thành cổ.
Những chiến sĩ Thành Cổ đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại. Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn để thành phù sa bến bãi, thành cỏ cây, thành tiếng gió rì rào:
"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"
(Trích thơ "Lời người bên sông" – Lê Bá Dương)
Năm tháng trôi đi và lịch sử đã bước sang trang mới nhưng những con người ấy vẫn sáng ngời phẩm chất anh hùng cách mạng, nhắc nhở chúng ta về một quá khứ đầy gian khổ, đau thương, lại rất đỗi anh hùng mà Đất nước mình đã đi qua. Chẳng thế mà, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phải thốt lên khi viết về Thành Cổ Quảng Trị: “Những người chết đi, không hề muốn được phong anh hùng, hay thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ cuộc sống đã được thiết kế trở lại trên công bằng và nhân phẩm”.
Sau ngày đất nước thống nhất, Thành cổ Quảng Trị trở thành di tích đặc biệt, ghi dấu một trận chiến lịch sử và là nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ. Toàn tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai “nghĩa trang không bia mộ” là Thành cổ và dòng sông Thạch Hãn. Năm 1994, Thành cổ Quảng Trị được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Trước đó, từ năm 1992, di tích đã được tỉnh Quảng Trị tiến hành tu bổ, tôn tạo. Tiền môn và một số đoạn tường thành, hào nước được phục dựng và tu sửa. Chính giữa thành là đài tưởng niệm có kiến trúc mô phỏng nấm mộ lớn nổi trên mặt đất, ở dưới là 4 cửa vòm giao nhau, tạo khoảng rỗng ở giữa, thể hiện sự đau thương mất mát. Khoảng rỗng này là nơi đặt những vật dụng đơn sơ của các chiến sĩ Giải phóng: Khẩu súng AK, ba lô, mũ tai bèo, bi đông nước, đôi dép cao su... Bên cạnh là công trình Bảo tàng Thành cổ, tháp chuông tưởng niệm, bến thả hoa bên sông Thạch Hãn, tất cả tạo thành một quần thể kiến trúc tâm linh, không gian thiêng liêng vang vọng khúc tráng ca bất tử. Cứ tới tháng 7 hằng năm, người dân, du khách cùng các cơ quan, đoàn thể của cả nước và tỉnh Quảng Trị lại thả hoa trên dòng Thạch Hãn để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Cựu chiến binh Thành cổ - nhà báo, nhà thơ Lê Bá Dương cho biết, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm ông thường trở lại chiến trường xưa để thăm viếng những đồng đội đã ngã xuống.
Dù chiến tranh đã đi qua 1/2 thế kỷ, nhưng vẫn còn đó trên mảnh đất này những nỗi đau rất thật, nỗi đau nằm sâu trong lòng đất mẹ, nỗi đau hằn trên da thịt và ký ức của mỗi con người ở lại. Cả nước lại quặn lòng hướng về Quảng Trị, mảnh đất miền Trung gió Lào cát trắng với "nghĩa trang trắng mỗi triền cát mặn". Cho đến bây giờ khói vẫn cay mắt người và những giọt nước mắt nhớ thương, cảm phục của những lớp người sau vẫn rơi trước hoa cỏ xanh tươi trên nấm mồ chung sáng tươi sắc sao vàng Tổ Quốc vào mỗi dịp ghé thăm Thành Cổ. Đêm đêm, dòng Thạch Hãn thẳm sâu và lung linh ánh nến, văng vẳng trên sông lời ru xa ngái vỗ về giấc ngủ bình yên cho những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để bầu trời Quảng Trị trong mỗi sớm mai thực sự hồi sinh màu xanh của niềm tin và hy vọng, để 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 sẽ sáng mãi trong những trang sử sách lưu danh đến muôn đời sau.