Cùng với các nghị quyết và các quy định khác như Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp; Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, Quy định 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương; Quy định 205-QĐ/TW của bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền... Cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị triển khai, cụ thể hóa trong các cơ quan, đơn vị đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và thực sự đã đạt được những chuyển biến tích cực, kết quả to lớn. Đồng thời cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa, hạn chế tối đa tiêu cực của những cán bộ, đảng viên xem nhẹ rèn luyện đạo đức, lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hóa, thiếu trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút, phai nhạt lý tưởng, vi phạm các quy định, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Một số cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ chủ chốt nói riêng giảm sút ý chí, tham nhũng, thách thức sự tồn vong của Đảng, phải đưa ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những người yếu kém, bất tài, thoái hóa. Đất nước, xã hội và con người có nhiều đổi mới. Vấn đề đặt ra “cán bộ là gốc của mọi công việc, mọi sự thành bại đều do cán bộ mà ra”. Nhất là người đứng đầu, nếu không tiền phong, gương mẫu. Vi phạm các nguyên tắc của Đảng, sẽ là một tai họa cho Đảng, trước hết cho đảng viên, cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu là rất quan trọng. Công tác cán bộ là việc hệ trọng của Đảng, là then chốt của mọi then chốt của Đảng, của hệ thống chính trị. Xem nhẹ công tác cán bộ sớm muộn cũng nhận lấy thất bại được báo trước. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Chức quyền cao chưa phải là sự nghiệp mà chỉ là một phương tiện để có thể làm nên một sự nghiệp nào đó cho dân, cho nước. Chức vụ là phương tiện, nhưng vượt quá khả năng thì không nên nhận. Phương tiện cần người biết sử dụng phương tiện đó. Chính đó là sự đánh giá đúng mình như người lực sĩ cử tạ.... đó chính là sự lựa chọn trách nhiệm”.
Đảng ta luôn tôn trọng vai trò, vị trí người đứng đầu, quý và sử dụng tốt nhân tài, nhưng như thế cũng chưa đủ, cần có một cơ chế minh bạch để thể hiện, vì người tài họ không làm được những việc mà người kém tài, hám danh vẫn làm. Đồng thời người tài, người giỏi, người đứng dầu dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám sáng tạo, dám đương đầu với thứ thách, dám chịu trách nhiệm,... ; họ không từ bỏ danh dự của mình để làm những điều không trong sáng, minh bạch, cần được khuyến khích, phải có cơ chế bảo vệ và được trân trọng.
Vua Nguyễn Thành Thái (1879-1954) đề nghị mỗi vị tiến sĩ đỗ đại khoa đề xuất góp ý để phục hưng đất nước. Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm đã đọc 4 câu thơ “Tôn tộc đại quy, Tôn lộc đại nguy, Tôn tài đại thịnh, Tôn nịnh đại suy”. Nghĩa là tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp/Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nam/Tôn trọng tài năng ắt đại phồn vinh/Tôn trọng siểm nịnh ắt đại suy vong. Do đó, khi chọn được người tài, người giỏi, người đứng đầu thì phải thực sự tiền phong, gương mẫu, một lòng một dạ phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng đáng với sự tín nhiệm và tôn trọng của nhân dân.
Không thể chấp nhận người đứng đầu, những cán bộ, đảng viên, công chức yếu kém về năng lực, nói một đường, làm một nẻo; nói đổi mới, nhưng bản thân thực ra đang đi ngược với đổi mới; đổi mới, lấy cũ, lấy lạc hậu; thậm chí trái với các quy định của Đảng, luật pháp của Nhà nước. Trong công việc giỏi nịnh bợ, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa; xem tập thể như là chỗ dựa, là cứu cánh quyền lực để thực hiện mục tiêu cá nhân; thao túng quyền lực, vô cảm với cái đúng, che đậy điểm yếu, điểm xấu cho mình và bao che cái sai người khác “cánh hẩu” để thực hiện mục tiêu cá nhân. Đây cũng là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ; nhất là ở những đâu “dân chủ hình thức” thì sự trổi dậy của những đối tượng này rất rõ và tìm cách gây sức ép, áp lực, triệt hạ những người giỏi hơn mình, những người nói lên sự thật, cần phải đấu tranh quyết liệt. Đã qua rồi thời kỳ bo bo, sắn lát, mỳ hạt là lương thực góp phần quan trọng trong cuộc sống, người dân luôn ghi nhớ; ý kiến xuôi chiều, không dám dột phá trong thời gian dài. Ngày nay là thời kỳ cách mạng 4.0, thời kỳ của đoàn kết, dân chủ, kỹ cương, sáng tạo và phát triển.
Công tác cán bộ hiện nay đang đặt ra cho các cấp ủy đảng một phương thức, một quyết sách, một “bảo kiếm” hữu hiệu và hành động quyết liệt hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát và quyết liệt hơn trong việc xác định và nâng cao vai trò nêu gương, trách nhiệm, trước hết là người đứng đầu; đồng thời phát hiện và siết chặt kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh, đủ sức răn đe. Cấp ủy cấp trên cũng cần có cơ chế lắng nghe ý kiến cấp ủy cấp dưới về công tác cán bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình với công việc được giao gắn với vị trí được bổ nhiệm. Phải thật sự xứng đáng là công bộc của dân và niền tin yêu của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “ai nhụt chí dẹp sang một bên”, “ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ”. Một số ít cán bộ khi được đề bạt chưa xứng tầm, không góp phần cùng Đảng để đổi mới mà còn cản trở đổi mới; cần phải đưa ra khỏi bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước những cán bộ nhìn bề ngoài tưởng “đỏ”, nhưng thực chất còn “xanh” ; “đỏ” mà không “chín”. Vì cán bộ là gốc của mọi công việc, là then chốt của mọi then chốt. Đại hội XIII của Đảng vừa thành công rất tốt đẹp, nay tiếp tục chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác cán bộ tiếp tục được siết chặt, nhằm đảm bảo cho bộ máy đó thật sự là quyền lực của nhân dân. Nhân dân luôn theo dõi mọi hoạt động của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; khi mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện tốt, có trí tuệ, có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức lối sống tốt thì nhân dân ủng hộ hết mình; phẩm chất, trí tuệ, đạo đức, lối sống giảm sút, tha hóa, tham ô, tham nhũng, lãng phí, nói không đi đôi với làm, xa rời quần chúng, không xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân thì tốt nhất tự giác rút lui khỏi vị trí được giao để bảo vệ thanh danh của Đảng, vì sự phát triển và phồn vinh của đất nước và vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng ta. Những người nịnh bợ, lợi dụng cơ chế còn lỗ hổng, thiếu chặt chẽ, khoa học trong đánh giá cán bộ để làm cho “Thước đo đánh giá cán bộ bị bẻ cong, thao túng” vi phạm dân chủ trong đánh giá cán bộ; cần sớm có chế tài để xử lý nghiêm chủ thể đánh giá sai về cán bộ, tăng thêm niềm tin và sức mạnh cho người tài, người đứng đầu tiền phong, gương mẫu và của nhân dân./.