Xây dựng tinh thần cấp tiến, cầu tiến và chống bệnh bảo thủ

Cấp tiến là biểu thị của tư tưởng, ý định biến đổi hoặc thay thế các nguyên tắc sẵn có không còn phù hợp của một tổ chức, một đơn vị, địa phương, một xã hội hay rộng ra là hệ thống chính trị thông qua thay đổi xã hội, thay đổi cấu trúc mang tính sáng tạo, tính cách mạng hoặc cải cách triệt để một vấn đề hay một tổ chức nào đó. 

Quá trình đó được xem là tư tưởng và hoạt động cấp tiến. Nó đối lập với tư tưởng bảo thủ, trì trệ, lỗi thời. Tư tưởng cấp tiến được xây dựng trên ý tưởng về sự tiến bộ, muốn vươn lên, khẳng định sự tiến bộ cả về khoa học, tư duy và hành động, nhất là trong hoạt xã hội và con người là vô cùng quan trọng để cải thiện tình trạng tư tưởng con người bị áp đặt bởi tư duy cũ “bảo thủ” ngăn cản, áp đặt lên tư tưởng tiến bộ.

Cầu tiến là tinh thần học hỏi cao, luôn muốn bản thân phát triển, tiến bộ hơn mức hiện tại. Người cầu tiến thường mong cũng như đặt mục tiêu cho mình đạt thành tích cao về mọi mặt. Lớp trẻ bây giờ tiến bộ và cầu tiến nhiều hơn chúng ta tưởng.

Bí quyết thành công trong cuộc sống trước tiên phải hết lòng nuôi dưỡng tư duy cầu tiến, có niềm tin có thể cải thiện và phát triển bản thân thông qua nỗ lực và thất bại; luôn không ngừng học hỏi và hoàn thiện chính mình; thành bại và thử thách chính là bài học để phát triển những phẩm chất và tài năng hiện có và luôn chứng minh cho năng lực của mình vì sự phát triển chung, đó là tư duy cấp tiến, cầu tiến. Người có tư tưởng cấp tiến, cầu tiến thường là kiên tâm, hy vọng, lạc quan, sáng tạo, kiên trì và có tinh thần hợp tác. Những tính cách trên có lợi cho sự phát triển của cá nhân, tập thể, cộng đồng và xã hội. Vì cấp tiến, cầu tiến nên con người luôn nỗ lực thực hành và phát triển các phẩm chất nói trên.

Tư duy cấp tiến, cầu tiến mang đến cho cho con người sự tự tin, can đảm và động lực cần thiết để đạt được kết quả tốt hơn mà người “bảo thủ” không bao giờ hy vọng có thể đạt được. Người cấp tiến, cầu tiến có khả năng thích ứng tốt với mọi hoàn cảnh khác nhau và phát triển kỹ năng vốn có của mình một cách mạnh mẽ hơn. Người “bảo thủ” luôn lầm tưởng mình hơn họ và chủ quan nên thường thất bại cay đắng. Người cấp tiến, cầu tiến luôn khuyến khích quan điểm tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên, của nhân viên dưới quyền, của quần chúng. Những người dưới quyền, quần chúng cảm thấy hạnh phúc hơn và sẵn lòng vì cái chung, vì tập thể và sự lãnh đạo của cấp trên mình. Ở đó họ học được nhiều điều bổ ích cho công việc và cuộc sống. Khi đối mặt với khó khăn, thử thách họ cũng không nề hà, bên cạnh họ còn có nhiều người tự nguyện giúp đỡ.

Tuy nhiên, không phải cấp tiến, cầu tiến lúc nào cũng mang lại kết quả tích cực như mong muốn. Cũng có khi kết quả hạn chế, thất vọng khi tư tưởng bảo thủ đang chiếm ưu thế cục bộ ở một bộ phận, tổ chức nào nào đó, nếu không có tư tưởng cấp tiến, cầu tiến, bản lĩnh vững vàng sẽ dễ bị chệch hướng và trở nên tồi tệ hơn. Do đó cấp tiến, cầu tiến ngoài bản lĩnh, cần có năng lực, nghiên cứu, tính toán, tranh thủ ý kiến của nhiều người, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết những vấn đề cấp tiến, cầu tiến của mình, của tập thể vươn lên mạnh mẽ hơn.

Người có tư duy cấp tiến, cầu tiến họ làm việc chăm chỉ, kiên trì và có cái nhìn tích cực hơn khi đối mặt với khó khăn, thách thức. Càng khó khăn, kết quả đạt được càng to lớn. Có được điều đó là nhờ niềm tin và kết quả đạt được như là một tất yếu; “chìa khóa thành công là không bỏ khi gặp khó khăn, thách thức”. Tư duy trên là phát huy tối đa tiềm năng của cán bộ dưới quyền và của tập thể; là khởi đầu cho sự thành công và phát triển đúng hướng.

Ngược lại của cấp tiến, cầu tiến là “bảo thủ”. Bảo thủ là không muốn nghe ý kiến của người khác khi góp ý cho mình. Trong tranh luận, người có tính bảo thủ thường không chấp nhận sự thật; không chịu nhận mình là sai, thường áp đặt, nóng nảy, “cãi cối, cải chày”, thậm chí “cải cùn”. Người bảo thủ thường cố chấp, bảo vệ “cái tôi”, khó thay đổi, khó tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ.

Bảo thủ là thái độ không không dám thừa nhận sai lầm, không dám phủ định cái cũ, để xây dựng cái mới tốt đẹp hơn; làm theo ý mình, ít chịu khó học tập, tìm hiểu. Người bảo thủ thì đầu óc tối tăm và lạc hậu và sẽ rất khó phát triển trong khi xã hội đang thay đổi từng ngày, từng giờ, phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Trí thức càng hạn hẹp, càng bảo thủ, cố chấp

Bảo thủ là căn bệnh tồn tại xã hội không hiếm gặp, nhưng đáng tiệc nó có cả trong cán bộ, đảng viên, kể cả người đang giữ chức vụ lãnh đạo. Bảo thủ, duy ý chí, áp đặt, cho rằng mình là đúng, chỉ làm theo ý mình, mà còn thể hiện ở thái độ thiếu thân thiện, định kiến với người góp ý; luôn “dị ứng” với những ý kiến góp ý, phê bình; bác bỏ ỷ kiến người khác, nhất là những ý kiến phản biện; khi góp ý bằng lý lẽ phân minh thì cho là “lý sự”, thiếu “thiện chí”... Đáng buồn là còn có một số người có chức, có quyền, bảo thủ dẫn đến tình trang chuyên quyền, lạm quyền, lộng quyền, độc đoán, gia trưởng, coi thường, vô cảm trước những tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi chính đáng của cấp dưới và của nhân dân, từ đó dẫn đến quan liêu, xa dân, xa rời thực tế. Đâu đó có những nội dung, “hợp thức hóa cho đúng quy trình”, dân chủ giả hiệu, cuối cùng vẫn theo ý chí chủ quan, áp đặt. Mặc dầu nhiều người đã thấy sai, không góp ý, tranh luận nữa, cứ tưởng mình đúng và triển khai tực hiện.

Người bảo thủ thích gắn với những cách thức cổ xưa để vận hành mọi thứ từ sự kết hợp giữa cảm tính và tư duy thực dụng; họ “thích quá khứ hơn hiện tại, thích hiện tại hơn tương lai”,“thích quen thuộc hơn điều chưa biết, thích cái được thử nghiệm hơn cái chưa được thử nghiệm, thích sự thật hơn bí ẩn, thích thực tế hơn cái có thể, thích giới hạn hơn là vô biên, thích gần hơn xa, thích đủ hơn quá dư thừa, thích thuận tiện hơn hoàn hảo, thích tiếng cười hiện tại hơn hạnh phúc tương lai...”. Người bảo thủ thường hạn chế đổi mới, tin vào tầm quan trọng của việc kiểm soát và hạn chế những hiến định như dân chủ, tự do, sáng tạo và những người bảo thủ thường lo lắng cho một sự thay đổi.

Nói đến bảo thủ làm cho người ta nghĩ ngay đến đến một cảm giác của sự trì trệ, chậm tiến, nó là một căn bệnh chúng ta kiên quyết phải chữa, phải chống. Bảo thủ luôn giữ cho mình những nguyên tắc, những ý nghĩa, những quan điểm mà không có ý định sửa đổi và sẽ áp đặt những nguyên tắc của mình cho tất cả mọi việc, ngay cả khi mọi người đều thấy nó không còn phù hợp.

Tuy nhiên một khi bệnh bảo thủ đã quá lớn, nó khiến người ta mắc phải những sai lầm khó có thể sửa chữa, thậm chí là bị người khác chán ghét, khó nhận được lời khuyên và sự giúp đỡ một cách chân thành khi gặp khó khăn. Người bảo thủ thường từ chối lắng nghe, bướng bỉnh và cứ phải sống mãi trong lối nghĩ cũ, khó thay đổi, không linh động. Thậm chí dù biết mình sai vẫn cố chấp bảo vệ cái tôi cá nhân, thay vì chấp nhận ý kiến và thay đổi.

Người bảo thủ thường sợ thất bại và thiếu sự an toàn khi đối mặt với thất bại. Người có tư duy bảo thủ thường có xu hướng đỗ lỗi cho người khác, cùng lắm mới đổ lỗi cho bản thân và dẫn đến cảm xúc tiêu cực, phát ngôn thiếu chuẩn mực, có xu hướng đi vào tiêu cực và khó tiến xa hơn trong công tác, cuộc sống và giao tiếp.

Tháng 10/1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những biểu hiện bảo thủ “tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết”. Người nhấn mạnh “Nếu chỉ dựa vào ý chí, dựa vào tình cảm, không tôn trọng quy luật, bất chấp quy luật khách quan để hành động, thì đó là bệnh chủ quan”. Người chỉ ra “Mỗi chứng bệnh gây ra do nhiều nguyên nhân. Nhưng kết quả đều làm cho người ta ốm yếu, xơ cứng.... Nguyên nhân của bệnh chủ quan là bảo thủ, kém lý luận, hoặc coi khinh lý luận, hoặc lý luận suông”.

Thực tiễn không ít cơ quan, đơn vị, địa phương khi người đứng đầu, người có vai trò, vị trí quan trọng “bảo thủ” đã làm cho cả một bộ máy, hệ thống cán bộ dưới quyền xơ cứng, thụ động, thờ ơ, chờ đợi, chỉ biết làm theo, nói leo. Sự bảo thủ, độc đoán về tư tưởng của một người là bóp chết sự sáng tạo của nhiều người, cách áp đặt đơn phương sẽ được thay thế bằng đối thoại, cùng bàn bạc, sáng tạo, đề xuất, tiếp thu, ghi nhận, cầu tiến để cùng giải quyết.

Người giữ chức vụ càng cao, vị trí càng quan trọng, nếu mắc căn bệnh bảo thủ thì ảnh hưởng càng lớn, hậu quả càng nặng nề, gây nên những hệ lụy khôn lường. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã chỉ ra “duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác” nếu không được phát hiện, sửa chữa kịp thời sẽ sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị, của toàn xã hội và kể cả những cái “nhỏ nhất” bắt đầu từ giao tiếp.

Để ngăn chặn căn bệnh này cần tiếp tục tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; các kết luận, quy định của Trung ương 4 khóa XIII.

Phải thường xuyên rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học, thiết thực, hiệu quả. Rèn luyện tư duy khoa học, độc lập, sáng tạo trên cơ sở nắm vững các quy luật khách quan, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sinh động, phong phú của địa phương, cơ quan, đơn vị, của đất nước trong từng thời kỳ và phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, chống bệnh bảo thủ và đoạn tuyệt với bảo thủ.

Bên cạnh đó phải thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thực sự chân thành, cầu tiến, cầu thị, xây dựng, giúp nhau nâng cao nhận thức, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm.

Đối với những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo phải thực sự phát huy dân chủ trong Đảng, trong cơ quan, địa phương, đơn vị. Trong sinh hoạt, hoạt động, cần thấy rõ tác hại của bệnh bảo thủ để đấu tranh, loại bỏ. Khi những người lãnh đạo phát huy dân chủ, khơi dậy được niềm tin, sự sáng tạo, tâm huyết của cán bộ, đảng viên chính là đã, đang và sẽ làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đạo đức và văn minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Muốn thực sự đổi mới phải đổi mới tư duy trước khi muốn có những thay đổi khác, phải có quyết tâm lớn, sáng tạo. Chúng ta có quyền hy vọng bệnh “bảo thủ” sẽ bị đẩy lùi, nhường chổ cho tư tưởng cấp tiến, cầu tiến; đổi mới vững chắc vì sự hùng cường, đất nước phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân./.     

                                                                                  

 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ