Sơ kết 5 năm công tác truyền thông thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW

     Sáng 13/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm công tác truyền thông thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Tham dự hội nghị có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Thị Thu Hà và đại điện một số bộ, ngành; đại điện Ban Tuyên giáo, Sở Y Tế, Sở Lao Động Thuơng binh & Xã hội, BHXH các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ...

       Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh: Nghị quyết 21-NQ/TW ra đời có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT ở nước ta hiện nay, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, toàn diện của Đảng trong việc thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT.

       Tại hội nghị, đại diện Ban Tuyên giáo và BHXH các tỉnh, thành phố cũng thảo luận làm rõ thêm việc thực hiện Nghị quyết 21, trong đó tập trung giải quyết những vấn đề còn trăn trở trong công tác tuyên truyền, với mục tiêu đưa chính sách đến gần người dân hơn. Đặc biệt, nhiều tham luận tiếp tục gợi mở những vấn đề đáng quan tâm, giúp Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách để chăm lo tốt hơn đời sống NLĐ cũng như chăm sóc tốt hơn sức khỏe của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

       Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, trong 3 năm tới, còn rất nhiều việc phải làm trong thực hiện Nghị quyết 21, đặc biệt là công tác tuyên truyền, nhằm bảo đảm từng người dân, từng hộ gia đình, từng NLĐ đều có được nhận thức đầy đủ hơn về tính ưu việt, nhân văn, sự thiết thực của việc tham gia BHXH, BHYT, để người người, nhà nhà sớm được thụ hưởng quyền lợi về BHXH, BHYT. Để làm được điều đó, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền; nâng cao tính thiết thực, chiều sâu trong nội dung tuyên truyền; đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền đảm bảo phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng cụ thể; bồi dưỡng nâng cao kiến thức BHXH, BHYT cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền; tăng cường nguồn lực cho công tác tuyên truyền; khen thưởng kịp thời đơn vị, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách BHXH, BHYT…


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ