Di tích Lịch sử - Văn hóa địa điểm Trường Dục Thanh

Đến với thành phố Phan Thiết, chúng ta không chỉ đến với biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà còn đến với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã từ lâu được du khách xa, gần biết đến và ngưỡng vọng.

Đặc biệt, Trường Dục Thanh là một công trình tưởng niệm, có ý nghĩa tinh thần vô giá của nhân dân Bình Thuận đối với Bác Hồ kính yêu. Nằm ở vị trí trung tâm thành phố Phan Thiết, bên dòng sông Cà Ty, tọa lạc tại số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa; di tích được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 12/12/1986. Trường Dục Thanh là nơi ghi dấu sự kiện thời thanh niên của Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học từ tháng 9 năm 1910 đến tháng 02 năm 1911, bằng tâm huyết, tình cảm, Người đã truyền đạt những kiến thức văn hóa và khơi dậy tinh thần yêu nước cho các học trò của mình trước khi Người vào Sài Gòn, ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Du khách từ mọi miền đất nước đến với Trường Dục Thanh để tìm hiểu về cuộc đời cao đẹp của Người, từ nếp sống giản dị, chân thật, đến lòng yêu nước thương dân và đặc biệt là hình ảnh thầy giáo trẻ hết lòng chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”.

Trường Dục Thanh - Phan Thiết

Trường Dục Thanh ra đời và hoạt động từ năm 1907 đến năm 1912 theo chủ trương chung của phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng, đó là muốn mở mang dân trí trước hết phải thành lập trường dạy học. Ông Nguyễn Trọng Lội và ông Nguyễn Quý Anh là hai người con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông cùng các nhân sĩ yêu nước đứng ra sáng lập, đây là một trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ thời bấy giờ. Trường dạy chữ Quốc ngữ là chính, bên cạnh đó dạy chữ Hán, chữ Pháp và môn thể dục. Trường có 7 thầy giáo, Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Quý Anh, trong số đó thầy Nguyễn Tất Thành (tên Bác Hồ lúc 20 tuổi) là người trẻ tuổi nhất.

Học sinh của trường lúc đông nhất khoảng 50 - 60 học sinh, chỉ có 4 học trò nữ, chia làm 4 lớp: Tư, ba, nhì, nhất. Trong thời gian dạy học tại trường, thầy giáo Thành dạy thể dục, thể thao là chính. Ngoài ra, thầy Thành còn phụ giảng chữ Quốc ngữ và chữ Hán thay cho các thầy giáo khác nghỉ bệnh hoặc bận việc. Tháng 02/1911 thầy Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn, để rồi ngày 05/6/1911 rời Tổ quốc, vượt đại dương đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Tuy thời gian dạy học ở đây không dài, nhưng thầy Thành đã để lại trong lòng học trò Trường Dục Thanh những ký ức khó quên về tình thương yêu, đạo đức, lối sống, phương pháp giảng dạy…

Khu di tích bao gồm những hạng mục và di vật sau đây:

Nhà Ngư: Là nơi chứa ngư lưới cụ và làm cá, mắm của gia đình con cháu cụ Nguyễn Thông, được xây dựng năm 1906. Năm 1907, Trường Dục Thanh ra đời và nhà Ngư trở thành nơi nội trú của thầy giáo và học trò ở xa đến dạy và học. Trong thời gian dạy học tại đây, thầy giáo Thành cũng ở nội trú tại ngôi nhà này.

Nhà thờ cụ Nguyễn Thông: Là nơi thờ dòng họ và cụ Nguyễn Thông.

Nhà Ngọa Du Sào: Có nghĩa là “ổ nằm chơi”. Được xây dựng năm 1880, khi về cuối đời cụ Nguyễn Thông cho xây dựng ngôi nhà để ở và dùng căn gác làm nơi uống trà, ngâm thơ, bình thơ, bình văn và sáng tác lúc tuổi già và cũng là nơi luận bàn trao đổi công việc với các sĩ phu yêu nước. Trong thời gian dạy học tại Trường Dục Thanh thầy Thành thường xuyên lui tới đây để đọc sách, chấm bài và thỉnh thoảng nghỉ trưa…

Cây Khế và Giếng nước: Cây Khế do vợ cụ Nguyễn Thông trồng cách đây đã hơn 1 thế kỷ. Trong thời gian dạy học tại Trường, thầy Thành thường lấy nước ở Giếng để dùng trong sinh hoạt và tưới cây trong vườn. Cây Khế được thầy Thành chăm sóc năm 1910, đến nay vẫn ra hoa kết quả quanh năm, nhân dân Phan Thiết thường gọi cây Khế “Bác Hồ”.

Những hiện vật gốc còn lưu giữ tại di tích Dục Thanh gồm: 1 bộ họa đàng trường kỷ, 1 bộ ván gõ 3 tấm, 1 chiếc án thư, 1 chiếc tủ đứng, 1 chiếc thang gỗ, tráp văn thư, nghiên mài mực, 3 chiếc ly nhỏ, 1 chiếc khay... Đó là những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với thời gian và lịch sử của những năm tháng dạy học ở Phan Thiết của thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Bởi nơi đây đã gắn liền với sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Nguyễn Tất Thành, trên đường vào Nam ra đi tìm đường cứu nước, đã dừng chân dạy học và cũng chính thời gian học dạy ở đây, là giai đoạn đỉnh cao của tư tưởng yêu nước, góp phần thôi thúc ý chí và khẳng định quyết tâm phải ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân của Người.

Sau ngày quê hương được giải phóng, khu di tích Trường Dục Thanh được trùng tu lại bao gồm toàn bộ khuôn viên và các kiến trúc cũ. Thời gian khởi công từ tháng 11/1978 đến tháng 12/1980, trên cơ sở một phần di tích gốc còn lại và dựa theo lời kể, bản vẽ phác hoạ của 4 cụ học trò của Bác năm 1910 còn sống, đó là các ông: Nguyễn Quý Phầu, Nguyễn Đăng Lầu, Từ Trường Phùng, Nguyễn Kinh Chi. Khu di tích Trường Dục Thanh được khánh thành và đưa vào hoạt động với tổng diện tích là 4.090m², bao gồm: Trường Dục Thanh, nhà Ngư, nhà Ngọa Du Sào, nhà Thờ cụ Nguyễn Thông, cây Khế, Giếng nước; vườn cây lưu niệm, cây ăn quả, cây cảnh được chọn giống từ các địa phương trong tỉnh do các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo địa phương trồng… đã tạo nên một quần thể có lối kiến trúc vừa cổ, vừa kim, có không gian thoáng mát trong lành, làm vui lòng con cháu của Bác mỗi khi có dịp về thăm lại trường xưa nơi Bác dạy. Tiếp tục xây dựng công trình Nhà Trưng bày về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khởi công xây dựng năm 1983 và khánh thành ngày 17/5/1986 đúng vào dịp mừng sinh nhật Bác lần thứ 96.

Trường Dục Thanh cùng với Nhà Trưng bày tạo thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa có ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống di tích lưu niệm và Bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước. Để rồi ngày ngày đón khách từ mọi miền đất nước về thăm lại ngôi trường xưa Bác dạy học, vào những ngày lễ, những thời khắc giao thừa thiêng liêng của năm mới, các thế hệ con cháu lại quây quần về đây thắp nén hương thơm trên bàn thờ Bác với tất cả tấm lòng thành kính, yêu thương và biết ơn vô hạn đối với lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.

Những bài học quý báu mà Bác Hồ để lại trên mảnh đất này mãi mãi là niềm tự hào và là tài sản vô giá mà nhân dân Bình Thuận có vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong việc gìn giữ, tôn tạo, quản lý và phát huy, hàng năm có hơn 200.000 lượt khách tham quan trong nước, quốc tế, đặc biệt có các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cao cấp các nước đến thăm viếng, tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

 


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ