Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023): Vai trò của căn cứ địa cách mạng ở Bình Thuận trong cuộc kháng chiến chống mỹ, cứu nước (1954-1975)

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Mỹ thay Pháp thực hiện chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Trên địa bàn Bình Thuận, Mỹ - Ngụy ra sức khủng bố, ráo tiết mở các chiến dịch “tố Cộng” trên diện rộng, tăng cường bộ máy kìm kẹp, càn quét đánh phá phong trào cách mạng, “chà đi, xát lại” với khẩu hiệu “Thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, nhất là các năm 1955, 1956, 1957…, chúng ám sát, thủ tiêu nhiều cán bộ, đảng viên của ta, trọng điểm của chúng là vùng căn cứ giải phóng Hàm Tân, Lê Hồng Phong và vùng đồng bằng Hàm Thuận…, địch hy vọng “đánh tận gốc, trốc tận rễ” cơ sở cách mạng ở địa phương, gây nhiều tổn thất nặng nề cho nhân dân và cách mạng, nhiều cán bộ đảng viên trung kiên và cơ sở cách mạng cốt cán bị địch bắt tù đày, giết hại. 

Trong đợt đầu tiên, đã có 131 đồng chí bị địch bắt đưa ra Côn Đảo giam giữ[[1]]. Trước tình hình này, địa bàn có nhiều rừng núi phía Tây của tỉnh được Tỉnh ủy Bình Thuận lựa chọn để xây dựng căn cứ địa ở đó. Nơi đây đảm bảo yêu cầu cấp bách mang tính sống còn của Tỉnh ủy là tránh sự tìm diệt của địch, vừa đảm bảo bí mật, an toàn, vừa không cách xa dân để tồn tại, bám trụ, dựa vào dân, tiếp tục lãnh đạo, phát động và tổ chức Nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng.

Thực hiện chủ trương này, cũng như các địa phương khác trên chiến chường miền Nam Việt Nam, tại Bình Thuận, một hệ thống căn cứ kháng chiến - hậu phương tại chỗ nhanh chóng được xác lập. Quân và dân Bình Thuận khẩn trương triển khai xây dựng một loạt các căn cứ mới, điển hình như: A Ra, Cà Dòn (thuộc Di Linh), Rừng Ngang, Rừng Điểu, Núi Lá (Hòa Đa) thuộc Bắc Bình; Suối Đá Mài, Núi Ông, Sa Lôn, Ra Din, Ra Pú (sông La Ngà, Tánh Linh, một phần thuộc Di Linh); Pô Cao, Gò Nổ, Đèo Nam, Mắc Cỡ, Núi Nhà Lầu và Núi Con Rum (thuộc Tánh Linh); Đèo Gió Lạnh (núi ông 5 phần) thuộc Hàm Thuận Nam; Gia Le, Sông Quao (Hàm Trí); Cá Trê (Hàm Phú); Chà Tre, Đại Nẫm (thuộc Hàm Thuận Bắc)… Đây là trụ sở lãnh đạo kháng chiến của các cấp ủy, chính quyền địa phương, nơi đứng chân tổ chức huấn luyện của các đơn vị vũ trang địa phương và của bộ đội chủ lực; đồng thời cũng là nơi tăng gia sản xuất lấy lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tại chỗ cho cuộc kháng chiến, nơi cứu chữa thương bệnh binh… Nhiều căn cứ trong số này còn là trụ sở lãnh đạo của khu ủy, liên tỉnh ủy, Tỉnh ủy Bình Thuận và cực Nam Trung Bộ. Đặc biệt hơn, chính những căn cứ này còn là những địa chỉ tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ và vũ khí, trang bị quân sự, thuốc men, lương thực, thực phẩm từ hậu phương miền Bắc chi viện vào cho chiến trường miền Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng; trong đó, khu vực căn cứ Sa Lôn thuộc địa bàn xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc ngày nay là nơi Tỉnh ủy Bình Thuận đứng chân chỉ đạo cuộc kháng chiến lâu nhất (hơn 8 năm). Khu căn cứ Sa Lôn có các chức năng quan trọng là luôn đảm bảo bí mật, an toàn các cơ quan, đơn vị; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt; kể cả đảm bảo các mặt công tác, hậu cần, vật chất tại chỗ, đào tạo cán bộ… để phục vụ cho yêu cầu của phong trào cách mạng ở địa phương. Tại căn cứ này, có đường hành lang chiến lược nối thông với miền Bắc, Trung ương Cục miền Nam, Khu VI; các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận; kết nối các căn cứ du kích ở đồng bằng Hàm Thuận, Hàm Tân, Khu Lê, Hòa Đa, Tuy Phong; miền núi Tánh Linh, Hoài Đức, các “căn cứ lõm” ở ven đô thị Phan Thiết hợp thành một mạng lưới rộng khắp, đan xen và thông nối với nhau, tạo thành hậu phương tại chỗ cho cuộc chiến tranh nhân dân. Có thể khẳng định rằng, cùng với tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, một hệ thống căn cứ hoàn chỉnh nối liền các địa bàn trên toàn tỉnh, liên tỉnh và tỉnh với khu đã từng bước được xác lập. Hệ thống căn cứ kháng chiến này, đặc biệt là căn cứ Sa Lôn là địa điểm tiếp nhận các chủ trương, chỉ thị của cấp trên, nơi bàn định những quyết sách kháng chiến, lập kế hoạch và tổ chức lực lượng, là bàn đạp xuất phát tiến công của lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Thuận trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.

Từ khi cuộc Đồng Khởi dấy nên ở miền Nam trở đi, phong trào tiến công và nổi dậy của quân và dân Bình Thuận không ngừng phát triển trên mọi phương diện và thu được những thắng lợi lớn. Đó là, tại Tánh Linh, tháng 7/1960, Tỉnh ủy Bình Thuận đã lãnh đạo đơn vị 2/9, lực lượng huyện Tánh Linh và nhân dân tiến công và nổi dậy phá khu tập trung Bắc Ruộng, diệt chi khu quân sự Hoài Đức của địch, giải phóng 5.000 dân. Đây thực sự là trận đánh xuất sắc mở đầu cho phong trào Đồng Khởi ở Bình Thuận[[2]]. Tiếp đà thắng lợi Bắc Ruộng, tại Hàm Thuận, tháng 11/1960, đơn vị 2/9 tỉnh Bình Thuận và lực lượng vũ trang Liên tỉnh 3 cùng du kích huyện Hàm Thuận tiến công căn cứ địch và tổ chức thành 3 xã căn cứ kháng chiến; và từ căn cứ Lê Hồng Phong, tháng 9/1961, đơn vị 2/9 của tỉnh phối hợp với lực lượng du kích và nhân dân huyện Bắc Bình tổ chức tiến công và nổi dậy giải phóng Nhơn Thiện, Thiện Nghiệp với hơn 10.000 dân… Vậy là, với phong trào Đồng Khởi, quân và dân Bình Thuận giáng một đòn chí mạng đối với Mỹ - Diệm. Cũng với phương thức đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận mang lại thắng lợi bước ngoặt của Đồng Khởi, từ bàn đạp là các căn cứ - hậu phương tại chỗ, quân và dân Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh tiến công và nổi dậy giành thêm những thắng lợi quan trọng. Nổi bật là từ tháng 7/1964 đến tháng 8/1965, quân và dân Bình Thuận đã đánh 890 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 4.500 tên địch, phá gần 100 Ấp chiến lược, giải phóng cơ bản huyện Hoài Đức, phần lớn vùng nông thôn ở các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận, Thuận Phong, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn với trên 100.000 dân, xã liền xã, huyện liền huyện, nối liền với các căn cứ Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ[[3]]. Những thắng lợi quyết định này đã góp phần phá tan kế hoạch dồn dân, lập “Ấp chiến lược”, làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền tay sai trên chiến trường Bình Thuận.

Chiến công nối tiếp chiến công và song cùng với nó là hệ thống căn cứ kháng chiến - hậu phương tại chỗ tiếp tục được củng cố, ngày cảng mở rộng, dân số các khu căn cứ không ngừng tăng lên đã góp phần tăng cường thêm thế và lực cho kháng chiến. Lực lượng vũ trang tại chỗ: bộ đội tỉnh từ chỗ chỉ có trung đội (năm 1961), dần phát triển lên đến đại đội (năm 1965) và đến cuối cuộc kháng chiến đã phát triển đến cấp tiểu đoàn; bộ đội huyện và du kích số lượng vài trăm người vào thời kỳ đầu đã tăng lên hàng ngàn vào những năm cuối kháng chiến. Đây thực sự là nguồn bổ sung lực lượng kịp thời cho quân chủ lực của khu và tỉnh khi cần. Thêm vào đó, tại những khu căn cứ kháng chiến này, công tác tăng gia sản xuất đã không ngừng được phát triển đã tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm đáp ứng cho nhu cầu ăn uống tại chỗ và cung cấp một phần cho các đơn vị bộ đội chủ lực, là nơi bảo đảm một phần nhu cầu vật chất cho đời sống cho các đơn vị chủ lực của cấp trên hoạt động tại địa bàn Bình Thuận. Trong 2 năm: 1960, 1965, Bình Thuận đã 2 lần bổ sung lực lượng cho quân khu: tháng 6/1962, bổ sung quân cho Tiểu đoàn 840 (còn gọi là d120) một trung đội, cho Tiểu đoàn 186 một trung đội; năm 1965, bổ sung cho lực lượng bảo vệ của khẩu V1, V2 của quân khu một đại đội… Tại căn cứ Sa Lôn, cùng với các mặt công tác xây dựng và hoạt động của các cơ quan, đơn vị nêu trên, công tác tăng gia sản xuất tự túc tại chỗ được tích cực đẩy mạnh, nhất là từ năm 1963 trở đi. Cơ sở sản xuất chủ yếu là trỉa lúa rẫy, bắp, trồng mì… các cơ quan đơn vị sản xuất có diện tích trên hàng chục hecta như Cao Thắng, Văn phòng Tỉnh ủy, Trại giam của tỉnh (thường gọi là trại giam của ông Năm Lương). Nhìn chung, lương thực sản xuất tại chỗ của một số đơn vị, cơ quan đảm bảo cung cấp lương thực trong 3-4 tháng, riêng đơn vị Cao Thắng là đơn vị nhiều năm thu hoạch đạt sản lượng cao (khoảng 30 tấn); ngoài ra còn tổ chức chăn nuôi, săn bắn thú rừng, đánh bắt cá ở sông La Ngà, sông Rưng và sông Sa Lôn, có năm bắt được gần 1 tấn cá…

“Chiến tranh đặc biệt” bị đánh bại, Mỹ đưa quân viễn chinh và quân đồng minh vào tham chiến trên chiến trường miền Nam. Dự đoán chắc chắn rằng, mục tiêu chính yếu của chúng vẫn là tập trung đánh phá các căn cứ kháng chiến của ta, nên việc tăng cường thế và lực cho các căn cứ trên toàn tỉnh được đặc biệt chú trọng. Cũng từ thời điểm này (1965), sức chi viện nhân lực, vật lực của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, trong đó có chiến trường Bình Thuận ngày càng tăng cường. Chính sự nỗ lực toàn diện này đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho quân và dân Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch, lập thêm nhiều chiến công oanh liệt ở đường 8 (Hàm Thuận) vào tháng 2/1966; tiêu diệt căn cứ Bàu Ốc vào tháng 11/1967; liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân càn quét của Mỹ-Ngụy vào các căn cứ Sa Lôn, A Ra, Cà Tót, Lê Hồng Phong, Di Linh, Tánh Linh, đặc biệt nhất là khu căn cứ Sa Lôn ở vùng giáp ranh giữa ba huyện Hàm Thuận, Tánh Linh, Hoài Đức (địch coi là 10 căn cứ quan trọng nhất miền Nam, thuộc loại ưu tiên triệt phá cho bằng được) trong năm 1967… Phát huy chiến quả giành được, theo chỉ thị của Trung ương - Đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ, cùng với toàn miền Nam, quân và dân Bình Thuận đã thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân (1968) - đưa chiến tranh vào tận dinh lũy của quân thù - loại khỏi chiến đấu hàng ngàn tên địch, phá hủy nhiều xe quân sự, vũ khí và phương tiện quân sự của chúng; góp phần quan trọng cùng toàn Miền làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang - thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Mặc dù bị hao tổn nhân lực, vật lực rất nghiêm trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân, nhưng nhờ có hệ thống căn cứ kháng chiến rộng khắp và nhận được sự chi viện của hậu phương miền Bắc, lực lượng quân sự và chính trị ở Bình Thuận dần dần được phục hồi, tiếp tục tiến công diệt địch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ nhiều vùng đất đai rộng lớn. Năm 1969, trên đất Bình Thuận, ta đã đánh 1700 trận, loại khỏi chiến đấu 15.792 tên địch, phá hủy 449 xe quân sự các loại và 27 khẩu pháo cở lớn, tiêu hủy hàng trăm tấn đạn dược và xăng dầu. Đến năm 1972, lực lượng vũ trang Bình Thuận đã đánh 446, loại khỏi chiến đấu hơn 2.000 tên địch, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy làm chủ hoàn toàn 12 ấp với 8.752 dân, làm chủ cơ bản 15 ấp và 14 phân khu với 32.513 dân, phá lỏng thế kìm kẹp của địch ở 59 ấp với 62.464 dân[[4]] góp phần quan trọng vào thắng lợi quyết định của cuộc tiến công chiến lược 1972 trên cả hai miền Nam Bắc, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân chiến đấu của Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam.

“Mỹ đã cút”, điều kiện thuận lợi để ta “đánh cho ngụy nhào” đã mở ra. Tuy  nhiên với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ vẫn ngấm ngầm chỉ đạo Ngụy quyền Sài Gòn phá hoại hiệp định, tiến hành các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Do vậy, cũng như các địa phương khác trên toàn miền Nam, quân dân Bình Thuận vừa kiên quyết đánh địch lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng - hậu phương tại chỗ của địa phương; mặt khác khẩn trương phát triển lực lượng, tích trữ vật chất và chủ động đánh địch tạo thế chuẩn bị cho cuộc quyết chiến chiến lược cuối cùng. Đỉnh cao nhất của hoạt động tạo thế là chiến dịch Hoài Đức - Tánh Linh (12/1974 - 01/1975), giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh, một phần nông thôn huyện Hoài Đức với gần 35.000 dân. “Đây là sự kiện có ý nghĩa về chính trị và quân sự hết sức quan trọng. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên chiến trường Quân khu VI nói chung, cũng như trên chiến trường Bình Thuận nói riêng đã giải phóng huyện mở ra một thế mới cho phong trào cách mạng ở địa phương tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”[[5]]. Cũng bắt đầu từ đây, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ, nhất là sau chiến thắng Tây Nguyên, công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam khẩn trương hơn bao giờ hết. Từ các căn cứ và vùng giải phóng-hậu phương tại chỗ của Bình Thuận, công tác chuẩn bị tạo thế trên chiến trường Bình Thuận gấp rút được tiến hành, chuẩn bị mọi mặt, nên khi thời cơ chiến lược đến, quân và dân Bình Thuận đã nhanh chóng tiến lên phối hợp với bộ đội chủ lực đập tan hoàn toàn bộ máy chính quyền, quân đội và cảnh sát của địch giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Thuận vào ngày 19/4/1975 (trừ đảo Phú Quý).

Như vậy, về lý luận và nguyên tắc xây dựng căn cứ kháng chiến là những vấn đề chung, song do tình hình các mặt ở mỗi địa phương có sự khác nhau, nên căn cứ địa ở mỗi vùng miền cũng có những tính đặc thù của nó. Hệ thống căn cứ ở Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) đã chứng minh điều này, thể hiện sự sắc bén về mưu lược, trí tuệ của Tỉnh ủy Bình Thuận trong cuộc đọ sức với kẻ thù, trong vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, kinh nghiệm của cha ông để xây dựng căn cứ địa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa phương và thế trận của cuộc chiến tranh, như một biểu tượng sáng ngời về ý chí, nghị lực của con người Bình Thuận, thực sự là yếu tố quyết định đảm bảo cho thắng lợi từng bước của quân và dân Bình Thuận trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có thể khẳng định rằng, căn cứ kháng chiến - hậu phương tại chỗ không chỉ là một trong những thành công lớn, để lại dấu ấn hết sức sâu đậm và là một đóng góp xuất sắc của quân và dân Bình Thuận cho sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà những bài học kinh nghiệm của nó vẫn còn giá trị để tiếp tục nghiên cứu vận dụng trong cuộc xây dựng thế trận quốc phòng bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Thái Sơn

 


[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập II (1954-1975).

[2] Năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm chia tách huyện Tánh Linh thành 2 huyện: Tánh Linh và Hoài Đức thuộc tỉnh Bình Tuy, lấy sông La Ngà làm ranh giới, huyện Hoài Đức thuộc mãng Bắc, huyện Tánh Linh thuộc mãng sông La Ngà. Về phía cách mạng, năm 1962 do yêu cầu nhiệm vụ, tỉnh Bình Thuận tách huyện Tánh Linh thành 2 huyện: Tánh Linh và Hoài Đức trực thuộc tỉnh Bình Tuy, về địa giới thống nhất theo địa giới hành chính của địch.

[3] Bình Thuận 30 năm chiến tranh giải phóng, tập 2, Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, tr.123

[4] Bình Thuận 30 chiến tranh giải phóng, tập 2, Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Bộ Chỉ huy Quận sự tỉnh Bình Thuận, 1992, tr.251, 252.

[5] Bình Thuận 30 chiến tranh giải phóng, tập 2, Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Bộ Chỉ huy Quận sự tỉnh Bình Thuận, 1992, tr 301.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ