Từ đại hội đến đại hội - Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ IX

Bối cảnh lịch sử

Hơn 4 năm (1992 -1996) kể từ sau khi chia tách tỉnh, trên con đường đổi mới và phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đề ra, trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước đạt những thành tựu bước đầu rất quan trọng, mở ra vận hội, thời cơ mới, đồng thời cũng xuất hiện những khó khăn, thách thức lớn.

Trong điều kiện tỉnh mới vừa chia tách với bao khó khăn, thách thức, kết cấu hạ tầng yếu kém, liên tiếp bị hạn hán, lũ lụt; các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài cấu kết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Nhưng nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, Đảng bộ đã vận dụng phù hợp với điều kiện của tỉnh, cùng với sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đạt kết quả tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kết quả có ý nghĩa quan trọng là tốc độ tăng trưởng liên tục với nhịp độ cao (12,8%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng thêm. Nhiều vấn đề xã hội được giải quyết tốt hơn. Bộ mặt xã hội tiếp tục đổi mới. Đời sống nhân dân nhìn chung được ổn định, số đông có cải thiện. Quốc phòng, an ninh chính trị được giữ vững. Hệ thống chính trị từng bước được củng cố, vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền được nâng lên, dân chủ xã hội được mở rộng, niềm tin vào Đảng và công cuộc đổi mới được nâng lên. Những thành quả trên đã tạo thêm thế và lực mới, tạo điều kiện thuận lợi cho thời kỳ phát triển tiếp theo.

Tuy vậy, thực trạng kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều yếu tố chưa vững chắc, trình độ sản xuất lạc hậu, tích lũy nội bộ còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Bình Thuận vẫn còn là một tỉnh nghèo. Một số vấn đề xã hội chuyển biến còn chậm. Trật tự an toàn xã hội có mặt chưa tốt; kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Sự lãnh đạo của Đảng chưa theo kịp yêu cầu mới. Hiệu lực quản lý, điều hành chưa cao. Trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ còn yếu, thiếu đồng bộ; một bộ phận còn yếu kém.

Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh đang còn những khó khăn, yếu kém cần khắc phục, song những thành tựu về kinh tế - xã hội giành được trong thời gian qua đã tạo ra những tiền đề cần thiết để cùng cả nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới – Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thời gian, địa điểm tiến hành Đại hội lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ IX diễn ra từ ngày 25 đến 27/4/1996 tại thị xã Phan Thiết. Tham dự đại hội có 348 đại biểu chính thức đại diện cho 9.477 đảng viên sinh hoạt trong 469 chi, đảng bộ cơ sở trong tỉnh. Dự Đại hội có 348 đại biểu đại diện cho 9.447 đảng viên sinh hoạt ở 469 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn tỉnh. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 1996 – 2000 gồm 43 đồng chí. Ban chấp hành bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí. Đồng chí Đinh Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khóa IX. Đồng chí Nguyễn Quang Tưởng được bầu làm Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đồng chí Đặng Văn Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh được bầu lại làm Phó Bí thư. Đại hội bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII gồm 12 đồng chí và 1 đại biểu đương nhiên.

Đại hội đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII; rút ra những bài học kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo; đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp nhiệm kỳ 1996 – 2000 và bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX. Đại hội xác định phương hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong 5 năm (1996 – 2000) là: “Tập trung phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, hiệu quả hơn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải tiến cơ cấu sản xuất lạc hậu, từng bước khắc phục các yếu tố thiếu vững chắc, nâng cao tích lũy từ nội bộ của nền kinh tế, tạo sự chuyển biến tốt hơn các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, giữ vững kỷ cương, tạo tiền đề phát triển vững chắc thời kỳ sau năm 2000”.1 Chỉ tiêu đến năm 2000 phấn đấu đưa nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân 15% hàng năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 85 triệu USD, sản lượng lương thực 350.000 tấn, tỷ lệ huy động vào ngân sách 15 – 16% so với GDP. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng và xây dựng Đảng cũng được Nghị quyết đại hội đề ra chỉ tiêu cụ thể.


Các tin khác