Từ đại hội đến đại hội - Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ VI

Bối cảnh lịch sử

Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội V của Đảng. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ, phương hướng, mục tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội 1981-1985. Đại hội đã phê phán tư tưởng nóng vội, bảo thủ và điều chỉnh một bước về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, xác định chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

Kỳ họp thứ I HĐND thị xã Phan Thiết khóa II

Nội dung chính của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường trước mắt là: “Tập trung phát triển, đẩy mạnh nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng trong một cơ cấu công nông nghiệp hợp lý…”. Đặc biệt, Đại hội nhấn mạnh việc xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, coi đó là vấn đề có ý nghĩa quyết định để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trên.

Thời gian, địa điểm tiến hành Đại hội lần thứ VI

Từ tình hình đó, từ ngày 03 đến ngày 07/3/1983, tại thị xã Phan Thiết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thuận Hải lần thứ III (nay tính là Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận) được tiến hành. Dự Đại hội có 392 đại biểu thay mặt cho 8.599 đảng viên trong tỉnh. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 đồng chí (41 chính thức, 4 dự khuyết), Ban Thường vụ 13 đồng chí. Đồng chí Lê Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng khóa V được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Đệ được bầu lại làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Trần Ngọc Trác được bầu lại làm Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đại hội kiểm điểm quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ V, quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V. Đại hội Đảng bộ lần thứ VI đã đánh giá tình hình chung là: Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã thu được nhiều thành tích trên mặt trận sản xuất, trong đó đã trang trải được nhu cầu lương thực cho gần một triệu dân trong tỉnh và từ năm 1980 đã làm nghĩa vụ lương thực với Trung ương. Về nông nghiệp, tỉnh sớm tiến hành thực hiện chính sách ruộng đất và cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, đưa nông dân vào làm ăn tập thể, cùng với các biện pháp kỹ thuật, thủy lợi, đã đưa sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện; điều chỉnh, phân bố lại lao động, khai hoang phục hóa và định canh, định cư cho trên 10 vạn người và đẩy mạnh chăn nuôi. Các ngành lâm- ngư- công và tiểu thủ công nghiệp đều đạt những thành tích nhất định. Ngành giao thông - vận tải, bưu điện, công tác phân phối lưu thông có phần tiến bộ. Tỉnh Thuận Hải đã căn bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp; tích cực cải tạo đối với các ngành nghề khác như nghề cá, công thương nghiệp tư bản tư doanh. Công tác củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thu được thắng lợi lớn. Trên mặt trận văn hóa, giáo dục cũng đạt một số tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể có bước trưởng thành rõ rệt. Bên cạnh mặt đạt được, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI cũng nhận thấy: Nền kinh tế- xã hội trong tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn gay gắt,, mất cân đối nghiêm trọng về nhiều mặt. Thực trạng kinh tế năng suất còn thấp, chất lượng sản phẩm còn yếu, sử dụng máy móc phục vụ sản xuất hiệu quả còn thấp. Công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa còn nhiều tồn tại, nhất là trong cải tạo tiểu thương và quản lý thị trường còn yếu. Công tác củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội cũng còn thiết sót. Hoạt động giáo dục, văn hóa, y tế còn một số yếu kém cần khắc phục. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể còn bộc lộ nhiều khuyết nhược điểm.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đề ra mục tiêu tổng quát trong những năm 1983 - 1985 là: ra sức tăng cường lãnh đạo của đảng bộ các cấp, phát huy hiệu lực quản lý của chính quyền và vai trò làm chủ của nhân dân lao động; đẩy mạnh sản xuất lưu thông, kết hợp chặt chẽ với sắp xếp lại sản xuất và cải tạo quan hệ sản xuất, cải tạo thị trường, đổi mới công tác quản lý kinh tế, tự lực là chính, kết hợp với sự giúp đỡ của Trung ương, đưa nền kinh tế tỉnh từ sản xuất nhỏ từng bước tiến vững chắc lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, trước hết là đưa nông nghiệp một bước tiến lên sản xuất lớn, kết hợp ngay từ đầu công nghiệp với nông nghiệp trong cơ cấu thống nhất, với quy mô, hình thức, nhịp độ phù hợp đặc điểm tình hình trong tỉnh. Phát triển giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội. Đồng thời, ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát triển phòng tuyến an ninh nhân dân, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, làm tốt nghĩa vụ quốc tế (trực tiếp là chi viện có hiệu quả tỉnh Preah Vihear kết nghĩa). Đại hội đề ra các mục tiêu chủ yếu:

1- Tăng sản phẩm xã hội, tăng sản phẩm xuất khẩu, giải quyết tốt hơn các nhu cầu thiết yếu nhất của đời sống, mức tăng sản phẩm xã hội hàng năm từ nay đến năm 1985 bình quân 7%; về lương thực năm 1985, bình quân đầu người đạt 300kg.

2- Tiết kiệm tiêu dùng, tăng tích lũy để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện Nhà nước và nhân dân cùng làm. Phấn đấu thu ngân sách Nhà nước đạt bình quân hàng năm từ 20 đến 25% thu nhập quốc dân.

3- Tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các ngành kinh tế; phấn đấu đến năm 1985 có 90% số hộ nông dân tham gia làm ăn tập thể (chủ yếu là hợp tác xã) và thương nghiệp xã hội chủ nghĩa nắm trọn bán buôn và chi phối 60% bán lẻ.

4- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng tuyến an ninh nhân dân, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

5- Tiếp tục cuộc vận động xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Thuyền đánh cá của ngư dân Phan Thiết neo đậu ở cửa sông Cà Ty đầu những năm 80 - thế kỷ 20
Thuyền đánh cá của ngư dân Phan Thiết neo đậu ở cửa sông Cà Ty đầu những năm 80 - thế kỷ 20

 


Các tin khác