Giám sát việc khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”

Ngày 26/5/2020, Đoàn giám sát (theo Quyết định số 2008-QĐ/TU, ngày 26/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) do đồng chí Hồ Trung Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã làm việc với Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh và đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình khắc phục những hạn chế, thiếu sót qua kết luận kiểm tra năm 2018 về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới đến năm 2025.

Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Anh Khải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Qua buổi làm việc cho thấy, với sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và kịp thời của Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của Hội và ngành Nông nghiệp qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TU đã đạt được một số kết quả khả quan. Công tác tuyên truyền ngày càng được nâng cao về nội dung và hình thức, được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ, sâu rộng, có bước đi, cách làm phù hợp tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Bình Thuận. Công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; công tác tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, cơ giới hóa, gắn với ứng dụng công nghệ cao vào bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng trên cơ sở khai thác, phát huy sản phẩm nông nghiệp lợi thế từng vùng, miền được quan tâm thực hiện. Đã tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn toàn xã hội, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. 

Đối với đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp thu và chỉ đạo việc học tập, triển khai quán triệt, thực hiện nghị quyết của trung ương và của tỉnh; cùng tập thể lãnh đạo Sở chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp người nông dân.

Tập thể Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh và cá nhân người đứng đầu Sở đồng thời đã chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách liên quan như: Tăng trưởng nông nghiệp và dịch chuyển cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng chưa thực sự bền vững; tốc độ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm nông nghiệp diễn ra chậm. Chất lượng một số sản phẩm nông nghiệp chưa cao; tính cạnh tranh còn thấp. Công tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn hạn chế; huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp còn gặp khó khăn. Công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn sâu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chưa chủ động, nhạy bén nắm bắt tình hình, dự báo nhu cầu thị trường, giá cả nông sản, do đó việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xuất khẩu thanh long, cao su còn gặp khó khăn, thiếu ổn định. Việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 còn gặp lúng túng nhất định, thu nhập, đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng mô hình liên kết hợp tác sản xuất nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng, miền và sản phẩm lợi thế cũng như huy động các doanh nghiệp tham gia hoạt động tư vấn, hỗ trợ, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân chưa được phát huy đúng mức. Việc bồi dưỡng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp ở địa phương.

Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định, đồng chí Hồ Trung Phước - Trưởng Đoàn Giám sát đã đề cập một số vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới, đó là:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 11/01/2017 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 đến với mọi đối tượng nông dân; chú trọng vùng sâu, ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

- Tiếp tục củng cố và phát triển các hình thức hợp tác sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao; gắn với tích cực vận động các doanh nghiệp liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ, bao tiêu nông sản, giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp và hội nhập quốc tế.

- Chủ động nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời phối hợp giải quyết hoặc kiến nghị, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời các bức xúc xã hội, các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, đời sống của nông dân.

- Coi trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả việc xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến, sản xuất, kinh doanh giỏi; đồng thời, chủ động giới thiệu, phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, báo chí tuyên truyền biểu dương, nhân rộng học tập trong xã hội để cổ vũ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh trong hội viên, nông dân.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 11/01/2017 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đến năm 2025; phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh.


Các tin khác