Họp góp ý dự thảo Tài liệu dạy và học lịch sử địa phương trong các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh

Vừa qua, tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Đề án “Nghiên cứu, biên soạn Tài liệu dạy - học lịch sử địa phương trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” đã họp nghe và cho ý kiến về dự thảo nội dung tài liệu. Đồng chí Huỳnh Thái Dương - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Thị Toàn Thắng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ biên soạn.

Sau khi nghe các đồng chí dự họp phát biểu ý kiến, đồng chí chủ trì kết luận: Tổ biên soạn đã có nhiều cố gắng để biên soạn, hoàn thành dự thảo Tài liệu. Tuy nhiên, dự thảo tài liệu này còn nhiều sai sót về nội dung, câu chữ, từ ngữ; việc bố trí từng chủ đề cũng chưa hợp lý; một số nội dung cần phải bổ sung cho dầy đủ và cập nhật thông tin, tư liệu, hình ảnh cho đảm bảo yêu cầu của tài liệu. Trên cơ sở các ý kiến đã tham gia phát biểu, góp ý tại cuộc họp, đề nghị Tổ biên soạn tiếp thu để điều chỉnh, bổ sung cho nội dung tài liệu đầy đủ, hợp lý hơn. Phần Lời nói đầu: cần bổ sung, thay đổi một số câu, từ để đảm bảo chặt chẽ, logic; kết cấu lại hình thức tiêu đề cho phù hợp với mục đích, ý nghĩa của tài liệu. Phải phiên âm tiếng nước ngoài, tiếng đồng bào dân tộc ít người, hạn chế sử dụng từ Hán - Việt; giải thích, chú thích một số từ, thuật ngữ lịch sử, địa danh, địa phương thuộc thời kỳ trước mà nay ít xuất hiện trên các loại hình sách báo; có trích dẫn tài liệu tham khảo cụ thể đối với nội dung đã sử dụng từ nguồn tài liệu khác. Cần thống nhất cách viết chữ in hoa (không in hoa) đối với các địa danh, tên riêng, nhân vật lịch sử, địa phương…; cách viết ngày, tháng, năm các sự kiện, diễn biến lịch sử, quyết định, nghị định và các văn bản lịch sử liên quan. Thống nhất cách viết đơn vị đo lường trên đất liền, trên biển; đơn vị tính diện tích, chu vi, số lượng…; bổ sung, thay thế, cập nhật thông tin mới, thiết kế lại hình ảnh, cập nhật công trình, số liệu mới để phù hợp với nội dung từng chủ đề. Nghiên cứu, điều chỉnh nội dung cho chính xác, không để sai sót, đảm bảo tính khoa học lịch sử và chủ trương, quan điểm của Đảng. Điều chỉnh lại bố cục và nội dung của các chủ đề cho phù hợp với kết cấu của Tài liệu gồm 10 chủ đề; có mục lục; chú thích từ ngữ, trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo…

Cuộc họp lần này nhằm đánh giá kết quả, tiến độ triển khai thực hiện theo Kế hoạch số 02-KHLT/BTGTU-SGD&ĐT, ngày 23/4/2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Giáo dục - Đào tạo về việc xây dựng Đề án trước khi hoàn chỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Sau khi hoàn thành và đưa vào triển khai trong toàn tỉnh sẽ cung cấp cho giáo viên, học sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh những tư liệu cơ bản trong việc dạy - học lịch sử địa phương theo chương trình Bộ Giáo dục & Đào tạo ấn hành nhằm củng cố niềm tin và nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


Các tin khác