Bình Thuận: Tổ chức tập huấn Cán bộ quản lý cấp tỉnh thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" năm 2020

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (tiếng Anh là One commune, one product- viết tắt là OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Tại Bình Thuận, ngày 17/6/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận năm 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030 với 03 mục tiêu chính: (1) Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; (2) Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển thành phần kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn; (3) Góp phần thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn bền vững. Trên cơ sở đó, tỉnh đồng thời ban hành kế hoạch số 3100/KH-UBND, ngày 21/8/2019 triển khai Đề án này.

Qua hơn 1 năm thực hiện, tỉnh đã có các hoạt động bước đầu triển khai Đề án. Để Chương trình OCOP trong thời gian tới đạt hiệu quả, trong hai ngày 18-19/6/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tập huấn cán bộ cấp tỉnh về chương trình OCOP nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý hiểu về mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP, hiểu rõ bản chất của chương trình, nắm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện Chương trình để từ đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Tham gia tập huấn, đội ngũ cán bộ quản lý của tỉnh được cung cấp, tập huấn sử dụng Bộ  tài liệu tuyên truyền Chương trình OCOP, Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, việc tổ chức Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và trao đổi, thảo luận đối với các tài liệu tuyên truyền. Bên cạnh đó, thông qua việc liên hệ thực tế giúp cho học viên có cái nhìn rõ về thực trạng, các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình tại địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhấn mạnh: Một trong những nội dung quan trọng của Đề án OCOP tỉnh Bình Thuận là đào tạo cho hệ thống OCOP các cấp trên địa bàn tỉnh, ứng dụng KHCN, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và định hướng du lịch. Tỉnh xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dụng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Hội nghị tập huấn đã góp phần nâng cao năng lực quản lý của các cán bộ quản lý, tham gia chương trình OCOP của tỉnh Bình Thuận để có thể hỗ trợ cùng Sở NN&PTNT, Sở KH&CN và các sở ngành liên quan tham gia và triển khai thực hiện hiệu quả các khâu của Chương trình OCOP tại địa phương.


Các tin khác