Bình Thuận xây dựng phương án đáp ứng với cấp độ 2 dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh

Nhằm phát hiện sớm, cách ly triệt để trường hợp nghi nhiễm Covid-19, khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong. Hạn chế, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Ngày 18/8/2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành phương án đáp ứng với cấp độ 2 dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

 

Theo đó, đến nay, tỉnh Bình Thuận đã liên tiếp 158 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm COVID-19. Hiện nay, số trường hợp đang cách ly tập trung tại cơ sở điều trị và cơ sở cách ly tập trung là 09 trường hợp, tất cả đều sức khỏe ổn định. Trong đó: Cách ly tại cơ sở điều trị: 07 trường hợp, bao gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh: 01 trường hợp; Trung tâm Y tế Tánh Linh: 04 trường hợp; Trung tâm Y tế Hàm Tân: 01 trường hợp;  Trung tâm Y tế Tuy Phong: 01 trường hợp. Cách ly tại cơ sở cách ly tập trung: 02 trường hợp (tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Hàm Thuận Nam).

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ, kết quả đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào tỉnh Bình Thuận là hoàn toàn có thể do:

- Khách du lịch, người lao động về từ vùng có dịch, có sự gia tăng đi lại giữa các khu vực trong nước. Sự lây nhiễm thứ phát của các trường hợp bệnh
đã ghi nhận tại các địa phương.

- Bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ngăn ngừa xâm nhập trường hợp bệnh, phòng chống lây truyền tại cộng đồng.

- Bình Thuận là tỉnh có các khu du lịch, khu công nghiệp, các dự án nhiệtđiện…có công dân, du khách đi đến từ vùng có yếu tố dịch tễ đến làm việc, tham quan và du lịch. Do vậy nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập, lây lan vào
tỉnh là rất cao.

Do vậy, UBND tỉnh xây dựng phương án như sau:

1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Thường trực phòng, chống dịch bệnh 24/24 giờ để theo dõi sát diễn biến, đánh giá tình hình dịch bệnh hàng ngày, tham mưu kịp thời với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh các biện pháp phòng, chống dịch để nhận được chỉ đạo kịp thời.

- Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương huy động nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp thường trực chỉ đạo, huy động nguồn lực, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
- Rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của các địa phương để chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch. Trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, UBND tỉnh sẽ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch để có hỗ trợ kịp thời.

- Vận động sự trợ giúp của quốc gia, các tỉnh bạn cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại tỉnh.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch của các địa phương, đơn vị.

- Thường xuyên đánh giá hiệu quả các biện pháp đáp ứng để điều chỉnh phương án phù hợp với tình hình thực tế.

2. Công tác giám sát, dự phòng

- Triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra và theo dõi chặt
chẽ các trường hợp tiếp xúc.

- Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp có yếu tố dịch tễ liên quan tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng, gửi mẫu
xét nghiệm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp có yếu tố dịch tễ liên quan, xét nghiệm để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng.

- Giám sát, theo dõi hàng ngày tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc gần với những trường hợp có sốt, ho, khó
thở về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối; hướng dẫn người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe và khai báo cho cơ quan y tế khi có
dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; chủ động nắm thông tin về tình hình sức khỏe của người tiếp xúc gần hàng ngày thông qua điện thoại hoặc trực tiếp. Cách ly ngay những trường hợp mắc bệnh/ nghi ngờ mắc bệnh và lấy mẫu xét nghiệm.

- Tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách đi về từ vùng có dịch bệnh tại các khu du lịch, khu công nghiệp, các dự án nhiệt điện… nhằm phát hiện các trường hợp sốt, nghi ngờ bệnh, đặc biệt lưu ý các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan.

- Đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để không để bùng phát dịch trong cộng đồng.

- Tăng cường giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng tại các cơ sở khám chữa bệnh để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

- Tiếp tục cập nhật và tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch Covid-19 cho tuyến dưới tại từng địa phương.

- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế; thực hiện kích hoạt các đội đáp ứng nhanh hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.
- Thường xuyên cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, chẩn đoán, xử lý ổ dịch; đánh giá rút kinh nghiệm về hiệu quả các biện pháp đã triển khai để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn có liên quan của Bộ Y tế để kịp thời chia sẻ thông tin, tham vấn về dịch tễ của bệnh, hoạt động giám sát, phương pháp phát hiện, chẩn đoán, biện pháp xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân, cách ly và phòng, chống dịch bệnh phù hợp.

3. Công tác điều trị

- Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân phòng lây nhiễm cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia điều tra dịch tễ, lấy mẫu và vận chuyển bệnh phẩm, xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và những người liên quan khác không để lây nhiễm bệnh cho cán bộ y tế.

- Nghiêm túc bảo đảm tổ chức thường trực cấp cứu thường xuyên, liên tục; sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng theo quy định. Khu vực điều trị cách ly chia thành ba đơn nguyên: Khu vực người bệnh nghi ngờ, khu vực người bệnh đã được chẩn đoán xác định và khu vực lưu giữ người bệnh trước khi xuất viện.

- Sẵn sàng tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt ...) đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ vùng dịch trong vòng 14 ngày.

- Tất cả các bệnh viện phải có phương án vận chuyển người bệnh khi có chỉ định chuyển tuyến điều trị. Thực hiện chuyển tuyến theo phân tuyến điều trị khi người bệnh có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của Bệnh viện.
+ Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh nội trú (từ Bệnh viện tuyến huyện và tương đương): Có trách nhiệm bố trí khu vực cách ly tối thiểu 10 giường bệnh để tiếp nhận người bệnh nghi ngờ mắc Covid-19; điều trị và quản lý, theo dõi cách ly triệt để tại chỗ khi có nghi ngờ mắc Covid-19.

+ Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh:

Bố trí khu vực cách ly để thu dung điều trị tối thiểu có 20 giường bệnh điều trị Covid-19. Khi có ngưòi bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hoặc Bệnh viện Phổi tuyến tỉnh. Khi người bệnh có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của Bệnh viện sẽ chuyển tới bệnh viện tuyến cuối theo phân tuyến điều trị. Tất cả các Bệnh viện phải lập phương án di chuyển bệnh nhân đến Khu vực điều trị cách ly tập trung của tỉnh.

- Luôn chủ động sẵn sàng chuẩn bị phương án, nguồn lực để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát.

- Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, người nhà người bệnh về các biện pháp phòng hộ cá nhân (sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên,...); và cho cán bộ y tế về quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng hộ cá nhân.

- Huy động nguồn nhân lực, vật lực (trang thiết bị, thuốc, vật tư …) cho các đơn vị điều trị bệnh nhân. Đề xuất hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, nhân lực từ tuyến trên khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

4. Công tác truyền thông

- Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí, cộng đồng.
- Thường trực hoạt động đường dây nóng (Sở Y tế: 0967881818; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: 0941056360) để tiếp nhận, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.

- Khi cần thiết tổ chức họp báo để cung cấp thông tin và định hướng đưa tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch.
- Tuyên truyền kịp thời, chính xác trên các phương tiện truyền thông, các cơ quan báo chí trong tỉnh, về tình hình dịch bệnh để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, không gây hoang mang trong nhân dân.

- Cập nhật, bổ sung các thông điệp truyền thông, các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp tình hình dịch bệnh; phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
- Đẩy mạnh truyền thông trực tiếp, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở điều trị và cộng đồng: Hướng dẫn người có tiền sử đi từ vùng dịch về tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, cung cấp số điện thoại để nếu có dấu triệu chứng bệnh trong vòng 14 ngày sẽ thông báo ngay; truyền tải các thông điệp khuyến cáo phòng chống lây nhiễm trong cơ sở điều trị và cộng đồng.

- Thực hiện quản lý các tin đồn về tình hình dịch bệnh ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin phóng đại, thông tin sai, không chính xác về tình hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng.

5. Công tác hậu cần

- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch, chuẩn bị bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

- Đảm bảo kinh phí cho việc cấp cứu, thu dung, điều trị người bệnh. Thực hiện chính sách cho các cán bộ thực hiện công tác điều tra, xác minh ổ dịch, thường trực phòng chống dịch và cán bộ thực hiện thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

- Triển khai kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch.

- Rà soát số lượng hiện có và xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch trong
trường hợp dịch lan rộng, kéo dài.

- Xây dựng phương án tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị từ các nguồn hợp pháp.

- Xem xét việc áp dụng các chính sách miễn giảm chi phí cho các trường hợp bắt buộc phải điều trị, cách ly khi dịch bệnh xảy ra.

6. Công tác phối hợp

- Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương trong tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống nhằm
xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế để tham vấn chuyên môn, đề xuất hỗ trợ trong xử lý các cấp độ dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh giúp UBND tỉnh chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, chỉ đạo của Chính phủ và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế.Chỉ đạo, điều hành phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid- 19 trên toàn tỉnh nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện tốt
phương án đề ra.

Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh các phương án, chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất phòng, chống dịch Covid-19. Làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, tổng hợp thông tin báo cáo tình hình dịch cho Bộ Y tế,Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

 


Các tin khác