Bình Thuận: kết quả 05 năm thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI)

       Ngày 29/11/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI). 

       Qua 5 năm triển khai thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217 và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, Mặt trận, đoàn thể các cấp đã tổ chức nhiều Hội nghị để quán triệt, triển khai thực hiện và tập huấn các nội dung Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp. Một số kết quả thực hiện như sau:

        Kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị

        Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã đề xuất, kiến nghị 2.961 nội dung nhằm góp phần xây dựng, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Qua tổng hợp, đến nay đã có 2.393/2.961 (đạt 80,81%) nội dung kiến nghị sau giám sát đã được giải quyết. Số kiến nghị còn lại đang được các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo giải quyết.

        Kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 218 của Bộ Chính trị

       Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức 472 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân (trong đó, cấp tỉnh thực hiện được 04 cuộc, cấp huyện 76 cuộc, cấp xã 394 cuộc). Đối với cấp tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại với nhân dân Thành phố Phan Thiết (năm 2016), đối thoại với nhân dân huyện Tuy Phong (năm 2017) và với nhân dân thị xã La Gi (năm 2018), tập trung vào các chủ đề về công tác quản lý quy hoạch, sử dụng đất, xây dựng, bảo vệ môi trường, quản lý trật tự an toàn xã hội, việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ....;  Qua tổng hợp, đến nay đã có 3.783/4.130 (đạt 91,59%) ý kiến tiếp thu tại các buổi đối thoại đã được giải quyết.

       Tuy nhiên việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhìn chung còn lúng túng, chất lượng chưa cao; việc theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của chủ thể giám sát đối với đối tượng được giám sát chưa thật sự chú ý. Công tác phản biện xã hội còn nhiều hạn chế, chủ yếu thực hiện thông qua hình thức góp ý kiến. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế là: công tác quán triệt, tuyên truyền các Quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị và các văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ở một số địa phương, đơn vị chưa thật sự thường xuyên, sâu kỹ và rộng rãi trong quần chúng nhân dân; năng lực, kỹ năng thực hiện giám sát, phản biện xã hội nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu; tính chủ động của tổ chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và đoàn viên, hội viên, nhân dân trong việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa cao, chủ yếu thực hiện việc góp ý khi được cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị yêu cầu.

       Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Dương Văn An - Phó Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả sau 05 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW và các quyết định của Tỉnh ủy; đồng thời yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt Quyết định của Trung ương và Tỉnh ủy, trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm:

       Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền việc thực hiện Quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu, kỹ hơn nữa về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, vai trò của tổ chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đa dạng hơn nữa các hình thức tuyên truyền, nhất là trong sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở;

       Nghiên cứu, nắm chắc các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về trách nhiệm, nội dung, phương pháp, quy trình thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tiếp tục đưa nội dung bồi dưỡng kỹ năng, quy trình, phương pháp giám sát, phản biện xã hội vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ định kỳ của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp;

       Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực, chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, đề xuất cấp ủy định hướng và triển khai kế hoạch thực hiện giám sát, phản biện xã hội; chú ý khắc phục các hạn chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc giám sát, phản biện xã hội; thường xuyên theo dõi kết quả giải quyết các đề xuất, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, đối thoại với nhân dân để phản ánh các cơ quan, các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời. Chú ý xây dựng, phát huy các Hội đồng tư vấn và xây dựng lực lượng cộng tác viên, chuyên gia nhằm giúp nghiên cứu chuyên sâu các nội dung giám sát, phản biện xã hội;

       Các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc cung cấp thông tin, công khai về hoạt động, quy chế làm việc của tổ chức, nội dung các dự thảo văn bản hoặc các đề án, dự án cần phản biện và tích cực phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền./.

 


Các tin khác