CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC TA

  • /
  • 12.5.2011 - 0:0

Những ngày đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và bảo vệ chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải xúc tiến việc bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta, lúc đầu được dự kiến là ngày 23-12-1945. Song để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật, 6-1-1946.

Các quy định trong các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên thể hiện rõ các nguyên tắc tự do bầu cử, ứng cử của công dân. Những nguyên tắc về bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín được quy định rất cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, dễ nhớ. Do vậy, mặc dù có những hy sinh, mất mát nhưng cuộc bầu cử đã thắng lợi hoàn toàn. Cả nước đã có 89% cử tri đi bỏ phiếu. Với tổng số đại biểu: 403, có 333 đại biểu được dân bầu, 70 đại biểu không qua bầu cử, trong đó có 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mạng đồng minh hội và 50 đại biểu thuộc Việt Nam quốc dân đảng.

 

Thành phần xã hội trong Quốc hội khoá I như sau:

+ Trí thức:                  61%

+ Công kỹ nghệ gia:    0,6%

+ Buôn bán:               0,5%

+ Thợ thuyền:            0,6%

+ Nông dân:               22%

 

Về tuổi tác: 

+ Đại biểu từ 18 đến 25 tuổi: 0,7%

+ Đại biểu từ 26 đến 40 tuổi: 70%

+ Đại biểu từ 41 đến 50 tuổi: 18%

+ Đại biểu từ 51 đến 70 tuổi: 0,5%

 

Quốc hội khóa I là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới. 

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của thể chế chính trị ở Việt Nam, đó là thời kỳ nước ta có một Quốc hội dân tộc thống nhất, một Chính phủ liên hiệp kháng chiến có đầy đủ tư cách pháp lý đại diện cho nhân dân toàn quốc đảm đương nhiệm vụ đối nội và đối ngoại.

 

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

 

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đập tan âm mưu đen tối của các thế lực phản động âm mưu tiêu diệt cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

 

Đánh giá về cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, đồng chí Nông Đức Mạnh nguyên Chủ tịch Quốc hội đã từng nói: Cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời, đấy chính là kết quả của sự gắn bó máu thịt và niềm tin sắt đá của các tầng lớp nhân dân trong cả nước đối với Đảng, Bác Hồ và chính quyền còn non trẻ của chúng ta, là mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

                                                                                                                                           

                                                                                                                                             Lê Thị Phương


  • |
  • 711
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT