Tỉnh Bình Thuận đã tổ chức kết nối đến 11 điểm cầu (1 điểm cầu trung tâm và 10 điểm cầu ở các huyện, thị xã, thành phố) với hơn 500 đại biểu là báo cáo viên cấp tỉnh, lãnh đạo ban tuyên giáo, tuyên huấn các huyện, thị thành ủy, đảng ủy trực thuộc; Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội tỉnh. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hòa – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm.
Báo cáo đề dẫn, đồng chí Đoàn Văn Báu, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ mục đích của buổi tọa đàm là nhằm đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Báo cáo số 244-BC/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 12/9/2018 về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” làm cơ sở để chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng (Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 340-QĐ/TW ngày 03/12/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa X); đồng thời, tiến hành rà soát, sửa đổi, ban hành Quy chế hoạt động báo cáo viên của Đảng khóa XIII (để thay Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 518-QĐ/BTGTW, ngày 10/11/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương).
Có 10/14 tham luận được đại biểu tham dự tại các điểm cầu phát biểu trực tiếp tại buổi tọa đàm xoay quanh những thuận lợi, khó khăn, những kinh nghiệm hay và các giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở các cấp trong thời gian tới, như: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên quân đội trong tình hình hiện nay”; “Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của thường trực cấp ủy - yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”; “Xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, làng, tổ dân phố góp phần đưa thông tin về cơ sở - kinh nghiệm của tỉnh Gia Lai”; “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ làm công tác tuyên truyền miệng ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội trong tình hình mới”; “Vai trò của công tác tuyên truyền miệng trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Cà Mau”; “Một số giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của Đảng bộ tỉnh Thái Bình trong thời gian qua”; “Nâng cao chất lượng công tác định hướng tư tưởng gắn với phản bác quan điểm sai trái thông qua công tác tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên ở thành phố Hồ Chí Minh”; “Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên các cấp ở tỉnh Đồng Tháp”; “Vai trò của các cấp ủy đảng Thủ đô Hà Nội trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên: Bài học và phương hướng trong thời gian tới”; “Đánh giá chất lượng công tác cung cấp thông tin (Hội nghị Báo cáo viên và Bản tin Báo cáo viên) của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”…
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng, đặc biệt là kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư (khoá X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Thông qua Toạ đàm, tiếp tục làm rõ và khẳng định vị trí, vai trò của công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng; nêu rõ thực trạng, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Thời gian tới, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng các cấp cần chủ động đổi mới về nội dung, phương pháp tiến hành; tiếp tục cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức; cấp uỷ các cấp cần quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện về điều kiện làm việc, chế độ thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, nhấn mạnh các ý kiến tham luận sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để nghiên cứu xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng, để từ đó có những tham mưu về chủ trương, cơ chế chính sách, phụ cấp cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền trong tình hình mới.