Lễ hội Dinh Thầy Thím được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là dấu mốc quan trọng, góp phần phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của cộng đồng, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Đây là lễ hội được nhân dân địa phương duy trì gắn liền với lịch sử hình thành các tập quán liên quan đến tín ngưỡng thờ Thầy Thím hơn 130 năm qua cho đến ngày nay.
Dinh Thầy Thím tọa lạc tại thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, cách trung tâm thị xã La Gi khoảng 12 cây số về hướng Tây Bắc. Di tích dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27-9-1997.
Tên gọi Thầy Thím là cách gọi thể hiện sự tôn kính của nhân dân đối với hai vợ chồng người đạo sỹ tài đức, giàu lòng nhân ái đã có nhiều công lao cứu giúp người dân nghèo trong cuộc sống. Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Hàng năm tại dinh Thầy Thím tổ chức hai kỳ lễ hội có sức thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước đến thăm viếng: Lễ Tảo mộ Thầy Thím tổ chức vào ngày mùng 5 tháng giêng và lễ giỗ Thầy Thím diễn ra từ ngày 14 - 16 tháng chín Âm lịch. Trong lễ giỗ Thầy Thím diễn ra nhiều nghi lễ truyền thống nối tiếp nhau như: Nghinh thần, rước sắc phong và bằng công nhận di tích, lễ dâng hương, nhập điện an vị, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, thỉnh sanh, giỗ tiền hiền, cúng gia binh. Bên cạnh đó là phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian và hoạt động văn hóa thu hút người xem như: Thi đấu cờ người, thi làm bánh, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, kéo co, giải việt dã, giải bóng chuyền bãi biển, biểu diễn lân - sư - rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình nghệ thuật dân tộc.