Vĩnh biệt nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Mai

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Phạm Thị Mai – người bị địch cưa chân đến 3 lần, sau thời gian lâm bệnh đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 77 tuổi. Có cơ hội được gặp bà nhiều lần khi còn sống, từng câu chuyện về kí ức hào hùng qua lời kể của bà lại hiện lên trong tâm trí tôi như mới hôm qua. Bà mãi là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, biểu tượng của ý chí kiên định, tinh thần bất khuất trong lòng người dân Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.

Nguyên Phó Chủ tịch nước - Thiếu tướng Nguyễn Thị Định và đồng đội đến thăm động viên bà “Tám Tiệm” sau chiến tranh.

14 tuổi đã tham gia cách mạng

Lần đầu được gặp bà cách đây đã 10 năm, lần thứ 2 thì trực tiếp được làm phóng sự về bà, và lần mới đây nhất, khi nghe tin bà bệnh, tôi đã đến thăm. Lần nào cũng vậy, từng câu chuyện của bà, đều đưa tôi quay trở lại những năm tháng hào hùng của người con gái tuổi đôi mươi.

Bà đã kể rằng, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, nơi bà sinh ra, xưa là vùng chiến tranh ác liệt trong khu “Tam giác sắt” thuộc quận Thiện Giáo (Bình Thuận cũ). Từ những năm 1960, Mỹ - Ngụy tìm mọi cách kéo dân ra khỏi vùng căn cứ kháng chiến, lập nhiều ấp chiến lược với dây thép gai và mìn bao bọc quản chế dân trong vùng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1961 khi vừa tròn 14 tuổi bà Phạm Thị Mai đã tiếp bước cha, anh trở thành chiến sĩ xung phong tham gia vào lực lượng du kích mật tại địa phương. Lúc bấy giờ, bà có bí danh hoạt động cách mạng là “Tám Tiệm”, với nhiệm vụ chuyên liên lạc, vận chuyển vũ khí vào ấp chiến lược, tiếp tế thuốc men, thực phẩm cho cho cách mạng. Năm 17 tuổi, bà Tám Tiệm được cử làm Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Hàm Liêm. Khoảng thời gian này bà cũng là đội viên du kích mật Sông Nhị hoạt động khắp các vùng Hàm Chính, Hàm Hiệp và Hàm Liêm, tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, bắt sống được nhiều tên lính.

Tháng 2/1965, bà Phạm Thị Mai vinh dự được kết nạp vào Đảng. Đầu năm 1967, khi vừa tròn 20 tuổi, bà được cử làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hàm Liêm. Lúc này, phong trào chiến đấu đang nở rộ khắp chiến trường khu 6 và riêng Bình Thuận ngày một thêm nhiều chiến công trên mặt trận vũ trang, chính trị, binh vận.

3 lần bị địch cưa chân

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đến thăm Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Thị Mai

Tháng 12/1967, bà Tám Tiệm được phân công làm chính trị viên xã đội Hàm Liêm, chỉ huy du kích mật tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Ngày 8/3/1968, Tiểu đoàn 4 thuộc Sư đoàn 23 của địch điều từ Buôn Mê Thuột về mở chiến dịch càn quét “làm cỏ Việt cộng” Hàm Chính - Hàm Liêm. Đội du kích được lệnh rút vào căn cứ an toàn chỉ để lại 5 người, trong đó có bà Tám Tiệm ẩn nấp dưới căn hầm bí mật, bám trụ chiến đấu trong ấp chiến lược. Khi bị phát hiện, bọn địch bắn xối xả, tung lựu đạn vào miệng hầm. 4 đồng chí hy sinh, riêng bà Tám Tiệm sống sót và gan dạ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Còn hai quả lựu đạn, bà đã nhoài người quăng ra miệng hầm làm cho mấy tên lính chết. Sau trận đánh không cân sức, bà Mai bị thương nặng ở hai chân và bị địch bắt.

Nhớ lại giây phút đó, bà đã cho hay: “Chúng xộc vào hầm, đạp chân vào người tôi, thấy tôi còn ngắc ngoải, chúng reo hò, kéo tôi đưa lên xe và chở về phi trường tỉnh. Lúc đó, tôi cố gượng đưa tay sờ xuống chân, thấy máu ra nhiều quá. Khi tôi hồi tỉnh, chúng bắt đầu dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, mua chuộc. Chúng dùng gậy gỗ liên tục quật ngang người. Không khai thác được gì, chúng chuyển sang dụ dỗ. Chúng bảo: "Nếu cô khai ra cán bộ cách mạng, từ bỏ cách mạng thì chúng tôi sẽ cấp xe, nhà ở Phan Thiết, cho người phục vụ...". Tôi đã chửi thẳng vào mặt chúng: "Các ông có thể dùng xiềng xích tra tấn tôi đến chết, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ cách mạng". Không thể khuất phục được tôi, chúng chuyển xuống Bệnh viện Phan Thiết. Khi đôi chân đã bốc mùi, chúng lại lôi ra tra tấn, cắt chân tôi đến 3 lần, gần hết cả phần đùi rồi đưa tôi về giam cùng 5 chiến sĩ khác”.

Khoảng thời gian bị giam trong tù, mặc dù bị thương nặng, nhưng bà Phạm Thị Mai đã cùng với đồng đội của mình tổ chức các đợt đấu tranh chống lại sự tàn ác đối với tù nhân. Đỉnh điểm tháng 9/1969, nghe tin Bác Hồ mất, bà Tám tổ chức các chiến sĩ để tang và biến đau thương thành đợt sinh hoạt chính trị, đấu tranh cách mạng. Sau một thời gian, không khai thác được gì, tưởng bà bị cụt chân sẽ trở nên vô hại, nên tháng 12/1970, bà được địch thả tự do.

Thế nhưng, vừa ra khỏi nhà giam với vết thương chưa lành, bà đã bắt liên lạc ngay với cơ sở và tiếp tục vận động tập hợp đồng bào, du kích chiến đấu bảo vệ tự do ở từng xóm, ấp.

Không ngừng cống hiến trong thời bình

Từ sau giải phóng đến năm 1988, bà Tám được cán bộ, nhân dân của xã Hàm Liêm tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Chi bộ thôn 3, cán bộ Ban Quản lý Hợp tác xã Hàm Liêm, cán bộ Hội phụ nữ xã. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bà luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Mỗi khi trong xóm, thôn phát sinh mâu thuẫn, những tệ nạn xã hội, bức xúc của dân, bà tự mình đi xe lăn đến từng nhà để tìm hiểu, tuyên truyền vận động, làm cho mọi người hiểu rõ đúng, sai. Tấm gương về sự tận tụy của bà đã cảm hóa mọi người, trở thành trung tâm đoàn kết của cộng đồng dân cư, được nhân dân tin cậy. Và điều thật kỳ diệu, đó chính là trên đôi bàn tay còn lại, bà Mai đã cùng cấp ủy, nhân dân địa phương biến mảnh đất ngày xưa mà chiến tranh bom đạn đã cày xới, chất độc hóa học, khiến cỏ cây trơ trụi trở thành những đồng lúa, nương ngô, vườn thanh long đơm trái. Bà vẫn tiếp tục sống đẹp, không đòi hỏi gì ở nhà nước. Bà Mai trở thành nguồn động lực, tấm gương sáng để mọi người dân địa phương noi theo, đoàn kết, gắn bó, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Với những thành tích tự hào đó, năm 2000, bà Phạm Thị Mai được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Tuổi trẻ hôm nay trân trọng sự hy sinh và những đóng góp to lớn của người nữ anh hùng.

Hôm nay, viết câu chuyện về bà, tôi còn nhớ như in lời bà căn dặn: “Khó khăn, gian khổ lắm mới giành được độc lập. Vì vậy là người trẻ trong thời bình nên cố gắng phấn đấu để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.Một nén hương lòng tiễn Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Thị Mai về cõi vĩnh hằng. Bình Thuận tự hào sản sinh ra những người phụ nữ kiên trung như bà. Bà đã làm rạng danh quê hương. Bà mãi là tượng đài bất diệt về tinh thần cách mạng cho muôn đời sau. Xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để tiễn biệt người nữ anh hùng của quê hương Bình Thuận: “Có những lời hơn mọi bài ca/Có con người từ chân lý sinh ra. . .”


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ