Đẩy mạnh công tác tuyên truyền kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024)

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ giữ nước và dựng nước, biết bao người con đã chiến đấu hy sinh anh dũng, bao người trở về không còn lành lặn, mãi mãi mang thương tật trong mình để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Chiến tranh đã đi qua, những những hậu quả mà chiến tranh để lại vẫn còn hiện hữu.

Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đối với đất nước. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sỹ và thực hiện Chỉ thị Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là “Ngày Thương binh  - Liệt sĩ”. Kể từ đó, ngày 27 tháng 7 trở thành ngày đã trở thành một sự kiện chính trị và văn hóa quan trọng, có ý nghĩa tôn vinh, sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với công lao và sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ, thương binh trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta.

Nhằm tuyên truyền sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa của Ngày Thương binh  - Liệt sĩ; sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, chiến sĩ trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ngày 09/7/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Công văn số 2139-CV/BTGTU về tuyên truyền kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, với các nội dung trọng tâm:

(1) Tuyên truyền khẳng định ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội và giá trị nhân văn của Ngày Thương binh Liệt sĩ; trong đó, nhấn mạnh truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc; thể hiện lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Tôn vinh và khẳng định sự cống hiến, hy sinh của các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng là vô giá; việc chăm sóc các đối tượng này là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ hôm nay và mai sau. Khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn trân trọng và đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, luôn chú trọng giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn đối với các thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

(2) Tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng;  những thành tựu nổi bật trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng trong 77 năm qua, nhất là kết quả 18 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; 7 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”; trong đó, cần nhấn mạnh những kết quả nổi bật trong xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công; kết quả thực hiện chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đề cao và phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng,… Đồng thời, đấu tranh, phê phán những biểu hiện tiêu cực trong thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ và người có công; đề xuất, kiến nghị giải pháp thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

(3) Biểu dương những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng vượt khó vươn lên, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chung sức giúp đỡ các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống.

Ngoài nội dung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động theo Kế hoạch số 1234/KH-UBND, ngày 05/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sỹ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn triển khai các khẩu hiệu tuyên truyền như sau:

1- Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024)!

2- Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ!

3- Chung sức giúp đỡ người có công với cách mạng khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống!

4- Nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa!

5- Đảng bộ, chính quyền  và nhân dân Bình Thuận tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sỹ!

6- Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng!

7-  Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước!

8- Chăm lo thương binh, liệt sỹ, người có công là đạo lý, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam!

9- Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận luôn đời đời nhớ ơn các anh hùng - liệt sỹ, thương binh, người có công với nước đã xã thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!

Cùng với cả nước, trong các năm qua, tỉnh Bình Thuận thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng được các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như vận động toàn dân xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách gặp khó khăn; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; phụng dưỡng cha, mẹ liệt sĩ già yếu, neo đơn,…Những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh như: vấn đề xác nhận liệt sĩ, thương binh; chính sách ưu đãi đối với thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; chính sách chăm sóc sức khoẻ, cải thiện nhà ở, chế độ trợ cấp đối với một số đối tượng người có công với cách mạng… được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, giải quyết hiệu quả.


Các tin khác

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ