Ý nghĩa Ngày Gia đình Việt Nam 28/6

Gia đình luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ đất nước, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao những giá trị văn hóa, nhân văn. Những truyền thống quí báu của dân tộc, đã được các thế hệ nối tiếp nhau trong gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và không ngừng phát triển. Gia đình bao giờ cũng là tổ ấm, là môi trường đầu tiên nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) là một sự kiện văn hóa lớn được tổ chức không chỉ nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công tác gia đình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng xã hội, nồng cốt là xây dựng văn hóa gia đình hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc mà còn để tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn sâu sắc của Gia đình Việt Nam; biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong qúa trình triển khai thực hiện công tác gia đình; khuyến khích các gia đình tham gia rèn luyện, học tập góp phần xây dựng gia đình văn hóa, xã hội văn minh. Đây là dịp để các gia đình, địa phương giao lưu, chia sẽ kinh nghiệm trong xây dựng tổ ấm, nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục con trẻ, góp phần xây dựng và hoàn thiện “hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong tình hình mới”.

Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác gia đình, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, đề án mang tính chiến lược, tổng thể lâu dài như: Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức lối sống gia đình đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình Phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2025; Kế hoạch triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đến năm 2025;...

Các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa phương pháp tuyên truyền, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến xây dựng gia đình, đặc biệt Luật hôn nhân gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật trẻ em; cung cấp các kiến thức kỹ năng về xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; các chuẩn mực giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, dòng họ; biểu dương kịp thời và nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Công tác xây dựng gia đình văn hóa được lồng ghép vào các nội dung của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc Vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình dòng họ hiếu học”, “Gia đình nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo”... Qua triển khai thực hiện, phần lớn các gia đình trên địa bàn tỉnh đã phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của của giai đình Việt Nam; Phong trào xây dựng gia đình văn hóa vì thế ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Các câu lạc bộ, đội, nhóm của các địa phương duy trì tổ chức thường xuyên như câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, nhóm “Phòng chống bạo lực gia đình”...đã tạo điều kiện cho các gia đình được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Ngày Gia đình Việt Năm năm 2024 với chủ đề: “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”; Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6); theo đó các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tăng cường chia sẽ, quan tâm, gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình để cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.

Dịp này, tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức “Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam bộ lần thứ XIII” với sự tham gia của các gia đình đến từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Thuận; dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ ngày 11/7 đến ngày 13/7 tại Nhà thiếu nhi tỉnh. Các hoạt động của Ngày hội nhằm tôn vinh, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của gia đình Việt Nam nói chung và những nét giá trị văn hóa đặc trưng của gia đình Đông Nam bộ nói riêng, góp phần xây dựng và hình thành hệ giá trị gia đình trong tình hình mới. Hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, góp phần vào sự thịnh vượng của quốc gia./.


Các tin khác

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ