Bảo tồn và phát huy lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận

Katê là lễ hội lớn, có ý nghĩa quan trọng của cộng đồng người Chăm Bàlamôn. Lễ hội Katê phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Chăm Bàlamôn, thể hiện sự thành kính và biết ơn công lao của các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã tạo dựng, bảo bọc và chở che cho con cháu được khỏe mạnh, cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc; thể hiện khát vọng của cộng đồng luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 

Lễ hội Katê là nơi biểu hiện tinh thần đoàn kết, để mọi người trong cộng đồng hướng về cội nguồn, văn hóa truyền thống, tổ tiên; tăng cường mối tương thân tương ái, nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, nhân cách sống, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau.

Qua khảo sát thực tế, lễ hội Katê diễn ra tại các đền, tháp, nhà làng và các gia đình trong cộng đồng người Chăm Bàlamôn tại các địa phương trong tỉnh; kết hợp tổ chức phỏng vấn, tọa đàm với các chức sắc, tu sĩ, nghệ nhân, trí thức và các bậc cao niên người Chăm có am hiểu sâu rộng về lễ hội Chăm; đa số họ đều khẳng định đến thời điểm hiện nay, lễ hội Katê về cơ bản vẫn được gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn từ thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ, thành phần tham gia cúng lễ, trang phục của các chức sắc, phụ nữ, thanh niên, thiếu nữ Chăm, đối tượng thờ cúng, lễ vật dâng cúng… cho đến nội dung lời khấn trong từng nghi lễ của các chức sắc tham gia hành lễ hòa với nhịp điệu của tiếng đàn Kanhi và các bài thánh ca tạo nên một không gian linh thiêng, huyền ảo, cùng với các trò chơi dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống.

Lễ hội Katê là một trong 05 lễ hội đặc sắc của tỉnh được đưa vào Danh mục các lễ hội tiêu biểu của địa phương cần bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt ngày 04/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Xuất phát từ giá trị và ý nghĩa đó, việc xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận phục vụ phát triển du lịch” là vấn đề cấp thiết để các sở, ngành, địa phương phối hợp quan tâm hỗ trợ nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của Lễ hội Katê phục vụ sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Lễ hội Katê có quá trình hình thành, tồn tại từ lâu đời trong lịch sử và được duy trì cho đến ngày nay. Lễ hội Katê diễn ra hàng năm trong một không gian hết sức rộng lớn theo nghi thức truyền thống. Lễ hội Katê diễn ra trước tiên tại các đền, tháp, sau đó đến các làng Chăm, gia đình các vị sư cả, chức sắc và các gia đình người Chăm Bàlamôn tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết với những nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng theo phong tục tập quán có từ lâu đời của cộng đồng.

Lễ hội Katê hàng năm diễn ra từ cuối tháng 6 và kéo dài đến giữa tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch), tại các đền, tháp; Lễ hội Katê diễn ra trong 02 ngày: Ngày cuối cùng của tháng 6 và ngày đầu tiên của tháng 7 Chăm lịch; riêng lễ hội Katê tại đền thờ Pô Tằm ở huyện Hàm Thuận Bắc diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng 9 âm lich hàng năm (khoảng vào giữa tháng 7 Chăm lịch). Sau khi kết thúc lễ hội Katê tại các đền, tháp, người Chăm Bàlamôn tổ chức lễ hội tại nhà làng và sau đó cúng lễ tại gia đình.

Lễ hội Katê tại các đền, tháp Chăm được điều hành và thực hiện bởi các chức sắc, tu sĩ đạo Bàlamôn gồm: Sư cả (Pôdhia), các thầy Paséh (tu sĩ), các thầy Kadhar (thầy tín ngưỡng dân gian kéo đàn Kanhi và hát thánh ca trong các lễ hội và lễ nghi nông nghiệp), bà bóng (Muk Pajâu) múa và dâng lễ vật lên các vị thần linh, ông từ (Cămnei) - người giữ đền, tháp.

Đối tượng thờ cúng trong lễ hội Katê gồm: Thần Siva, thần Mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar, các vị vua, công chúa Chăm, tổ tiên, ông bà,… Lễ vật dâng cúng trong Lễ hội Katê tại đền, tháp, nhà làng và gia đình gồm những sản vật gắn với sản xuất nông nghiệp của đồng bào Chăm như: Dê, gà, cơm, canh, trứng, các loại bánh chế biến từ gạo và nếp (bánh tét, bánh gừng, bánh ít, bánh sakaya, bánh pay nung,…), gạo, muối, hoa quả, trà, rượu, trầu cau, chè xôi, nến sáp ong, trầm hương,…; riêng lễ vật trong lễ Katê ở nhà ông sư cả và các gia đình không được cúng dê (vì người Chăm quan niệm thịt dê chỉ được dâng cúng các vị thần linh trong các lễ nghi, lễ hội mang tính cộng đồng tại các đền, tháp và nhà làng chứ không dùng làm lễ vật dâng cúng tại các gia đình). Tuy nhiên, gia đình vị sư cả và người dân trong làng vẫn được phép làm thịt dê để thết đãi khách, người thân tại nhà trong dịp lễ hội Katê. Các nghi lễ chính trong lễ hội Katê tại các đền, tháp diễn ra theo trình tự gồm: Rước y trang, mở cửa đền - tháp, tắm tượng thờ, mặc y trang tượng thờ và đại lễ.

Trong lễ hội Katê tại các đền, tháp và nhà làng; bên cạnh phần lễ với các nghi lễ diễn ra theo tập tục truyền thống của cộng đồng do các chức sắc, tu sĩ người Chăm thực hiện là phần hội diễn ra trước, trong hoặc sau phần lễ. Trước đây, phần hội trong lễ hội Katê được chú trọng tổ chức với các hội thi, hội diễn, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao hết sức đa dạng, phong phú và hấp dẫn, tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp có sức thu hút đông đảo cộng đồng người Chăm và du khách tham gia như: đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu, đẩy gậy, kéo co,…; trưng bày lễ vật trên thônla, thổi kèn saranai, trình diễn 4 nghề thủ công truyền thống (làm gốm, dệt thổ cẩm, làm bánh gừng,…); trình diễn các làn điệu (dân ca, dân vũ, dân nhạc); bóng đá, bóng chuyền,....

So với các lễ hội khác trong tỉnh, lễ hội Katê có quy mô lớn, kéo dài ngày, diễn ra ở nhiều không gian và thời gian khác nhau, đối tượng tham gia lễ hội khá đa dạng, không chỉ cộng đồng người Chăm (theo đạo Bàlamôn và theo đạo Bàni) trong và ngoài tỉnh, mà còn có sự tham gia của các thành phần đồng bào các dân tộc sinh sống lân cận như: Kinh, Raglai, Cờho, Hoa, Tày, Nùng,... và du khách.

Được biết, ngày 16/10/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số: 2179/QĐ-UBND phê duyệt đề án Bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận phục vụ phát triển du lịch./.

 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ