Bình Thuận: Kết quả đạt được qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của  Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, khẳng định: Văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo của các tầng lớp Nhân dân, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhận thức rõ vai trò đặc biệt của văn học nghê thuật trong đời sống xã hội; ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/9/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chương trình hành động số 21-NQ/TU cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật của tỉnh đã có bước phát triển mới với dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước nhân vân, gắn bó với dân tộc. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật tốt thể hiện được chủ nghĩa yêu nước và nhân văn gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung phản ánh phong phú hiện thực cuộc sống, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng; ca ngợi những gương chiến đấu, anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước .... Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã hỗ trợ cho hội viên xuất bản hơn 80 đầu sách văn học, hàng năm xuất bản trên 2000 cuốn Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận; các văn nghệ sĩ đã khẳng định được tài năng tham gia dự thi và giành được nhiều giải thưởng của tỉnh, khu vực Miền Đông Nam bộ và quốc tế.

Công tác tổ chức, tập hợp văn nghệ sĩ có những tiến bộ đáng kể, số lượng hội viên hoạt động trong các chi hội chuyên ngành ngày càng tăng, từ 188 hội viên (năm 2008) đã tăng lên 242 hội viên (năm 2022), trong đó có 60 hội viên Trung ương, 03 Nghệ sĩ Nhân dân, 04 Nghệ sĩ ưu tú, 02 Nghệ nhân Nhân dân và 20 Nghệ nhân ưu tú, góp phần đa dạng, phong phú, các hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.

Song song với sáng tác, công tác quảng bá, giới thiệu tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với công chúng được quan tâm tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: chú trọng công tác giới thiệu tác giả, tác phẩm mới thông qua Chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận, phát sóng định kỳ chuyên mục Văn học nghệ thuật trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; tổ chức đêm thơ nhạc nhân Ngày Thơ Việt Nam vào dịp Tết Nguyên tiêu hàng năm; tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị, các hoạt động văn hóa lớn của tỉnh;  đặc biệt đã tổ chức thành công các hoạt động nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, Lễ kỷ niệm Ngày giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4) hàng năm, Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, Lễ hội Trung thu, Nghinh Ông, Cầu Ngư, Dinh Thầy Thím, Katê… và nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ khác tạo dấu ấn tốt đẹp trong nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, đã tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh về vùng đất và con người Bình Thuận, làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Hoạt động nghiên cứu, phát triển lý luận văn học, nghệ thuật của tỉnh có những đổi mới; công tác quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật được tăng cường, từng bước mạng lại hiệu quả; tỉnh duy trì “Giải thưởng Dục Thanh” 5 năm/lần, nhằm tôn vinh, khuyến khích các văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật.

Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Tỉnh đã đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trùng tu, tôn tạo 6 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh; lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định và Chứng nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội dinh Thầy Thím và Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận; triển khai thực hiện các đề án, dự án: Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Cầu ngư Vạn Thủy Tú phục vụ phát triển du lịch”; đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030”; dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng được quan tâm đầu tư. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức trên 1000 buổi công diễn, hội thi, liên hoan thu hút gần 3.000 lượt văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh và nhân dân tham gia. Nhiều câu lạc bộ nhiếp ảnh, nhóm văn thơ, đờn ca tài tử, nhảy dân gian đương đại, nhóm nhạc acoutic... được thành lập, tạo ra sân chơi, giải trí cho các tầng lớp nhân dân yêu thích nghệ thuật tham gia. Hàng năm đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa tỉnh phục vụ 1000 xuất chiếu, 100 xuất biểu diễn; Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh 100 xuất biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, khó khăn đó là: Hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp tuy có bước phát triển mới, nhưng chưa đồng bộ giữa các khâu sáng tác, quảng bá tác phẩm mới, vẫn còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; việc đầu tư ngân sách, kinh phí cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn thấp; việc huy động nguồn lực “xã hội hóa” phục vụ nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật ở địa phương còn khó khăn; công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tài năng và tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao...

Để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu sắc thái văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, bám sát đường lối văn nghệ của Đảng theo định hướng của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII và Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị các cấp về vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Hai là, tiếp tục phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ hoạt động văn học, nghệ thuật có năng lực sáng tạo, đoàn kết, yêu Tổ quốc, gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, phát huy các giá trị văn hóa; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa, nghệ thuật, đảm bảo tính kế thừa. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tâm huyết với nghề và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ba là, phát huy tốt hơn nữa vai trò của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh trong công tác định hướng tư tưởng và bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh.

Bốn là, quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và thiết chế văn hoá, nghệ thuật ở cấp huyện và cấp xã gắn với khai thác, sử dụng, phát huy các thiết chế văn hóa đã được xây dựng, không để lãng phí. Tiếp tục phát huy các nguồn lực xã hội hóa, góp phần xây dựng và phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở các địa phương, các ngành, các lĩnh vực.

Năm là, tiếp tục cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung và hình thức và hiệu quả hoạt động của Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận; nâng cao chất lượng của Giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao và đưa đến với đông đảo công chúng.

Sáu là, quan tâm kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, các phân hội, chi hội ở các địa phương. Làm tốt công tác phát triển hội viên đông về số lượng, vững về chất lượng. Tạo điều kiện thuận lợi, đầu tư cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và các phân hội, chi hội, đảm bảo hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa.

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn hạn chế; hy vọng rằng trong thời gian tới văn học, nghệ thuật tỉnh nhà sẽ có những bức phá mới, tạo ra đươc nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân, góp phần cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh./.

                                                                                                                       

 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ