Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tỉnh ủy Bình Thuận là cơ quan đầu não cách mạng của tỉnh, đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân và dân Bình Thuận kháng chiến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” [[1]], giải phóng quê hương Bình Thuận và góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Bình Thuận đứng chân tại hơn 30 địa điểm. Riêng tại Sa Lôn, Tỉnh ủy đứng chân 03 lần trong thời gian hơn 8 năm (từ tháng 12/1954 đến 6/1957, từ giữa năm 1961 đến tháng 12/1964 và từ tháng 9/1968 đến tháng 8/1970).
Sa Lôn là khu rừng tự nhiên, ở độ cao 500m so với mực nước biển, có địa thế hiểm trở, tiếp giáp với vùng đồng bằng huyện Hàm Thuận (trước đây, nay là Hàm Thuận Bắc). Sa Lôn theo các vị cao niên người Cờho ở địa phương có nghĩa là “dòng nước Mẹ”, trong khu vực này có một số địa điểm thuận lợi để các cơ quan, đơn vị, trong đó có Cơ quan Tỉnh ủy tổ chức sản xuất tự túc lương thực. Sa Lôn còn là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào Cờho, những người con của núi rừng, một lòng theo Đảng và Bác Hồ, hết lòng hết sức thương yêu, ủng hộ và bảo vệ cán bộ cách mạng. Trong những năm kháng chiến, đồng bào Cờho địa phương không những cung cấp lương thực, thực phẩm cho hoạt động của Cơ quan Tỉnh ủy, bảo vệ buôn làng, mà còn đảm bảo an toàn cho hoạt động của vùng căn cứ cách mạng. Tại Căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn một số sự kiện chính trị tiêu biểu diễn ra như:
- Tháng 10/1962, Tỉnh ủy họp bàn và công bố thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Thuận. Sau ngày thành lập, Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam tỉnh đã phát động mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước chống Mỹ, giết giặc lập công trong Nhân dân, trong các địa phương, đơn vị.
- Đại hội Chiến sĩ thi đua đầu tiên của tỉnh Bình Thuận được tổ chức vào tháng 9/1964 để động viên phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước.
- Tổ chức Đại hội lần thứ I Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng vào năm 1962, lần thứ II vào năm 1966.
- Đại hội lần thứ I Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng tỉnh (Tỉnh đoàn) vào năm 1964.
- Đại hội chính trị thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận vào tháng 6/1969. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Quý Đôn làm Chủ tịch. Đây là Đại hội đầu tiên thành lập chính quyền cách mạng sau 15 năm kháng chiến chống Mỹ.
- Thành lập các ban: An ninh, Tuyên huấn, Kinh tài, Dân y, Trường Đảng tỉnh vào cuối năm 1962.
- Tổ chức Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9/9/1969, buổi lễ diễn ra trong niềm đau xót, tiếc thương vô hạn, được coi là sự kiện khó quên, gây xúc động lớn đối với cán bộ, chiến sĩ trong Khu Căn cứ. Tại buổi lễ, di ảnh Bác Hồ bằng lụa được đặt trên bàn thờ làm bằng mây tre tuy đơn sơ nhưng hết sức trang trọng. Sau Lễ Truy điệu, di ảnh Bác Hồ được đặt trên bàn thờ thêm một thời gian để cán bộ, chiến sĩ trong Khu Căn cứ bày tỏ tấm lòng thành kính và tiếc thương đối với vị lãnh tụ, vị cha già kính yêu của dân tộc.
- Tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I trong kháng chiến chống Mỹ vào tháng 7/1970 (là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, Đại hội lần thứ I và II tổ chức trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp). Đây là Đại hội lần đầu tiên sau hơn 16 năm kháng chiến chống Mỹ, Đại hội diễn ra từ ngày 10-15/7/1970. Đại hội đã kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ từ năm 1954 đến tháng 6/1970, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 17 đồng chí. Đồng chí Lê Thứ (tức Mười Bắc) - Khu ủy viên được bầu làm Bí thư và đồng chí Nguyễn Quý Đôn làm Phó Bí thư.
Với những dấu ấn đặc biệt đó, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn đã được Tỉnh ủy Bình Thuận chọn làm nơi để phục dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng các hạng mục phụ trợ để bảo tồn, giữ gìn truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, oanh liệt của Cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ nói riêng, của Lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà nói chung trong giai đoạn 1954 - 1975. Biến các giá trị lịch sử, tinh thần đó thành nơi bồi đắp ý thức, tình yêu quê hương đất nước và lòng tự tôn, tự hào dân tộc cho các tầng lớp Nhân dân tỉnh nhà thấu hiểu được sự gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước, là nơi về nguồn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tổng diện tích toàn Khu di tích là 10,94 héc ta. Trong đó, Khu vực bảo vệ I (Khu di tích gốc) có diện tích 48.000m2, gồm các hạng mục: Hầm trú ẩn, Lán trại, Hội trường, Bếp Hoàng Cầm...; Khu vực bảo vệ II cách Khu vực di tích gốc khoảng 300m về hướng Tây Nam có diện tích 49.843m2, gồm các hạng mục: Nhà Tưởng niệm - Trưng bày, Bia Tưởng niệm, Nhà đón tiếp, Nhà làm việc Ban Quản lý di tích, Bãi đỗ xe, Chòi nghỉ chân, Khu vệ sinh… và hệ thống đường đi lát đá kết nối Khu vực bảo vệ I với Khu vực bảo vệ II. Vị trí Khu di tích cách thành phố Phan Thiết khoảng 60km, cách UBND huyện Hàm Thuận Bắc khoảng 43km về hướng Tây Bắc và cách UBND xã Đông Giang khoảng 12km về hướng Tây Nam. Khu di tích được khởi công xây dựng vào ngày 15/01/2021, hoàn thành ngày 01/01/2023.
Trải qua những tháng năm gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; lãnh đạo, cán bộ và chiến sĩ trong Cơ quan Tỉnh ủy luôn đối mặt với bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù, có lúc sự sống chết chỉ trong gang tấc; tài sản cá nhân chỉ gói gọn trong chiếc bồng bằng bao bột mì nhuộm pin đèn, với chiếc võng, tấm khăn dù, nilon đi mưa và vài bộ quần áo… Nhưng với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi cuối cùng của cách mạng, bằng ý chí và nghị lực, tình cảm cách mạng trong sáng, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, đồng cam cộng khổ, đoàn kết gắn bó trong đại gia đình Cơ quan Tỉnh ủy với tinh thần “Hạt muối chia đôi, củ khoai bẻ nửa”. Chiến tranh đã lùi xa khoảng nửa thế kỷ, nhưng dấu ấn về Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn vẫn mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Bình Thuận; là nơi gìn giữ, giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng, bất khuất, nơi về nguồn của các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh, nơi để khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân Bình Thuận để vững bước tiến vào tương lai./.
[[1]] Trích Bài thơ chúc Tết năm 1969 của Bác Hồ.