Tham dự tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, …
Tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Đồng chí Đỗ Hữu Quy - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh; Đại diện 07 gia đình, dòng họ tiêu biểu trên địa bàn thành phố Phan Thiết; Đại diện lãnh đạo Phòng Thông tin - Tuyên truyền, Phòng Tổng hợp - Lịch sử Đảng và Tập thể Phòng Lý luận chính trị - Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Theo đó, mục đích của hội thảo là nâng cao nhận thức của mọi người dân, của cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam về vai trò, tác dụng của gia đình, dòng họ học tập trong cộng đồng, xã hội hiện nay. Qua đó, thúc đẩy phong trào học tập trên địa bàn dân cư, gắn kết các gia đình, dòng họ thành một lực lượng đoàn kết, nhất trí, đồng thuận trong phong trào toàn dân thi đua học tập suốt đời, góp phần xây dựng các khu dân cư văn hóa, văn minh, an toàn.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội khẳng định: “Để giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc, văn hóa làng xã, gia phong của dòng họ, cộng đồng, vai trò của các dòng họ rất quan trọng. Hội thảo sẽ góp phần thực hiện tốt chiến lược văn hóa, tìm ra yếu tốt cốt lõi để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam”.
Trong thời gian diễn ra hội nghị các đại biểu được lắng nghe nhiều nội dung như: Thứ nhất, vai trò của dòng họ trong việc thúc đẩy học tập suốt đời của các gia đình thành viên trước những yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0; Thứ hai, vai trò hạt nhân của gia đình Việt Nam trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; Thứ ba, những kinh nghiệm thực tế, những cách làm hay, phương pháp động viên con cháu phát huy tinh thần hiếu học, giữ gìn nền nếp gia phong, gia giáo; Thứ tư, đề xuất giải pháp tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vai trò của gia đình, dòng họ trong giáo dục truyền thống hiếu học, hình thành, phát huy những nét đẹp văn hóa và giá trị văn hóa trong điều kiện đời sống mới.