Kết quả tích cực sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 07/9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, theo đó toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được quán triệt các nội dung Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, góp phần đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Trong hệ thống an sinh xã hội, BHYT là một trong những trụ cột chính, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, một công cụ đắc lực của Nhà nước nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội. Thực tế cho thấy, vai trò của BHYT là rất lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHYT dẫn đến tình trạng ý thức tham gia chưa đầy đủ và thiếu tính chủ động.

Trên cơ sở Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 68-KH/TU, ngày 06/01/2010 và Chỉ thị số 49-CT/TU, ngày 11/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh.

Là cơ quan tham mưu và thực hiện, BHXH tỉnh Bình Thuận đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tính nhân văn của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ mục tiêu phát triển BHYT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, từ đó động viên, khuyến khích nhân dân tích cực, chủ động tham gia; mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHYT, nhất là BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa... đặc biệt là việc tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy đưa tỷ lệ bao phủ BHYT thành một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; giải quyết kịp thời đầy đủ các chế độ, chính sách về BHYT cho người dân; cải tiến nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Đồng chí Đặng Minh Thông, Phó Giám đốc BHXH tỉnh phát động Lễ ra quân tuyên truyền Ngày BHYT Việt Nam 01/7

Trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh đều đưa chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT vào trong Nghị quyết để chỉ đạo thực hiện trong toàn Đảng bộ; đồng thời căn cứ Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2332/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 3056/KH-UBND, ngày 15/9/2022 về thực hiện Quyết định 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 59/2018/NQ-HĐND ngày 20/7/2018 của HĐND tỉnh về việc quy định hỗ trợ mức đóng BHYT từ ngân sách Nhà nước cho người thuộc hộ gia đình nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không thiếu hụt BHYT) trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 05/2021/NQHĐND về chế độ đối với tham gia công việc ở thôn, khu phố không thuộc người tham gia BHYT bắt buộc thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng (mức hỗ trợ 100%); Nghị quyết số 08/NQ-HĐND Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 03/12/2020 Quy định mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách địa phương cho đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh…

Cơ quan BHXH tỉnh đã chủ động ký kết chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Luật BHYT, vận động người dân tham gia BHYT; tăng cường quản lý thực hiện chính sách BHYT cho người lao động và nhân dân; quản lý tốt công tác khám chữa bệnh BHYT; phối hợp tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra về thực hiện chính sách pháp luật BHYT, nhất là công tác phát triển người tham gia BHYT và công tác khám chữa bệnh BHYT; đồng thời, theo từng giai đoạn 05 năm, 10 năm, BHXH tỉnh Bình Thuận đã báo cáo và tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết, qua đó chỉ đạo sâu sát, kịp thời toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh vào cuộc cùng thực hiện hiệu quả Chị thị số 38-CT/TW của Bộ Chính trị.

Vì vậy, trong 15 năm qua, việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt được kết quả tích cực, số người tham gia và tỷ lệ bao phủ BHYT luôn tăng qua từng năm, năm sau cao hơn năm trước và luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, cụ thể: Giai đoạn 2009-2014, có 690.485 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 57,48% dân số; giai đoạn 2015-2019, có 991.014 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 86,17% dân số; giai đoạn 2020-2024, có 1.141.761 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đến năm 2023 đạt 92,28% dân số. Bên cạnh đó, công tác quản lý Quỹ BHYT được thực hiện theo đúng quy định, sử dụng hiệu quả, an toàn, đúng mục đích, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia, không có hiện tượng tiêu cực trong quản lý quỹ; mức thu, đối tượng thu được đảm bảo theo đúng quy định của Luật BHYT… điều đó thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, của cơ quan BHXH và các cơ quan chuyên môn khác trong công tác phát triển người tham gia BHYT và công tác quản lý về BHYT trên địa bàn tỉnh.

Qua 15 năm triển khai, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, nhận thức của các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện chính sách BHYT được nâng lên; chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống và khẳng định là một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội; người tham gia BHYT tăng qua từng năm, phù hợp với lộ trình BHYT toàn dân; quyền lợi của người dân tham gia BHYT được bảo đảm tốt hơn, việc thanh toán BHYT được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; người sử dụng lao động hiểu đầy đủ hơn về trách nhiệm thực hiện chế độ BHYT cho người lao động; tình trạng cố tình trốn đóng, chậm đóng tiền BHYT được khác phục; nhận thức của nhân dân, người lao động, học sinh, sinh viên về quyền và trách nhiệm khi tham gia BHYT đã thay đổi căn bản; các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ