Học tập các môn Lý luận chính trị có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay

       Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước; có thể thấy tư tưởng về giáo dục, giáo dục lý luận chính trị là một nội dung rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh mục tiêu của giáo dục, giáo dục lý luận chính trị không chỉ bó hẹp trong việc dạy tri thức, nâng cao trình độ học vấn, mà quan trọng hơn là nhằm đào tạo những con người Việt Nam phát triển toàn diện. 

       Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về giáo dục, giáo dục lý luận chính trị có hiệu quả mà Đảng ta đã vận dụng qua các thời kỳ cách mạng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần quán triệt hơn nữa tư tưởng, tấm gương của Người trong công tác giáo dục, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bởi, trong công cuộc đổi mới hôm nay, công tác giáo dục, giáo dục lý luận chính trị có một vị trí, vai trò rất lớn. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục, giáo dục lý luận chính trị nhất là giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê nin, chủ trương, đường lối chính trị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị.

       Hồ Chí Minh, với một tầm nhìn thời đại – người sáng lập nền giáo dục mới, nền giáo dục cách mạng Việt Nam – đã chỉ ra những mục tiêu của giáo dục là: “đào tạo các em nên những công dân hữu ích cho nước Việt Nam” làm “phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Đồng thời, “học để sữa chữa tư tưởng”. “Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”. “Học để tin tưởng”, v.v… Những nội dung nêu trên không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc, mà còn hoàn toàn phù hợp với những nguyên lý giáo dục trong tình hình hiện nay. Theo Người, những mục tiêu đó của giáo dục có mối quan hệ biện chứng với nhau, có phẩm chất chính trị và chuyên môn mà thiếu phẩm chất đạo đức với ý nghĩa là gốc thì nguồn cũng vô dụng. Tuy nhiên, nếu không có trình độ học vấn thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp thời đại mà cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, và như vậy ngày càng tụt hậu xa so với các nước. Nhưng điều đặc biệt là phải học chính trị. Bởi vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật, chuyên môn mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi. Giáo dục chính trị là nền tảng, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn. Chính trị nói ở đây là chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối quan điểm của Đảng. Học chính trị không phải để thuộc lầu sách Mác – Lênin, không phải học một cách giáo điều, mà là “học cái tinh thần xử lý mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình”.

       Nhìn lại nền giáo dục cách mạng Việt Nam, chúng ta thấy rằng lúc nào và ở đâu nghiên cứu và quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thì ở đó đem lại những thành tựu và niềm tự hào lớn cho nền giáo dục Việt Nam. Hiện nay nền giáo dục nước ta đang ở mức báo động, hơn thế nữa là “sự suy thoái”. Lấy tinh thần Hồ Chí Minh để xử lý mọi việc, một vấn đề đặt ra là phải tìm đúng nguyên nhân của căn bệnh. Ngày nay chúng ta đang bị chi phối quá nhiều bởi mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Một thực trạng mà chúng ta phải đối diện hiện nay đó là một số nơi coi nhẹ việc giảng dạy các môn khoa học Lý luận chính trị, quá đề cao các môn khoa học kỹ thuật, tự nhiên, kinh tế, v.v…là những môn học có tính ứng dụng mạnh mẽ trong nền kinh tế thị trường, trong thời kỳ hội nhập. Ở đây chúng ta không thể phủ nhận vai trò cũng như tác dụng của các môn khoa học nói trên mà vấn đề đặt ra là phải có cái nhìn đúng đắn về vai trò cũng như tầm quan trọng của các môn khoa học Lý luận chính trị, tránh những cái nhìn lệch lạc phiến diện. Bởi Người đã nói Giáo dục chính trị là nền tảng, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn.

       Trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, sự tác động mạnh mẽ của mặt trái cơ chế thị trường, đã và đang có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu, kém ý thức tổ chức kỷ luật, tha hóa về lối sống, quan liêu, xa rời quần chúng. Những hệ lụy đó, suy cho cùng là kết quả của việc xem nhẹ việc giáo dục và rèn luyện tư tưởng đạo đức cách mạng trong giáo dục, xem nhẹ công tác tư tưởng. Ngày nay gần như phần lớn thế hệ trẻ không còn mặn mà với các môn khoa học Mác – Lênin, xa rời lý tưởng, sống thực dụng và hưởng thụ đó là một thực trạng đáng buồn thể hiện một sự thất bại trong công tác giáo dục ở nước ta, và như vậy liệu họ có thể là những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa “vừa hồng vừa chuyên” như Bác Hồ hằng mong muốn.

       Sự nghiệp đổi mới trong những năm tới đây có nhiều thời cơ, thuận lợi, đồng thời cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Trên thế giới và khu vực, tình hình còn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, chủ nghĩa khủng bố…đang là mối đe dọa với nhiều quốc gia, dân tộc. Do đó, để có thể thực hiện được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, vượt qua mọi thách thức thì thế hệ trẻ những người chủ tương lai của đất nước phải là những con người cách mạng thực sự, vững vàng về tư tưởng, sáng tạo trong hành động, có trình độ trong chuyên môn. Hồ Chí Minh đã nói: “muốn có chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, những con người của xã hội văn minh và giàu tính nhân đạo, nhân văn và vì vậy không thể có những con người xã hội chủ nghĩa mà không nắm vững được chủ nghĩa Mác – Lê nin, không nắm vững quan điểm đường lối lãnh đạo của Đảng.

       Để xây dựng một nền giáo dục phù hợp với khả năng và yêu cầu của nền kinh tế, phù hợp với định hướng chính trị của dân tộc, đòi hòi Đảng và Nhà nước cần phải có những chính sách phù hợp. Mục tiêu của Đảng ta là thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xã hội đó phải do chính sức lao động của nhân dân xây dựng nên. Việc tạo ra nguồn lực để xây dựng xã hội phải huy động lực của nhiều “binh chủng” trong đó ngành giáo dục đóng vai trò then chốt, là khâu đột phá để tiến lên hiện đại. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã xem vấn đề giáo dục và đào tạo là quốc sách hang đầu, vì vậy chú trọng giáo dục đúng đắn công tác chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ như lời Bác căn dặn trong Di chúc sẽ là một trong những tiền đề quan trọng có tính hướng dẫn đúng đắn cho thế hệ trẻ trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn của mình một cách thành công hơn, hiệu quả hơn và như vậy sẽ mang lại hiệu quả cho xã hội.

       Đã hơn 45 năm Bác đi xa nhưng với dân tộc Việt Nam không lúc nào và không ở đâu thiếu vắng hình ảnh Bác. Người đã để lại “muôn vàn tình thân yêu” cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể các cháu thanh, thiếu niên nhi đồng trong cả nước. Người suốt đời “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là Tổ quốc ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

       Để hiểu rõ việc thực hiện triệt để những tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh không phải là một vấn đề đơn giản mà cần phải hiểu rằng đó là một quá trình, với các mức độ khác nhau. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn những tư tưởng quan trọng trong Di chúc nói riêng và trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung để triệt để vận dụng sáng tạo và phát triển trong thời kỳ mới.


Các tin khác