UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và các cấp; phân công rõ vai trò, nhiệm vụ của từng sở, ban, ngành, thành viên Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các đợt cao điểm, như: Lễ, Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với đời sống xã hội, đến sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước được nâng lên. Công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm được chú trọng hơn; các doanh nghiệp, cơ sở xác định đây là một trong những tiêu chí quan trọng để nâng cao uy tín và giữ vững thương hiệu của mình trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đội ngũ làm công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tỉnh nhà đã có bước phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Xã hội hoá công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm bước đầu có hiệu quả và được nhiều người quan tâm hưởng ứng, thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, ngành NN&PTNT đã tổ chức 321 lớp tập huấn kiến thức và phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho 16.146 người là chủ cơ sở, chủ tàu cá, thuyền viên và người lao động tại các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, giết mổ, kinh doanh nông sản, thủy sản. Đối với Tháng hành động, tỉnh chú trọng vào kiểm tra các cơ sở có bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh bánh, kẹo, rượu bia, cơ sở dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố... nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc tập thể; do đó, tình hình ngộ độc thực phẩm trong tỉnh thời gian qua đã giảm về số vụ mắc và số người chết so với trước đây.
Đạt được một số kết quả trên là do công tác tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kế hoạch số 95/BCĐ-ATVSTP của UBND tỉnh về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” được thực hiện một cách nghiêm túc đến cán bộ, đảng viên và được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân từ tỉnh đến cơ sở và tới tận các vùng sâu, vùng xa. Các cấp ủy đảng, chính quyền và cả cộng đồng ngày càng nhận thức rõ và đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới với phương châm “Sức khỏe quý hơn vàng”; trên cơ sở đó luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện khá nghiêm túc Chỉ thị của Trung ương và Kế hoạch của tỉnh.
Để vấn đề an toàn thực phẩm được thực hiện tốt hơn nữa, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), Kế hoạch số 95/BCĐ-ATVSTP của UBND tỉnh về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” và Luật An toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ làm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm. Quán triệt đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.