Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở Huyện Tánh Linh

       Trong xu hướng đất nước đang trong thời kỳ hội nhập và mở cửa đã mang đến cho chúng ta những thời cơ, vận hội mới song cũng đặt ra không ít những khó khăn thách thức. Nhất là sự nảy sinh và diễn biến khó lường của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Trước tình hình đó, việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có vai trò quyết định đảm bảo cho sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

       Thực tế những năm gần đây công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Tánh Linh đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền và các ngành chức năng quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; qua đó, đã góp phần tạo chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội cùng với sự du nhập, tiếp thu văn hóa thiếu chọn lọc đã tạo ra những quan hệ xã hội mới ngày càng phức tạp, các loại tội phạm cũng có những diễn biến khó lường. Trước thực trạng đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân cần phải có những đổi mới cả về nội dung và cách thức, qua tìm hiểu thực tiễn tuyên truyền, giáo dục pháp luật thời gian qua xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật như sau:

       Thứ nhất, phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, đặt ra vấn đề này, mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, mỗi cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở từng địa phương phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, phải có sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch cho đến những giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả, tránh hiện tượng nêu to khẩu hiệu rồi phó mặc cho cán bộ chuyên môn hoặc các ngành đoàn thể tự triển khai, có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền, thì công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sẽ được thực hiện có hiệu quả nền nếp, đồng thời luôn nhận được sự tham gia ủng hộ tích cực của các ban, ngành đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động này. Đây cũng là hoạt động đóng vai trò quan trọng để giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự ở chính địa phương, đơn vị.

       Thứ hai, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phải được thực hiện có trọng điểm và gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, có thể tập trung tuyên truyền theo thời gian hoặc không gian, ví dụ theo không gian: Những địa bàn xảy ra các loại tội phạm về ma tuý, tệ nạn xã hội ta cần gắn vào đó việc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma tuý, về hiểm hoạ của ma tuý đối với cuộc sống … Theo thời gian, cần tuyên truyền gắn với thời điểm, có thể gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương hoặc của Đảng bộ, ví dụ thời điểm sắp diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của huyện có thể tăng cường tuyên truyền Luật bẩu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, các quyền và nghĩa vụ của cử tri…

       Thứ ba, cần kết hợp nhịp nhàng hiệu quả giữa các hình thức tuyên truyền như: Kết hợp tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền thông qua các cuộc hội thảo… thực tế cho thấy hiện nay việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện, tuy đã có nhiều đổi mới song điều kiện phục vụ cho buổi tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên hội nghị còn những hạn chế nhất định, nhiều nội dung tuyên truyền, báo cáo viên pháp luật chỉ đơn thuần giảng bằng lời trên nghị trường mà chưa có hình ảnh minh hoạ hoặc máy chiếu hỗ trợ điều đó làm giảm hiệu quả buổi tuyên truyền. Ví dụ buổi tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông, các tình huống vi phạm nếu báo cáo viên pháp luật chỉ đơn thuần giảng bằng lời mà không có hình ảnh minh hoạ thì mức độ tiếp thu của người nghe sẽ hạn chế. Bên cạnh đó tuyên truyền pháp luật để có hiệu quả cao cũng đòi hỏi báo cáo viên pháp luật phải chuẩn bị nội dung bài giảng chu đáo, nội dung bài giảng, bài tuyên truyền, phổ biến cần đi sâu vào nhu cầu cần nắm bắt thông tin của người nghe. Đối với các văn bản luật sửa đổi có thay thế, bổ sung cũng cần đi sâu làm rõ những điểm mới của văn bản. Ngoài ra, với đặc điểm tuyên truyền pháp luật để nhân dân hiểu đúng và và thực hiện cho đúng thì báo cáo viên pháp luật không những chỉ giảng luật và các quy định mà cần nêu những tình huống minh hoạ để phân tích chứng minh thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.

       Thứ tư, kết hợp hỏi đáp trong tuyên truyền pháp luật, đây là yêu cầu quan trọng nhằm khai thông, giải đáp những thắc mắc trong nhân dân về những vấn đề đang gặp hoặc đã gặp nhưng chưa rõ, để thực hiện có hiệu quả nội dung này, trước hết, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phối hợp tốt với cơ quan chức năng tuyên truyền phổ biến pháp luật để nhân dân có thể chuẩn bị những câu hỏi, những ý kiến thắc mắc cần được giải đáp tại hội nghị hoặc Ban tổ chức hội nghị có thể chuẩn bị một số câu hỏi thường gặp thực hiện hỏi đáp tại hội nghị, như vậy, nội dung buổi tuyên truyền vừa sôi nổi, vừa thu hút sự quan tâm của nhân dân, từ đó đưa ra những giải đáp cần thiết phù hợp với nhu cầu tìm hiểu của nhân dân.

       Thứ năm, tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng phổ biến giáo dục phap luật, Phòng Tư pháp, các ban, ngành Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể chính trị với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đối với việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật theo lĩnh vực của ngành nào thì cần có kế hoạch để có sự phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

       Một xã hội phát triển là xã hội mà mọi công dân đều thực hiện tốt phương châm “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” muốn có được điều này trước hết mỗi địa phương, đơn vị, mỗi báo cáo viên pháp luật cần coi trọng và có những giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả để chính sách pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào đời sống nhân dân, từ đó nó tạo thành nền tảng xây dựng nền móng cho một xã hội văn minh và phát triển./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT