Người học trò ưu tú của chủ tịch Hồ Chí Minh
Phạm Văn Đồng sinh ngày 01/3/1906 ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, với tinh thần yêu nước đã tham gia phong trào bãi khóa chống Pháp của học sinh, sinh viên năm 1925; năm 1926 đồng chí được chuyển sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy và sớm được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Cũng từ đó, đồng chí có điều kiện gặp gỡ nhiều hơn với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ý chí cách mạng, lý tưởng cộng sản và tinh thần yêu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc tới lý tưởng cách mạng và đưa đồng chí từ một thanh niên yêu nước trở thành trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Trong những năm bị tù đày khắc nghiệt ở Khám Lớn - Sài Gòn cũng như ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí luôn giữ vững khí tiết cách mạng, cùng với các đồng chí khác đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mac-Lenin, con đường Cách mạng Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người thầy của mình. Sau khi ra tù và khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, đồng chí Phạm Văn Đồng đã được gặp và được lãnh tụ giao phó những nhiệm vụ quan trọng. Suốt 30 năm, từ 1940 cho đến khi Người mất (1969), đồng chí Phạm Văn Đồng luôn cận kề, làm việc bên Người; theo sự chỉ dẫn, phân công và trực tiếp được Người giáo dục, rèn luyện; Đồng chí Phạm văn Đồng đã trở thành người học trò xuất sắc, một cộng sự gần gũi, thân thiết. Không phụ lòng dạy bảo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã thể hiện những phẩm chất cao quý của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân”, “nói đi đôi với làm”, cống hiến hết sức mình cho đất nước cho đến lúc đã thôi đảm trách các chức vụ trong Đảng, trong Nhà nước; khi đã về hưu, đồng chí đã dồn sức thực hiện xuất sắc 4 tác phẩm về tư tưởng Hồ Chí Minh: “Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp” (1990), “Hồ Chí Minh-quá khứ, hiện tại, và tương lai” (1991), “Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu, nước mạnh” (1993) và “Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh” (1998). Những tác phẩm trên là những công trình khoa học đối với công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh cho thế hệ sau.
Khi còn đảm nhiệm vai trò là người đứng đầu chính phủ và hệ thống hành pháp, đồng chí Phạm Văn Đồng miệt mài nghiên cứu lý luận và thực tiển để xây dựng tiên đề, tạo lập và phát triển một chính quyền của dân, do dân và vì dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng như người thầy của mình, trong đời sống riêng tư, đồng chí cũng là người có cuộc sống giản dị, gần gũi chan hòa với anh em, bạn bè, đồng chí; với cả người giúp việc, lái xe; sống hòa đồng và quan tâm đến hoàn cảnh sống riêng của từng người.
Nhà ngoại giao kiệt xuất
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nguyên là Bộ trưởng Ngoại giao có tài hùng biện, ứng xử tài tình, chuyện trò hài hước, tế nhị, có tính thuyết phục, tranh thủ được dư luận và lòng người. Trên các diễn đàn quốc tế và trong các cuộc tiếp xúc, hội đàm, trả lời phỏng vấn,…theo như lời kể của các đồng chí đi làm việc cùng: Bác Đồng rất uyên thâm, nhớ tên và những nét riêng của một số lãnh tụ các nước ; am tường kiến thức, ngôn ngữ các quốc gia trên thế giới, kể cả cấu trúc mới của ngôn ngữ nước ngoài... Bác Đồng rất tích cực đọc báo chí, nhất là báo chí nước ngoài, đặc biệt là báo Le Monde và Le Monde Diplomatique, ngoài ra còn nghe các băng cassettes. Có lần Bác Đồng tiếp Jean Huleau – Giám đốc khu vực của Hãng thông tấn AFP (Pháp), qua cuộc phỏng vấn, bạn tỏ ra rất khâm phục về nội dung cuộc phỏng vấn và ngôn ngữ Pháp văn của Bác Đồng, thậm chí họ còn nói, ngay ở Pháp, rất ít nhân sĩ trí thức nói hay và dí dỏm được như vậy. Họ đặc biệt đề cập hai người mà họ rất kính phục đó là Bác Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trước những kiến thức của Bác Đồng, nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành sau khi làm việc đều hỏi Bác Đồng bí quyết làm thế nào để được thế, ông cười sảng khoái: ''Phải tích cực đọc thôi, phải lao động thôi''.
Tình yêu thủy chung với người vợ bệnh tật
Thủ tướng Phạm Văn Đồng có tinh thần trách nhiệm và tình cảm yêu thương tuyệt đối mà dành cho vợ con mình. Phu nhân của ông là bà Phạm Thị Cúc, một người con gái Hà Nội. Ngày đó, gia đình bà Phạm Thị Cúc có một quán bán hàng; bố mẹ bà là những người yêu nước nên gia đình bà trở thành cơ sở cách mạng, từng giúp đỡ, cưu mang nhiều nhà cách mạng lớn của ta thời kỳ đó; vì thế Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhiều lần ghé qua gia đình bà Phạm Thị Cúc. Chính những lần viếng thăm này, đã khiến tình cảm giữa hai ông bà nảy nở. Khi mới nên nghĩa vợ chồng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng hứa với vợ, dù có đi làm cách mạng ở đâu, ông cũng nhất định đưa bà đi cùng. Nhưng sau này vì điều kiện công việc, vì nhiệm vụ cách mạng, ông đã không giữ được lời hứa của mình với người vợ hiền.
Quãng thời gian ông được Chính phủ biệt phái vào Nam, thương hoàn cảnh vợ chồng ông xa nhau, Bác Hồ đã cho phép bà Phạm Thị Cúc vào Nam với chồng. Vì nhớ chồng mà khi đó, bà đã đi bộ vượt Trường Sơn trong 5 tháng ròng rã để vào Nam gặp chồng. Vào đến nơi, thì cũng là lúc ông được lệnh ra Bắc, bà lại vượt Trường Sơn ra Bắc. Suy sụp sức khỏe sau những hành trình dài vất vả như thế, lại thương nhớ chồng ngày đêm, bà sinh ra bệnh nửa quên, nửa nhớ. Sau một thời gian phát bệnh, bà rơi vào trạng thái trầm kha khiến căn bệnh của bà càng khó lòng cứu chữa. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đưa bà đi chữa bệnh ở cả Trung Quốc, Liên Xô nhưng bệnh tình của bà vẫn không hề thuyên giảm. Khi đó, một số chuyên gia y khoa đầu ngành của nước bạn khi nghe về bệnh tình của bà đã chuẩn đoán nguồn cơn căn bệnh của bà là do xa vắng chồng lâu ngày. Họ khuyên đưa bà về Việt Nam để có điều kiện gần gũi với chồng con, với hi vọng nhờ thế bệnh tình sẽ thuyên giảm. Nghe theo lời khuyên của bác sĩ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dù bận rộn việc nước vẫn dành nhiều thời gian ở bên vợ, chăm sóc, động viên, gần gũi bà nhưng bệnh tình của bà không vì thế mà thuyên giảm. Bà Phạm Thị Cúc phát bệnh khi rất trẻ khiến những năm tháng sau này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất vất vả để chăm sóc gia đình của mình. Năm 1951, con trai ông bà ra đời khi bệnh tình của bà bắt đầu có xu hướng nặng lên, ông đặt tên con là Phạm Sơn Dương và đưa con vào Phủ Chủ tịch sống, còn bà thì sống ở căn biệt thự trên phố Khúc Hạo. Ngày đó, một tuần vài lần, ông đều đưa con trai đến căn biệt thự trên phố Khúc Hạo thăm bà. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện với vợ rất dịu dàng, ông thường ngồi bên giường bệnh, khi thì nắm tay bà thật âu yếm, khi thì ngồi chải lại mái tóc cho bà. Bệnh tình khiến bà Phạm Thị Cúc cứ lúc quên lúc nhớ, nhưng điều đặc biệt là bà nhớ rất kỹ những chuyện thời xưa nên lần nào đến thăm vợ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng kiên nhẫn gợi lại chuyện xưa với vợ, cốt để vợ vui, ông vẫn hy vọng nhờ đó bệnh tình của bà sẽ dần khôi phục. Nhưng những nỗ lực của ông không thể giúp bà khỏi bệnh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một người hết mực chung thủy với vợ; bà bị bệnh khi còn rất trẻ, nhiều người khuyên ông nên lấy vợ khác nhưng ông một mực từ chối, ông yêu bà và muốn trọn vẹn tình nghĩa nên đã quyết định ở bên chăm sóc bà, dẫu cuộc sống riêng của ông vì thế mà chịu nhiều thiệt thòi. Lúc nào, ông cũng dặn con trai mình phải thường xuyên quan tâm và yêu thương mẹ. Những ngày bận bịu công việc không qua Khúc Hạo được, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường dặn con trai Phạm Sơn Dương qua trò chuyện với mẹ; mỗi lần như thế, ông đều gửi tặng bà những món quà nho nhỏ, cốt để bà vui. Những năm cuối đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một nguyện vọng, ông mong người vợ hiền của ông “đi trước”, để ông được lo cho bà một cách tươm tất, trọn vẹn, chu đáo; để ông được yên tâm, thanh thản bởi cả đời mình, lúc nào ông cũng nghĩ là nợ bà. Nhưng ông đã bỏ bà ra “đi trước” và phải gửi gắm bà lại cho người con trai Phạm Sơn Dương chăm sóc.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà ngoại giao kiệt xuất, người chồng rất mực thủy chung. Và ông còn là một học giả, một nhà văn hóa yêu quý và am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc mình; một nhà lãnh đạo tài ba, lỗi lạc... Ông là một tấm gương sáng cho các thế hệ sau học tập và noi theo.