Xã hội phát triển, guồng quay hối hả của cuộc mưu sinh thường cuốn con người ta vào những lo toan, bận rộn, kéo theo đó là các mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ hơn. Vợ chồng ít có thời gian để quan tâm lẫn nhau; cha mẹ cũng có ít điều kiện hơn để lo lắng, chăm sóc cho con cái; con cháu sống ích kỷ, ít quan tâm chăm sóc cha mẹ, ông bà. Tình trạng ly thân, ly hôn gia tăng đã đe dọa đến sự phát triển bền vững của xã hội, hủy hoại giá trị văn hóa bền vững vốn có của gia đình và ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên, nhất là của trẻ em. Theo đó, ở một số gia đình còn những biểu hiện bất bình đẳng giới trong các mối quan hệ, trong đó có cả lực lượng trí thức; cán bộ, công chức, viên chức cơ quan ngày càng có những biểu hiện đáng quan tâm; họ không nóng vội, ồ ạt bộc phát như tình trạng chung đã nêu trên, nhưng khi có vấn đề xảy ra trong gia đình họ luôn vì sĩ diện mà phải chịu đựng bạo lực nặng nề về mặt tinh thần.
Thực tế trong thời gian qua có rất nhiều hoạt động, phong trào trong nội bộ Đảng, đoàn thể cơ quan, đơn vị đã khởi xướng nhằm tăng nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, cơ quan và cộng đồng xã hội. Nổi bật như việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phong trào “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”, “Cơ quan văn minh, gia đình văn hóa”; phong trào thúc đẩy bình đẳng giới và hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ… đã góp phần giữ vững lối sống, cách ứng xử tốt đẹp và bình đẳng trong các mối quan hệ, nhất là vai trò của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, không những là gương tốt trong thực hiện nhiệm được giao mà còn phải gương mẫu cả trong đạo đức lối sống, trong ứng xử giao tiếp, trong gia đình và các mối quan hệ khác với xã hội.
Như vậy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong thời gian tới, nếu chúng ta không quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng gia đình, những khó khăn và thách thức sẽ tiếp tục làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, việc đề cao giá trị văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa là mục tiêu vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc và phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của xã hội. Tất cả nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. Để phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp đó, thiết nghĩ trong thời gian tới cần có những giải pháp như sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với việc thực hiện bình đẳng giới; tuyên truyền về vai trò vị trí của gia đình và công tác gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ chính quyền, đoàn thể và mọi cán bộ, đảng viên đối với việc xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tích cực triển khai sâu rộng các luật và các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình kết hợp với các chính sách an sinh xã hội. Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ cơ sở; phát huy hiệu quả của các tổ hòa giải, các câu lạc bộ tại cộng đồng; gìn giữ và phát huy văn hóa gia đình, nếp sống văn minh và truyền thống tốt đẹp của dòng họ, của khu dân cư; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
2. Làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác gia đình; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để làm tốt việc quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh thiếu nhi, kiên quyết ngăn chặn các tệ nạn xâm nhập học đường; từ đó đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình cùng với nhà trường và xã hội trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình.
3. Chú trọng tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, gắn thực hiện phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt” với thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các tiêu chuẩn về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nếp sống lành mạnh; ý chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; tinh thần gương mẫu thực hiện và tích cực vận động mọi người thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đóng góp thiết thực xây dựng cơ sở vật chất và giúp đỡ mọi người ở cộng đồng.
4. Trong gia đình, các thành viên cùng thống nhất bàn bạc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau để chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mỗi người; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con cái trên các lĩnh vực; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền giữa ông bà và cháu; giữa anh, chị, em và giữa các thành viên trong gia đình.
Vì vậy, trong từng cơ quan, đơn vị, lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể nếu phối hợp tốt tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống gắn với bình đẳng giới trong các phong trào thi đua của đơn vị sẽ là điều kiện tốt, là môi trường quan trọng để bảo vệ, phát triển con người một cách toàn diện.