Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

       Hiện nay, ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới số lượng người nhiễm HIV/AIDS ngày càng tăng, phần lớn là nam giới, trong độ tuổi lao động.

        Tuy nhiên, những người nhiễm HIV/AIDS có thể duy trì cuộc sống nếu được điều trị bằng thuốc ARV, có nghị lực vượt qua bệnh tật và những khó khăn trong cuộc sống. Gia đình người nhiễm bệnh nếu tham gia phòng, chống HIV/AIDS sẽ làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh ngay từ gia đình, dẫn đến làm giảm gánh nặng của xã hội, giảm tác động xấu của vấn đề HIV/AIDS đối với kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và địa phương. Chính vì vậy, ngày 30/11/2005, Ban Bí thư (khóa IX) ra Chỉ thị số 54-CT/TW về “tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”.

        Sau khi có Chỉ thị 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 3/3/2006; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có văn bản Hướng dẫn số 04-HD/TG, ngày 28/3/2006, hướng dẫn cấp ủy Đảng các huyện, thị, thành ủy, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn các Ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận triển khai tổ chức quán triệt, học tập, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 54 -CT/TW của Ban Bí thư; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 1198/UBND-BT, ngày 03/4/2006 về việc triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn toàn tỉnh.

        Hiện tỉnh đã Quyết định công nhận 113/127 xã, phường, thị trấn trọng điểm về phòng, chống HIV/AIDS. Số nhiễm HIV tích luỹ qua các năm đều tăng về số ca nhiễm mới: năm 2005: 508, năm 2006: 614, năm 2007: 717, năm 2008: 820, năm 2009: 909; năm 2010: 1013, năm 2013: 1286, năm 2014: 1379. Tình hình tử vong AIDS tích luỹ qua các năm tính riêng người có hộ khẩu tại Bình Thuận và những người từ các tỉnh khác đến sống và làm việc tại Bình Thuận không tính phạm nhân: năm 2005: 131, năm 2006: 147, năm 2007: 170, năm 2008: 203, năm 2009: 221, năm 2014: 279; tính riêng năm 2014 toàn tỉnh phát hiện có 313 ca nhiễm mới, trong đó có 86 trường hợp có địa chỉ tại Bình Thuận, số nhiễm HIV/AIDS ở nhóm tuổi cao nhất là từ 25-34 tuổi: 53,08%; tỷ lệ nhiễm giữa nam và nữ gần ngang bằng nhau: 56,86/43,14; tỷ lệ nhiễm HIV qua đường máu: 20,68%; đường tình dục chiếm đa số: 64,81% nhiều nhất ở tuổi trên 50; từ mẹ truyền sang con: 4,37% và không rõ nguồn lây: 10,14%.

        Trong năm 2014, số lượng mẫu xét nghiệm là 19.049, trong đó dương tính 314 trường hợp; xét nghiệm tự nguyện tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh là 32 trường hợp (bằng cùng kỳ năm 2013); số đối tượng được can thiệp giảm tác hại dự phòng: tổng số người tiếp cận là 4.029 với 22.644 lượt; số bệnh nhân điều trị tại cộng đồng nhiều nhất ở tuổi trên 15: nam có 406 trường hợp, nữ 213 trường hợp; số bệnh nhân được điều trị tại Trại giam Thủ Đức: 313 (ARV)/855 nhiễm HIV, Trại giam Huy Khiêm: 21 (ARV)/74 nhiễm HIV; số phụ nữ xét nghiệm, khám thai, được tư vấn hàng năm từ 10 ngàn đến 15 ngàn trường hợp, phát hiện trường hợp HIV dương tính rất ít (năm 2014: có 9 trường hợp). Tổng số lượt bệnh nhân được điều trị tại cộng đồng là 3.205 người; Bệnh nhân mới trong năm là 86 người (Nam 60, nữ 26), tích lũy bệnh nhân là 800 người, luỹ tích số bệnh nhân được điều trị ARV là 861 người, chưa được điều trị ARV là 416 người; số bệnh nhân được điều trị tại Trại giam Thủ Đức: 313 (ARV)/855 (HIV); Trại giam Huy Khiêm: 21/74 người.

        Công tác phòng, chống HIV/AIDS là công tác lâu dài như chương trình can thiệp giám sát tác hại, trong khi cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu và yếu về trình độ nghiệp vụ, như tình hình hiện nay khó thu hút được bác sỹ, y sĩ vào làm việc cho các Trung tâm PC-HIV/AIDS tuyến huyện, tỉnh; nhiều nơi ở cấp xã, phường cán bộ kiêm nhiệm nhiều công việc. Trong khi đó, các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm còn phức tạp, manh động, tinh vi, đặc biệt là theo xu hướng tập thể thuộc nhóm đối tượng thanh, thiếu niên ở vùng ven đô thị, nội thị làm cho công tác tiếp cận giáo dục, vận động gặp khó khăn; một bộ phận trong nhân dân, nhất là thanh thiếu niên còn chủ quan, chưa thường xuyên chú ý đến các hành vi an toàn phòng, chống HIV/AIDS. Kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn quá ít so với yêu cầu nhiệm vụ, trong thời gian qua chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí của Trung ương, kinh phí các dự án quốc tế không có, sự hỗ trợ kinh phí của địa phương cho công tác này còn quá ít, hầu hết các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố chưa hỗ trợ kinh phí cho hoạt động này, trong khi chi phí về công tác phòng, chống, khám, xét nghiệm, điều trị và chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tốn kém. Chưa huy động được các nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Một số Trung tâm Y tế huyện, thị.. chưa được đầu tư trang thiết bị y tế để thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS theo quy trình, quy định.

       Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 54 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần phải được lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và lâu dài. Xác định đây là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm hoạ đối với sức khoẻ, tính mạng con người, tương lai nòi giống của gia đình, dân tộc, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế của gia đình, địa phương. Tăng cường hơn nữa các địa bàn trọng điểm nhiều tệ nạn xã hội: ma tuý, mại dâm, vùng đô thị, các khu du lịch, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo; tập trung tuyên truyền giáo dục cho đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh và nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, giáo dục trong cộng đồng xoá bỏ sự phân biệt, kỳ thị với người bị nhiễm HIV/AIDS, tích cực chăm sóc, điều trị, động viên những người bị nhiễm HIV/AIDS tạo điều kiện cho họ hoà nhập vào cuộc sống xã hội. Tổ chức tốt Tháng hành động nhân ngày Quốc tế phòng chống HIV/AIDS (01/12) với chủ đề “Hướng tới mục tiêu không có người nhiễm mới HIV”. Tăng cường củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở; đầu tư trang thiết bị, máy móc, làm tốt công tác thu thập dữ liệu, tư liệu, dự đoán các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS ở địa phương. Quan tâm đầu tư kinh phí, tổ chức tốt công tác xã hội hoá phát huy các nguồn lực trong cộng đồng, xã hội tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bộ Y tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hiện hiệu quả “chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trong những năm đến và tầm nhìn đến năm 2020” của  Thủ tướng Chính phủ.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT