Hội nghị tập huấn có sự tham dự của 216 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác lịch sử đảng của Ban Tuyên giáo huyện, thị, thành ủy, Tuyên huấn đảng ủy trực thuộc; lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác biên soạn lịch sử truyền thống của các sở, ban ngành, các ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy, Mặt trận, đoàn thể tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo biên soạn lịch sử truyền thống xã, phường, thị trấn và đặc biệt trong đó, có 16 cộng tác viên – là những tác giả đang trực tiếp tham gia biên soạn lịch sử cấp huyện, thị, thành ủy, xã phường, thị trấn.
Qua hai ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu được nghe PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà (Phó viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Đảng) và PGS.TS Nguyễn Thanh Tâm (giảng viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) trao đổi về các nội dung: Công tác sưu tầm tư liệu lịch sử Đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn; lịch sử truyền thống cơ quan, ban ngành, đoàn thể; Biên soạn nội dung một cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương; lịch sử truyền thống cơ quan, ban ngành, đoàn thể; Một số vấn đề trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện biên soạn lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn; lịch sử truyền thống cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Cuối chương trình tập huấn, các đại biểu dự hội nghị đã trao đổi thẳng thắng những vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn và được giảng viên đầu ngành Viện Lịch sử giải đáp một cách khoa học, sâu sắc.
Nội dung tập huấn tại hội nghị đã trang bị cho đại biểu tham dự các kiến thức về tầm quan trọng của tư liệu lịch sử Đảng, cách sưu tầm, đánh giá và sử dụng một cách tối ưu nhất tư liệu vào nghiên cứu; hay cách thức đặt tiêu đề, lập đề cương, bắt tay vào biên soạn nội dung một cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương, cũng như lịch sử truyền thống cơ quan, ban ngành, đoàn thể; các đại biểu làm công tác quản lý ở cơ sở được trang bị thêm một số vấn đề trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một công trình lịch sử. Đó là những kiến thức cơ bản có thể vận dụng vào quá trình thực hiện biên soạn một công trình lịch sử.
Sau hội nghị tập huấn, đối với đại biểu ở cơ sở, có thể hiểu rõ hơn việc nghiên cứu biên soạn lịch sử, để đẩy mạnh hơn nữa công tác này ở địa phương; với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, sẽ là tiền đề khởi động việc thành lập Ban chỉ đạo biên soạn, tiến tới sưu tầm tư liệu, lập đề cương và triển khai biên soạn.