BÌNH THUẬN: Qua 10 năm thực hiện công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

           Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Thuận luôn đạt mức khá cao, bình quân 3 năm 2011 - 2013 đạt 8,9%.

          Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao, tiềm năng và lợi thế của tỉnh được khai thác ngày càng tốt hơn. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang được lấp đầy; các khu du lịch lớn như: Mũi Né - Hòn Rơm, Tiến Thành, Thuận Quý, Khu du lịch tâm linh TaKou,... đang trên đà phát triển nhanh. Do đó, việc đáp ứng đủ nguồn nhân lực gắn với công tác đào tạo nghề đang trở nên bức thiết đối với tỉnh ta trong giai đoạn hiện nay. Việc đẩy mạnh đào tạo nghề, đặc biệt lao động có trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu việc làm và nguồn nhân lực của nền kinh tế. 

          Xác định được tầm quan trọng của công tác đào trạo nghề phải đi đôi với giải quyết việc làm cho người lao động, trong những năm qua ngành Lao động - Thương binh & Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn gắn với  chương trình hướng nghiệp cho các đối tượng, qua đó đã giúp cho người học  có nhận thức đúng đắn hơn về học nghề và lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Kết quả, từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 97.470 người, trong đó có 61.685 lao động nông thôn; các cấp, các ngành, các địa phương đã giải quyết việc làm cho 230.970 lao động, bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 23.097 lao động.

          Công tác tư vấn, hướng nghiệp cho các đối tượng để chọn học các nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của xã hội được các ngành, địa phương coi trọng và thực hiện thường xuyên; việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề cho các trường trong tỉnh. Ngoài ra, hàng năm, các địa phương, các ngành chức năng đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu học nghề của người lao động, các đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề; trên cơ sở đó, tiến hành xây dựng kế hoạch, giải pháp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động tại ngành, địa phương mình; kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động được Tổ công tác liên ngành các cấp thực hiện thường xuyên.

           Đạt được kết quả trên là do các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức như tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp qua các hoạt động và các buổi sinh hoạt của các tổ chức Mặt trận, đoàn thể với khoảng 10.000 lượt người tham dự mỗi năm.

          Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động dịch vụ việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, các chương trình, các dự án phát triển kinh tế - xã hội đã thu hút được nhiều lao động, khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy sản xuất phát triển tạo nhiều việc làm mới trên các lĩnh vực; tình hình lao động thất nghiệp, thiếu việc làm được giải quyết tốt hơn; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có chuyển biến tích cực góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương, từng bước chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

           Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề trong thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo nghề chưa thật hợp lý, đa dạng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên cơ hữu, thỉnh giảng còn thiếu, chưa đủ chuẩn; chất lượng, hiệu quả đào tạo một số nghề chưa cao; một số nghề sau đào tạo khó tìm việc làm.

          Để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

          Một là: Tập trung tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động xác định được học nghề tạo việc làm vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ; triển khai có hiệu quả công tác điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động hàng năm làm cơ sở để hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động phù hợp với nhu cầu của người học nghề và thực tế phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.   

         Hai là: Lựa chọn các cơ sở dạy nghề có uy tín, chất lượng để giao nhiệm vụ dạy nghề cho lao động; tập trung đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề. Quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với chu kỳ phát triển của vật nuôi cây trồng; Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tạo việc làm mới hoặc chuyển đổi việc làm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn.

           Ba là: Tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp từ khâu xây dựng nội dung chương trình đào tạo đến quá trình tổ chức đào tạo, thực tập thực tế tại doanh nghiệp và nhận vào làm việc tại doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp.         

          Bốn là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo của các cơ sở dạy nghề; kiên quyết loại bỏ những lao động lợi dụng chính sách tham gia học nghề vì mục đích hưởng tiền ăn, tiền đi lại; nhân rộng các mô hình thí điểm có hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT