Quan tâm và xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật

  • /
  • 17.12.2013 - 14:29

Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 và Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) đã khẳng định quyền bình đẳng không thể phủ nhận của người khuyết tật.

                  Tháng 10/2007, Việt Nam đã ký Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật, đồng thời cam kết thực hiện khuôn khổ hành động Biwako “Hướng tới một xã hội hòa nhập, không trở ngại và vì quyền của người khuyết tật” của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thập kỷ thứ hai về người khuyết tật (2003 - 2012) với 7 lĩnh vực ưu tiên và một lĩnh vực của riêng Việt Nam là “nâng cao nhận thức xã hội với các vấn đề của người tàn tật”. Trong thời gian qua, Chính phủ đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về người khuyết tật, triển khai các chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật nhằm tạo môi trường pháp lý và huy động tới đa sự tham gia của xã hội trợ giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng và phát triển. Gần đây, Việt Nam đã đạt được một bước tiến lớn trong việc hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật khi Quốc hội thông qua Luật Người khuyết tật vào ngày 17/6/2010 và Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Thông tin, truyền thông, giáo dục nhằm thay đổi thái độ và hành vi về vấn đề khuyết tật; chống kỳ thị và phân biệt đối xử người khuyết tật là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào Luật.

            Theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện nay trên toàn thế giới có hơn 600 triệu người khuyết tật và cuộc sống hàng ngày của 25% dân số toàn cầu có liên quan với người khuyết tật ở mặt này hay mặt khác, vì sự khuyết tật của một người ảnh hưởng đến cả gia đình của người khuyết tật, chứ không chỉ có cá nhân người đó. Theo báo cáo cả nước có 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 8% tổng dân số, trong đó có khoảng 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Đó là số liệu được đưa ra trong Hội thảo Quốc tế “Công ước quyền người khuyết tật và vai trò của các hội người khuyết tật”. Trong các loại khuyết tật, chiếm tỷ trọng cao nhất là khuyết tật vận động và khuyết tật liên quan đến thần kinh và trí tuệ. Nguyên nhân gây nên khuyết tật có tới 36% bẩm sinh, 32% do bệnh tật, 26% do hậu quả chiến tranh và 6% do tai nạn giao thông. Tỷ lệ nam là người khuyết tật cao hơn nữ do các nguyên nhân hậu quả chiến tranh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông và tai nạn thương tích.

            Riêng ở tỉnh ta, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có 27.000 người khuyết tật. Tháng 11/2011, tỉnh thành lập Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ mồ côi, Hội hoạt động theo cơ chế đặc thù. Năm 2012, Hội vận động được 2 tỷ đồng, năm 2013 vận động được 8 tỷ đồng và đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Năm nay Hội đã xây dựng 13 căn nhà tình thương cho người khuyết tật và người nuôi dưỡng trẻ mồ côi nghèo, khó khăn về nhà ở, bình quân mỗi căn nhà trị giá gần 28 triệu đồng. Trợ cấp nuôi dưỡng 50 trẻ khuyết tật và mồ côi, gần 100 người khuyết tật được cấp xe lăn. Hội còn cấp máy trợ thính, vận động nhà tài trợ và đoàn bác sỹ tại thành phố Hồ Chí Minh mổ mắt cho 1.263 người nghèo, chỉnh hình vận động, phẩu thuật sức môi, hở hàm ếch. Ngoài ra, người khuyết tật còn được tham gia học nghề miễn phí.

            Cuộc sống của người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, đa số sống ở khu vực nông thôn, phải sống trong nhà ở tạm và trong những ngôi nhà bán kiên cố, phần lớn người khuyết tật gặp phải khó khăn trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, về việc làm và vốn sản xuất kinh doanh, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông ... Chính vì vậy, cuộc sống của người khuyết tật và gia đình họ thường bấp bênh, không ổn định và có nguy cơ rơi vào nghèo khổ. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật.

            Chính vì thế mà thách thức lớn nhất là việc chấp nhận người khuyết tật “vẫn chưa được nhiều người trong xã hội hiểu. Cũng giống như hầu hết người dân ở các nước khác, phần lớn người Việt Nam, kể cả những người trong ngành hành chính công, có xu hướng hiểu sai người khuyết tật là những người không có khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội”, theo đánh giá về tình hình khuyết tật ở Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

            Nguyên nhân của kỳ thị và phân biệt đối xử là công tác tuyên truyền, vận động về các vấn đề liên quan đến người khuyết tật, cũng như các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành về lĩnh vực này chưa sâu rộng; nhận thức của người dân về chính sách và quyền của người khuyết tật còn nhiều hạn chế; định kiến về người khuyết tật vẫn còn tồn tại trong xã hội...

            Thực tế cho đến nay, phần lớn người khuyết tật ở Việt Nam chưa được tạo điều kiện để khắc phục những khó khăn liên quan đến chức năng cơ thể để phát huy năng lực của mình, chủ động tham gia vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Nhận thức chưa đầy đủ về người khuyết tật và sự kỳ thị phân biệt đối xử với người khuyết tật là một trong những nguyên nhân của tình trạng này. Do đó chính sách đối với người khuyết tật không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng mà còn phải tiến tới xóa bỏ các rào cản đối với người khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, gia đình và của mọi cá nhân đối với người khuyết tật, giảm thiểu sự kỳ thị và phân biệt đối xử, giúp người khuyết tật chủ động hòa nhập, có cơ hội tham gia một cách bình đẳng vào các hoạt động của xã hội.

                                                                  Lê Bình


  • |
  • 2556
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT