Bình Thuận: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

  • /
  • 23.9.2013 - 16:10

Biến đổi, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học là những vấn đề lớn, mang tính toàn cầu, đã và đang làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI.

 

            Việc ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn, là những nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Ngày 03/6/2013, Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, với nhiệm vụ này, thời gian qua, Bình Thuận đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.

            Bình Thuận với khí hậu tương đối phức tạp, lượng mưa hàng năm thất thường, trung bình mỗi năm tỉnh hứng chịu 04 cơn bão và áp thấp nhiệt đới    tạo ra dông, lốc xoáy, sét, mưa đá, triều cường, lũ, lụt... ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nhân dân cũng như tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, thiên nhiên cũng ưu đãi cho tỉnh nhà có nguồn tài nguyên phong phú, như: đất đai màu mỡ; rừng với trữ lượng gỗ, tre, nứa cao (22,3 triệu m3 gỗ và 329 triệu cây tre, nứa các loại); diện tích lưu vực các con sông chính (có 7 con sông chính) khá lớn (9.980 km2); tài nguyên biển, với trữ lượng nguồn lợi hải sản từ 220.000-240.000 tấn hải sản; tài nguyên khoáng sản khá đa dạng về chủng loại và có giá trị kinh tế cao, trữ lượng khá lớn, như: titan, nước khoáng, cát trắng wonframite...Bên cạnh đó, Bình Thuận có những vùng khí hậu nắng ấm quanh năm, cảnh quan hoang sơ, đẹp; thuận lợi cho xây dựng khu du lịch, nghỉ mát và đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước...Tuy nhiên, môi trường của tỉnh hiện đang có dấu hiệu xuống cấp, như: tình trạng xói mòn, rửa trôi đất khi có mưa lớn; nước sông ở hạ lưu và nước ngầm ở các vùng khai khoáng, nuôi trồng thuỷ sản bị nhiễm mặn (ven biển ở Bắc Bình, Tuy Phong ..); môi trường không khí ở một số địa phương (Khu vực khai thác đá xây dựng Tazôn, Cầu Sở muối, Cảng cá Phan Thiết ...) bị ô nhiễm bởi khí thải bởi bụi khói của việc khai thác đá, mùi hôi khí thải của chế biến nông sản; tình trạng xả rác bừa bãi ở những du lịch, khu vui chơi cộng cộng (Khu Du lịch Đồi Dương, Mũi Né...). Tình trạng cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản không gắn với định hướng phát triển bền vững; công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng chưa tốt...

            Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thời gian qua các cấp uỷ, chính quyền tỉnh Bình Thuận  đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (tổ chức 10 lớp tập huấn cho đối tượng cấp huyện, xã về “nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”). Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai (hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thuỷ văn) được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Việc tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai; cứu hộ, cứu nạn diễn ra hàng năm cho nhiều đối tượng và nhiều địa phương, vùng có nguy cơ cao.... Xây dựng hoàn thiện hệ thống văn  bản vi phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý tài nguyên; đồng thời tuyên   truyền với nhiều hình thức nhằm phổ biến kịp thời và rộng khắp tới nhân dân trong tỉnh; xây dựng các đề án nhằm phát triển bền vững nguồn nước, khoáng sản, như: xây dựng phương án dự báo lũ, điều tra, khảo sát khoanh vùng khu vực ô nhiễm...Quy hoạch quỹ đất nhằm bảo vệ và sử dụng có hiệu quả cao hơn. Tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đưa nội dung vào giảng dạy trong nhà trường. Tích cực kiểm tra, xử lý cũng như có biện pháp xử lý đối với các vấn nạn ô nhiễm. Đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ công tác quản lý môi trường ngày càng tốt hơn; tập huấn nghiệp vụ về  xử lý ô nhiễm cho các đối tượng sản xuất kinh doanh  trong tỉnh (tổ chức tập huấn 1.234 lượt); và nhiều biện pháp khác (xây dựng 09 mô hình bảo vệ môi trường trong khu dân cư). Ngân sách tỉnh đã đầu tư đúng mức kịp thời cho việc tu sửa, nạo vét các kênh mương, ao hồ, sông, suối...để hạn chế ô nhiễm.

            Bên cạnh những mặt đạt được, việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường tỉnh Bình Thuận vẫn còn nhiều hạn chế, như: nhận thức của nhân dân, các cấp, các ngành chưa đầy đủ; công tác dự báo, cảnh báo chưa kịp thời; năng lực cứu hộ, cứu nạn còn yếu, phương tiện kỹ thuật còn lạc hậu...Công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về sử dụng, quản lý tài nguyên chưa sâu rộng, nên vẫn còn nhiều cơ sở, người dân vi phạm do thiếu hiểu biết. Việc cụ thể hoá chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất chưa đảm bảo; cơ sở xử lý chất thải, cũng như nghiệp vụ chuyên môn còn yếu, thiếu... Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức và tầm nhìn của các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp chưa đầy đủ,; một số chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước chưa được quán triệt, cụ thể hoá rõ ràng; công tác quản lý của nhà nước còn kém hiệu quả...

            Trong thời gian tới, để Bình Thuận làm tốt hơn việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần có sự nỗ lực nhiều, nhiều hơn nữa và trên hết vận động sự tham gia tích cực của cả cộng đồng dân cư vào nhiệm vụ này.

                                                                              Hồng Hạnh

 


  • |
  • 2894
  • |

Các tin khác