Biển Phan Thiết, nơi in dấu bước tập dượt chuẩn bị vượt trùng dương ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành

  • /
  • 13.3.2013 - 11:5

Cách đây 100 năm, vào ngày 5-6-2011 tại bến Nhà Rồng-bến Cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên chiếc tàu Amiral La Touche De Tresville, tạm rời xa Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

             Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. Trên con đường vạn dặm đó, Phan Thiết là một trong những nơi in dấu chân Bác chuẩn bị vượt trùng dương ra đi.

Khi ở Phan Thiết, Bình Thuận, Bác thường đi theo các gia đình thuyền chài ra biển đánh cá, cá vừa đánh lên liền cho vào nồi nước sôi đặt sẵn trên bếp, vớt ra chắm với muối chanh ớt, ăn thật lạ và ngon, nước luộc cá rất ngọt. Món cá nấu ngót đó chỉ có thể thực hiện ngoài khơi, khi mành chà vừa mới kéo lên, vì bà con làm nghề mành thường hay ăn như thế. Trong khi dạy học ở Phan Thiết, Bác đã đi biển và biển Phan Thiết chính là nơi Bác tập làm quen với sóng gió, tập làm thủy thủ để vượt trùng dương ra đi tìm đường cứu nước. Ngàn dặm vào Nam, trên con đường xuyên Việt đó, tỉnh Thuận Hải (nay là Ninh Thuận và Bình Thuận) vinh dự được Bác Hồ dừng chân dạy học một thời gian trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Thuận Hải những năm đầu thế kỷ XX là đầu mối giữa Nam Bộ và Trung Bộ, là chặng đường cuối của cuộc Nam du của các nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân, và cũng là nơi lánh nạn của các nhà nho yêu nước. Nơi đây trên địa bàn Thuận Hải, phong trào chống Pháp đã có biết bao mối liên hệ lịch sử mà chúng ta không thể biết hết được. Cụ Nguyễn Thông từ Tân An ra Phan Thiết lập “Đồng Châu xã” nhằm xây dựng cơ sở chống Pháp. Tiếp đến, các cụ Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn…đều có dịp đến Phan Thiết để vào Nam vận động phong trào Đông Du. Năm 1905, các cụ Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đi chu du tuyên truyền cho phong trào Duy Tân ở các tỉnh cực Nam cũng đã lưu tại đây...Trên đường vào Nam, cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành đã đến Duồng (thôn Hà Thủy, xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Thuận Hải, nay là tỉnh Bình Thuận). Ở lại Duồng gần một tháng, được sự giúp đỡ của cụ Trương Gia Mô, Nguyễn Tất Thành vào dạy học ở trường Dục Thanh một thời gian. Phan Thiết là nơi Nguyễn Tất Thành sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân lâu nhất trên đường từ Huế vào Nam để ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Hồi đó, trường tư thục Dục Thanh là trường tiến bộ nhất. Trường dạy chữ Quốc ngữ là chính, nhưng có giờ chữ Hán và chữ Pháp, do đó khắp nơi đều biết tiếng, được nhiều nhà nho yêu nước quan tâm. Là con của một cụ Phó bảng yêu nước nên khi vào Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành được các vị sáng lập trường và các thầy giáo ở trường quý trọng. Dạy học ở Dục Thanh, và qua Liên Thành Thương quán với các chuyến tàu biển, thầy Thành đã cố gắng nghe ngóng để tìm hiểu con đường đi ra nước ngoài. Ở Phan Thiết, thầy giáo Thành còn tìm hiểu đời sống của nhân dân làm nghề biển, tìm hiểu cách đánh bắt cá và bữa ăn thường ngày của các gia đình. Trong cuộc gặp gỡ các học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết, do Ban Thường vụ tỉnh Thuận Hải cũ tổ chức vào đầu năm 1978 gồm có cụ Nguyễn Quý Phầu (cháu nội của nhà thơ Nguyễn Thông, là học trò lớp ba của thầy giáo Thành), Từ Trường Phùng, Nguyễn Đăng Lâu. Các cụ đã kể lại những mẫu chuyện của Bác Hồ năm 1910: lúc thầy Thành đến Phan Thiết gặp làng tổ chức hát bội cả tuần trăng, thầy vẫn dẫn học sinh đi xem đủ. Những ngày nghĩ, thầy Thành đã dẫn học sinh đi thăm động làng Thiềng, cửa biển Thương Chánh và các đình làng khác. Sau các buổi đi đó, thầy Thành không quên giảng giải cho các em nghe về các nhân vật, các gương hy sinh trong tuồng tích, gây thêm cho các em ý chí yêu nước thương nòi và lòng căm thù các bọn cường hào ác bá…

Con đường ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành thật là dài, vô cùng gian lao vất vả. Chưa ai có thể biết một cách chính xác tất cả những thời gian, những địa phương mà Người đặt chân đến, và bao nghìn vạn cây số mà Người đã vượt qua và bằng phương tiện gì? Chỉ biết Thuận Hải là nơi Bác Hồ đã dừng chân để gây giống cách mạng, là nơi đã hun đúc thêm trong Bác ý chí cứu nước, là nơi đóng góp thêm trong Bác những thực tế về sự đói nghèo, bất công của người dân nô lệ; món cá ngót gắn với những chuyến đi biển là sự chuẩn bị cho chuyến hành trình dài trên con đường vạn dặm ra đi tìm đường cứu nước của Người. Món cá ngót ngọt ngào như tấm lòng người dân Phan Thiết đã đi vào tâm trí Bác và Người mãi mãi sống trong lòng cán bộ, chiến sĩ, và nhân dân Bình Thuận.

                                    Thái Sơn (sưu tầm và biên soạn)


  • |
  • 828
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT