Qua hơn ba tháng phát động tại tỉnh ta, có gần 9500 bài thi viết của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên tham dự cuộc thi. Vuợt qua vòng sơ khảo, chung khảo và chung khảo xếp hạng, Ban Giám khảo đã chọn được bài dự thi theo thể loại trường ca của anh Trần Cơ để trao giải nhất một cách xứng đáng.
Căn cứ vào thể lệ cuộc thi, anh Trần Cơ đã thể hiện ý tưởng chủ đề dự thi của mình dưới hình thức thơ lục bát. Tự nhận mình là một người làm thơ không chuyên, chỉ yêu thích thơ văn, việc gieo vần theo thể loại thơ lục bát còn lạ lẫm, nhưng với một cảm xúc mãnh liệt về tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào, anh Trần Cơ đã suy nghĩ và thể hiện thành công bài thi viết của mình với 486 câu lục bát, 3402 chữ. Những câu lục bát mộc mạc, chân phương đi vào lòng người.
Mở đầu bài trường ca, anh viết:
Việt–Lào - hai nước láng giềng
Trường Sơn một dãy hùng thiêng dọc dài
Lào bên đó, Việt bên này
Tựa lưng vững chắc từ ngày khai sinh
Mê Kông – dòng chảy thanh bình
Đáy sông in rõ bóng hình trời chung
Nước sông - Lào–Việt uống cùng
Hạ nguồn đất Việt, thượng vùng Ai Lao…
Mỗi trang thơ đi kèm theo hình ảnh phong phú, trình bày trân trọng; mỗi dòng, mỗi đoạn thơ thể hiện được chủ đề của bài thi nhưng không phạm vi theo thể lệ của cuộc thi, đã chiếm được cảm tình của tất cả các giám khảo cuộc thi cấp tỉnh. Đoạn thơ về Hoàng thân Xuphanuvong với các công trình xây dựng ở Việt Nam, trong đó có tháp nước Phan Thiết rất thú vị:
Hoàng Thân sinh ở Ai Lao
Năm mười một tuổi Ông vào Việt Nam
Học trường An-bớt Sa-ran (Albert Sarraut)
Tọa lạc trên phố phía Nam Hà thành
Ngày sau sang Pháp tung hoành
Theo ngành Xây dựng trở thành kỹ sư
Đông Dương ngày ấy dường như
Kỹ sư có một là từ Nu-vông (Xuphanuvong)
Hạ tầng kiến trúc có công
Việt Nam vinh dự được Ông góp phần
Công trình bền, đẹp nhiều lần
Đến nay còn đó rất gần dân sinh:
Tháp nước Phan Thiết hữu tình
Đập thủy Bái Thượng, tượng hình xứ Thanh…
Hoặc đoạn nói về những ngày chuẩn bị thành lập Đảng:
… Bác Hồ từ ấy ly hương (1911)
Vượt ngàn hải lý, tìm đường cứu dân
Đá mềm hơn những bàn chân
Người đi khắp cả nơi gần, chốn xa
Con đường cứu nước hiện ra
Thênh thang, sáng rực như là Đẩu tinh
Trước khi về nước cứu mình
Bác Hồ khảo sát tình hình Ai Lao (1928)
Ra công tập hợp anh hào
Dựng xây cơ sở trên Lào triệu voi
Đông Dương Cộng sản ra đời (10/1930)
Mở ra trang sử sáng ngời tri giao
Tình thân vốn có - Việt–Lào
Nay càng thắm thiết xiết bao nghĩa tình
Việt–Lào liên kết, liên minh
Quyết cùng đánh Pháp, cứu mình thoát nô
Công lao có một cụ Hồ
Quên thân gầy dựng cơ đồ liên minh
“Giúp bạn là tự giúp mình”
Nhìn xa - Bác đã đinh ninh dặn dò
Nắm tay, Lào–Việt reo hò
Chiến đấu phối hợp, thắng to trận đầu
Mở màn cho những trận sau
Liên tiếp thắng trận, dập đầu thực dân…
(Kết quả thí sinh đạt giải được công bố tại trang www.tuyengiao.vn,)
Tại vòng chấm chung khảo cấp tỉnh, các giám khảo đều bỏ phiếu kín, chấm bài dự thi đặc biệt này đạt giải cao nhất, đồng thời cùng với 19 bài dự thi các thí sinh khác của tỉnh Bình Thuận được gửi dự thi cấp Trung ương.
Qua số luợng 3.000.032 bài dự thi viết gửi về từ khắp mọi miền đất nước, Ban Tổ chức cuộc thi cấp Trung ương đã chọn ra 01 giải nhất, 02 giải nhì, 05 giải ba và 40 giải khuyến khích. Bài dự thi của anh Trần Cơ được lọt vào chung khảo và đạt giải khuyến khích của cuộc thi. Đó là niềm vui khích lệ đối với cá nhân thí sinh đạt giải, cũng như tỉnh ta.
Nguyễn Thành Tài